Thạc sĩ "bỏ phố về làng" khởi nghiệp, ước mơ đưa hoa sen vươn ra thế giới
(Dân trí) - Sau 8 năm "bỏ phố về làng", chàng trai xứ Nghệ đã trở thành Giám đốc HTX trồng sen có quy mô 50ha với hơn 100 giống khác nhau.
Những ngày trung tuần tháng 9, ghé thăm quê Bác ở xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến những đầm sen vẫn nở hoa, tỏa hương thơm dễ chịu.
"Nếu như trước đây, ở làng Sen, sen chỉ nở rộ vào tầm tháng 5 - 7 thì nay có nhiều giống mới có thể khoe sắc tới tháng 9, tháng 11. Chúng tôi đang thử nghiệm phát triển giống sen mới, dự kiến có thể cho thu hái hoa vào dịp Tết Nguyên Đán, chịu được nhiệt độ lạnh khoảng 18 độ C", anh Phạm Kim Tiến - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Sen Quê Bác cho biết.
Mô hình làm kinh tế từ sen là thành quả đầu tư nghiên cứu, thực hiện suốt 8 năm qua của anh Phạm Kim Tiến.
"Bỏ phố về làng" ấp ủ ước mơ khởi nghiệp với sen
Như nhiều bạn bè đồng trang lứa, khi còn nhỏ, cậu học trò Phạm Kim Tiến cũng khao khát giấc mơ được ra thành phố học, thoát khỏi lũy tre làng. Sau khi học xong thạc sĩ tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, anh Tiến làm việc tại nhiều tỉnh thành Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên… Nhưng một biến cố gia đình đã khiến vợ chồng anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp.
Khi về quê, với kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, vợ chồng anh mở cơ sở kinh doanh phân bón, giống lúa. Sinh ra ở làng sen, lớn lên bên những cánh đồng sen bát ngát, ngát hương, nên anh Tiến dành tình yêu đặc biệt với loài hoa này. Trở về quê, ngoài kinh doanh, anh dành thời gian chăm sóc, sưu tầm các giống sen, tìm hiểu đặc tính sinh học và các sản phẩm khác nhau từ sen.
"Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy các sản phẩm lưu niệm từ hoa sen để du khách, khách nước ngoài mua chưa đa dạng. Vì vậy, tôi muốn phát triển việc trồng sen và kinh doanh các sản phẩm từ sen tại quê hương", anh Tiến nói.
Năm 2013, từ số tiền tích lũy khoảng 170 triệu đồng, anh quyết định đấu thầu một số đầm trong xã, đầu tư mua giống, phân bón để trồng sen. Giống sen bản địa tuy thích nghi tốt với môi trường, điều kiện sống nhưng đang dần thoái hóa giống. Do đó, ngoài bảo tồn giống sen bản địa, cùng với sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, anh sưu tầm, thử nghiệm nhiều giống sen khác nhau cả trong và ngoài nước tại những vùng ruộng thấp trũng mà dân làng bỏ đi.
"Mỗi giống sen có những ưu điểm, nhược điểm, lợi thế sử dụng riêng. Có giống mình trồng để thu hoạch hoa, có giống thu hoạch củ, có giống để phục vụ ướp trà, làm trà…", anh Tiến chia sẻ.
Thời gian đầu, không ít người dân trong thôn, xã hoài nghi với việc làm của anh Tiến. Bởi lâu nay, người dân chỉ quen trồng các giống sen địa phương. Việc thuyết phục người dân thay đổi giống, cách trồng, chăm sóc và chế biến sen không hề đơn giản. Chỉ đến khi thấy được kết quả khả quan từ việc trồng nhiều giống sen mới của anh Tiến, người dân mới bắt đầu "xuôi lòng".
Năm 2018, anh Tiến mạnh dạn thành lập HTX Sen quê Bác. Đến nay HTX đã có 17 thành viên, mở rộng quy mô trồng sen lên tới 50ha với hơn 100 giống. Mỗi thành viên có mức lương ổn định, trung bình khoảng 6,5 - 7 triệu đồng/tháng (chưa kể lợi nhuận).
Ngoài trồng và chăm sóc, cung ứng các giống sen còn chế biến sâu các sản phẩm về sen, gồm: Các loại trà sen (trà ướp hoa sen, trà lá sen, Trà Liên Tu, Trà Bạch Liên Nữ Vương...), nhóm sản phẩm từ hạt (hạt sen tươi, hạt sen sấy khô, sữa hạt sen; kim chi sen, củ sen muối; làm hương thắp từ sen...). Trong đó, có 7 sản phẩm đạt OCOP của huyện Nam Đàn, có 2 sản phẩm đang xây dựng hướng đến xuất khẩu là kim chi sen và trà ướp bông sen.
Những đầm sen tại quê hương giờ đây vừa mang lại giá trị kinh tế vừa thu hút phát triển du lịch. Trong hơn 100 giống sen trồng thử nghiệm khác nhau, có nhiều giống có bông hoa đẹp, ấn tượng như Sen ngàn cánh, sen đỏ Bắc Kinh, sen Super lotus ... Những loại sen này chủ yếu thu hoạch hoa và có đầu ra ổn định.
"Trước đây, hoa sen chủ yếu được bán vào các dịp lễ như Vu Lan nhưng hiện nay nhu cầu mua sen gần như quanh năm. Thời điểm mới thử nghiệm thành công giống sen ngàn cánh, giá lên tới 50.000 đồng/bông. Sau một thời gian, mức giá giảm, chúng tôi lại liên tục thử nghiệm các loại giống mới, đa dạng để phục vụ thị hiếu khách hàng", anh Tiến cho biết.
Những đầm trồng giống sen có bông đẹp, ấn tượng cũng có khả năng phát triển du lịch. Anh Tiến cho hay, cảnh quan của vùng Kim Liên rất đẹp, nên HTX và người dân cũng triển khai những hoạt động du lịch thú vị như "Một ngày làm nông dân". Tại đây, cha mẹ cùng các bé có thể hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm cấy lúa, bắt cá, chăn trâu, thử làm và thưởng thức các món ăn từ sen...
Anh Phạm Kim Tiến hợp tác với một số cửa hàng để trưng bày, bán trà sen, các chế phẩm từ sen tại nhiều thành phố lớn, du lịch phát triển như Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh… Anh cho biết, để làm ra những sản phẩm từ sen có giá trị luôn đòi hỏi sự công phu, tỉ mẩn cùng với máy móc hiện đại: máy sấy, máy hấp, máy ủ, máy đóng bao bì, máy hút chân không….
Một trong những sản phẩm cao cấp nhất được làm ra từ cây sen là trà ướp gạo sen. Hiện sản phẩm này có giá từ 800.000 đồng - 1,5 triệu đồng/kg.
Nguyên liệu được lựa chọn kỹ lưỡng từ những đầm sen không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, có môi trường trong lành, HTX cử cán bộ về tận hộ giúp dân trồng các loại giống mới.
"Bản thân mỗi cây sen như một nhà máy sinh học thu nhỏ. Các bộ phận rễ, thân, lá có khả năng loại bỏ chất bẩn để mang những gì tinh túy nhất đến bông hoa. Tuy nhiên đối với loại hoa làm các sản phẩm trà, chúng tôi quản lý quy trình trồng nghiêm ngặt, đảm bảo nguồn nước an toàn, sử dụng phân bón theo quy định", anh Tiến cho biết.
Vào mùa sen nở, từ sớm tinh mơ người nông dân nhanh tay tách gạo sen (túi hương của bông hoa sen) ra khỏi những bông hoa vừa nở miệng sáo. Công việc tuy đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ để sen không dập nát.
Ướp và sấy trà là cả một quy trình nghệ thuật. Loại trà ướp gạo sen là trà Shan Tuyết (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Mỗi kg trà sen phải mất từ 800 - 1500 bông hoa sen. Quy trình sản xuất trà ướp gạo sen làm sao ướp và sấy cho hương sen đượm vào cánh trà mà nước trà không quá đỏ.