Thả nổi người nghiện: Bỏ trung tâm là “chết”
“Bỏ cai nghiện tại trung tâm là “chết”, là nguy hiểm, nguy hiểm lắm” - ông Nguyễn Đình Hiền, Chi cục phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB-XH TP Hà Nội, khẳng định
Để thực hiện bài viết này, chúng tôi đã tiếp xúc với một số học viên tại Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy số 2 (xã Phú Sơn, Ba Vì - TP Hà Nội).
Cảnh báo về sự nguy hiểm
Khi được hỏi cai nghiện tại cộng đồng hay ở trung tâm tốt hơn, nhiều học viên đã thừa nhận cai nghiện và quản lý sau cai ở trong trung tâm sẽ cách ly người nghiện khỏi môi trường xấu bên ngoài. Chỉ những ai có nghị lực thật cao mới có thể cai nghiện ở cộng đồng hiệu quả mà thực tế chẳng có mấy người làm được điều này.
Nhận xét về đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy mà Bộ LĐ-TB-XH đang xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương để sau đó chuẩn bị trình Chính phủ, ông Nguyễn Đình Hiền nói đề án làm theo cách làm của nước ngoài, mục đích là hướng công tác điều trị về cộng đồng và bỏ mô hình cai nghiện tại trung tâm. “Nếu bỏ mô hình cai nghiện tại trung tâm là “chết”. Nguy hiểm, nguy hiểm lắm” - ông Hiền lo lắng.
Các học viên đang được cai nghiện tại Trung tâm Cai nghiện ma túy số 2 - TP Hà Nội.
Để minh họa, ông Hiền đưa ra một ví dụ cụ thể: Hiện tại, Hà Nội có 9.200 người đang cai nghiện và quản lý sau cai tại các trung tâm, nếu số đối tượng này ở ngoài cộng đồng, chỉ cần mỗi tháng, mỗi đối tượng gây ra một hành vi như: trộm cắp, cướp tài sản, giết người… thì đã xảy ra 9.200 vụ việc phức tạp, gây nguy hại cho xã hội; chưa kể 9.200 đối tượng này ở bên ngoài, mỗi ngày phải tiêu tốn từ 50.000 đồng - 1,5 triệu đồng/người để mua thuốc, nhân lên là một số tiền không nhỏ. “Vậy thì làm sao lại bảo cai nghiện ở ngoài cộng đồng tốt hơn ở trong trung tâm?” - ông Hiền nói.
Muốn tốt, phải cai tại trung tâm
Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, trung tâm cai nghiện của địa phương này đã tiếp nhận 587 lượt đối tượng nghiện ma túy, trong đó có 364 người mới phát hiện, 223 lượt người tái nghiện, tăng 113 lượt đối tượng so với cùng kỳ năm 2011, nâng tổng số đối tượng được quản lý cắt cơn cai nghiện, giáo dục dạy nghề tại trung tâm lên 908 lượt học viên. Qua công tác quản lý, giáo dục, trung tâm đã giải quyết về hòa nhập cộng đồng 641 lượt học viên. Hiện nay, trung tâm đang quản lý, giáo dục cai nghiện cho 267 học viên, trong đó có 41 học viên ngoài tỉnh.
TP Hà Nội hiện vẫn còn duy trì 10 trung tâm cai nghiện ma túy, gồm 7 trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội và 3 trung tâm quản lý sau cai nghiện. Trong 3 trung tâm quản lý sau cai nghiện ma túy có 2 trung tâm do Sở LĐ-TB-XH Hà Nội quản lý, 1 trung tâm do Thành đoàn TP Hà Nội quản lý. 10 trung tâm cai nghiện này có thể tiếp nhận được 12.500 người.
Theo ông Nguyễn Đình Hiền, hiện sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, chính quyền cơ sở chưa thực sự tích cực trong công tác điều trị và quản lý sau cai nghiện. Vì thế, việc cai nghiện cũng như quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng sẽ không mang lại hiệu quả. Nếu muốn tốt thì phải cai nghiện tại trung tâm. Ở đó, học viên được giám sát, cách ly khỏi môi trường tệ nạn, được học tập, rèn luyện, lao động, học nghề.
Khó giám sát từng người trong cộng đồng
Trong khi đó, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Sở LĐ-TB-XH TPHCM xác định cai nghiện ma túy tại cộng đồng hiện chỉ làm ở mức độ tham khảo. Một mặt TPHCM khuyến khích thực hiện mô hình này, mặt khác tích cực khai thác nhiều hơn đối với 3 trung tâm cai nghiện tư nhân và 6 cơ sở điều trị bằng methadone.
Một đại diện của chi cục cho rằng trong thời gian này vẫn cần duy trì việc cai nghiện tập trung bởi ai cũng nhìn thấy sự bất ổn, khó khả thi khi áp đặt mô hình cai nghiện tại nơi cư trú cho một địa phương đặc thù về số dân như TPHCM. Ở thời điểm này, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội chỉ mới nắm được số người đang cai nghiện tập trung, quản lý sau cai và tái hòa nhập cộng đồng.
Hiện số người nghiện mới vẫn đang được khảo sát từ các địa bàn cơ sở. “TPHCM đang triển khai kế hoạch cai nghiện ma túy tại nơi cư trú trong băn khoăn, lo ngại. Quy định thì phải làm theo nhưng TPHCM có mật độ dân cư dày đặc, lượng người đi - đến hằng ngày cao, do vậy việc giám sát từng con người trong cộng đồng là rất khó khăn” - ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, nói.
Giảm tội phạm nhờ kiểm soát người nghiện
Trong 5 năm thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện (Nghị quyết 16 của Quốc hội, 2003-2008), TPHCM đã quản lý 31.000 người sử dụng ma túy tại các trung tâm; 70% người sau cai được đào tạo và giúp có việc làm. Tại thời điểm đó, tỉ lệ tội phạm cả nước tăng bình quân 10%, riêng TPHCM giảm được 7% - 8%/năm. Ngoài việc bảo đảm an ninh trật tự xã hội, mô hình cai nghiện theo Nghị quyết 16 đã giảm lây nhiễm HIV, giảm số người nghiện mới, tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng chi tiêu vào ma túy. |
Theo Văn Duẩn - Hoàng Dũng - Quý Lâm
Người lao động