1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tết vẫn lo về dịch cúm

Đó là tâm trạng của Cục trưởng Thú y Bùi Quang Anh và là lý do mà mấy ngày Tết, ông phải lặn lộn ở Nghệ An, Thanh Hoá để kiểm tra việc kiểm soát giết mổ gia cầm. Ông tâm sự, người ta ăn Tết vui vẻ, còn mình cứ thấp thỏm lo dịch tái phát.

Nhìn lại 3 năm kể từ khi dịch bùng phát vào năm 2003, điều gì làm ông tâm đắc nhất?

Thực ra, dịch cúm gia cầm được ngành thú y Việt Nam biết từ tháng 5/2003, đã chuẩn bị đối phó, nhưng không lường trước nó lại lây lan nhanh (tới 57 tỉnh thành) và gây tác hại lớn như thế.

Sinh ra và lớn lên ở quê nghèo Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, năm 1968, ông Bùi Quang Anh đi học chuyên ngành thú y tại Cu Ba. "Giống như nhiều người, lúc đầu tôi không thích thú y, nhưng sau đó vị đại sứ Cu Ba quê Hà Tĩnh khuyên, cháu là con em nông dân, học thú y là đúng rồi", ông kể lại.

Và từ đó, nghiệp thú y gắn chặt vào cuộc đời ông. Về nước năm 1974, ông về Cục Thú y, rồi làm chuyên gia ở Angola, làm giám đốc Trung tâm thú y vùng tại Vinh. Từ năm 1996 đến 2001, ông là Cục phó Thú y. Từ 2001 đến nay, ông đảm nhiệm cương vị cục trưởng.

Điều tôi tâm đắc nhất là trong vòng 2 tháng 1-2/2004, tôi hứa với Bộ trưởng, với Chính phủ là phải khống chế được dịch và đã làm được.

Một điều tâm đắc nữa là kể từ khi làm Cục trưởng Thú y đến nay (năm 2001), chưa bao giờ Cục có sự chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp của Đảng, Chính phủ như thời gian dịch dã vừa qua.

Trong số các quốc gia bị cúm gia cầm, Việt Nam được đánh giá là giỏi nhất vì đã tạo sự thống nhất từ trung ương xuống địa phương trong chỉ đạo, thực hiện phòng chống dịch. Nỗ lực, cố gắng của anh em thú y đã được ghi nhận và năm qua Thủ tướng ký quyết định lấy 11/7 hằng năm là ngày truyền thống của ngành.

Sau mấy năm dịch dã, bài học rút ra cho công tác phòng chống dịch là gì?

Từ đợt dịch đầu năm 2003-2004 cho thấy công tác kiểm soát ổ dịch và kiểm soát vận chuyển gia cầm là rất quan trọng. Mùng 6/2/2004, Chính phủ bắt đầu cử các đoàn đi giám sát và chỉ khi ấy chúng ta mới kiểm soát được việc vận chuyển gia cầm. Kết quả đến 11/2/2004, dịch đã giảm và đến 28/2 không còn điểm dịch nào.

Một bài học sau này được áp dụng rất phổ biến và hiệu quả là dịch xảy ra ở đâu thì bao vây ngay ở đó, tuyệt đối không vận chuyển ra ngoài. Bài học gần đây nhất trong vụ dịch 2005 vừa qua là việc không sử dụng sản phẩm gia cầm không đảm bảo an toàn. Xét về khía cạnh kinh tế, nó gây thiệt hại cho người nông dân, nhưng về mặt dịch tễ thì nó đã làm virus ít lây lan.

Điều gì khiến ông trăn trở nhất trong công tác phòng chống dịch?

Có hai việc, thứ nhất là hệ thống tổ chức ngành thú y. Thực ra, thú y phải được xây dựng thành hệ thống ngành dọc, từ trung ương đến địa phương. Khi dịch bệnh xảy ra sẽ có một sự điều hành chung thông suốt từ trên xuống dưới. Hiện nay có nhiều ý kiến đang muốn cắt khoảng, muốn trạm thú y huyện thuộc UBND huyện, chứ không phải chi cục thú y tỉnh.

Trăn trở thứ hai không phải của riêng tôi mà cả bậc lão thành trong ngành là phải có mạng lưới thú y phường xã, thôn bản; phải có thù lao hoặc lương cho nhân viên ở cấp này.

Thời hợp tác xã, chúng ta đã có mạng lưới thú y xã phường, được hưởng công điểm. Xóa bỏ bao cấp ta cũng xóa luôn cả thú y xã phường. Hiện nay, một nửa trong số 64 tỉnh thành đã có mạng lưới thú y cơ sở với khoảng 30.000 người, chế độ do UBND tỉnh quyết định. Nhưng như thế là chưa đủ, vẫn còn tới một nửa đất nước thiếu thú y xã phường.

Nhiều người cho rằng nhờ dịch cúm gia cầm, ngành thú y mới được biết đến. Cá nhân ông có chạnh lòng khi nghe nói vậy?

Thực ra, trước dịch cúm, ngành thú y đã được quan tâm. Từ năm 1992, ta đã tham gia Tổ chức thú y quốc tế, đã có một số dự án của FAO, EU tăng cường năng lực cho thú y Việt Nam. Trong dịch cúm gia cầm, Đảng, Chính phủ và UBND các tỉnh thành phố đã quan tâm hơn. Tôi nhớ dự họp Chính phủ, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã nói 1-2 lần là "lâu nay ta coi thường thú y quá".

Thực ra, quan tâm, đầu tư đến thú y là rất có lợi cho xã hội. Nếu để dịch cúm xảy ra thì phải tiêu hủy mấy chục triệu gia cầm. Trước đó, những năm 1970, Việt Nam đã diệt hàng chục nghìn con lợn vì dịch tả.

Mặt khác, chúng ta đang hội nhập, việc buôn bán gia cầm, gia súc giữa các nước đang phát triển, nguy cơ mầm bệnh từ nước khác vào Việt Nam vì thế cũng rất cao. Nếu đầu tư cho thú y, lập hàng rào kỹ thuật vững chắc thì sẽ đảm bảo an toàn cho sản xuất trong nước.

Một điều quan trọng nữa làm tốt công tác thú y, bảo vệ được đàn gia súc, gia cầm thì cũng có nghĩa bảo vệ được sức khỏe con người. Bởi thống kê cho thấy có tới 42 bệnh có thể lây từ động vật sang người. Đây là lý do khiến các nước phát triển rất quan tâm đến ngành thú y.

Ở các nước, dấu kiểm dịch của thú y có giá trị pháp lý. Nếu đã đóng dấu xác nhận con gà an toàn, nhưng người tiêu dùng sử dụng có vấn đề thì được quyền kiện lại cán bộ kiểm dịch đã đóng dấu. Nhưng tại Việt Nam, con dấu kiểm dịch không có mấy giá trị. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Phải hiểu rằng con dấu đóng trên thịt gia súc, gia cầm là dấu kiểm soát giết mổ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành kích cỡ các loại dấu với từng loại động vật, từng loại sản phẩm tiêu dùng trong nước hay xuất khẩu. Riêng xuất khẩu, chúng tôi phải thông báo chữ ký của người được phép ký và đóng dấu trên các lô gia súc, gia cầm cho thú y nước nhập khẩu để kiểm soát.

Trong dịch cúm gia cầm vừa qua, không phải người dân không thấy được giá trị của dấu kiểm soát giết mổ, mà là họ chưa quen.

Ông nghĩ thế nào nếu ràng buộc được trách nhiệm giữa người tiêu dùng và cán bộ kiểm soát giết mổ?

Cái này đã có pháp lệnh thú y và các nghị định hướng dẫn quy định. Quy trình kiểm dịch rất chặt chẽ, gồm nhiều khâu. Thứ nhất là điều kiện giết mổ, phải mổ ở đâu để đảm bảo an toàn. Thứ hai là điều kiện của gia súc, gia cầm, xuất phát ở vùng có dịch hay không có dịch. Thứ ba, quá trình kiểm soát phải có nhiều cung đoạn, từ khâu khám sống, xem xét giấy tờ xuất xứ của con vật; rồi khám sau giết mổ, có biên bản từng lô hàng, chấm dấu và bao gói đưa ra thị trường.

Nếu làm đúng từng công đoạn, tạo thành chuỗi thực phẩm sạch thì chẳng người tiêu dùng nào kiện. Nếu có vấn đề gì thì cứ sai ở cung đoạn nào xử lý người chịu trách nhiệm ở công đoạn đó.

Bây giờ sản phẩm trôi nổi, khi có vấn đề gì cũng không biết kiện ai. Đó là chưa nói đến hiện tượng con dấu của thú y bị làm giả. Vì thế, rất mong bà con khi mua sản phẩm gia súc, gia cầm phải mua ở những nơi có thương hiệu.

Năm Bính Tuấn sắp tới, ông mơ ước điều gì nhất?

Tôi chỉ mong muốn khống chế được dịch cúm gia cầm, từ đó hạn chế được những ca nhiễm cúm ở người. Mong làm sao trong năm 2006 cả nước thực hiện được quy hoạch chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia cầm. Nếu không làm được thì dịch cúm 2006 tiếp tục xảy ra.

Theo Như Trang
VnExpress