1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Nam:

Tết ở nơi xảy ra sự cố thủy điện Sông Bung 2

(Dân trí) - Sự cố vỡ đường cống dẫn dòng Thủy điện Sông Bung 2 gây thiệt hại nặng nề đối với người dân 4 xã vùng cao của huyện Nam Giang, Quảng Nam. Hơn 4 tháng qua, những thiệt hại của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây được bù đắp phần nào bởi sự quan tâm của chính quyền địa phương và chủ đầu tư.

Những ngày này, bà con gác lại những lo toan thường nhật để cùng đón mừng xuân mới.

Cuối năm, ngôi nhà của chị Trần Thị Phương ở thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang, Quảng Nam) được nhiều người viếng thăm. Mọi người đến đây thắp nén nhang tưởng nhớ anh Đặng Văn Tuyền - một trong 2 nạn nhân xấu số do sự cố vỡ đường ống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 xảy ra hồi giữa tháng 9 năm ngoái.

Chị Phương bên bàn thờ chồng
Chị Phương bên bàn thờ chồng

Ai cũng mong muốn chị Phương vượt qua nỗi đau mất chồng. 4 tháng qua, chị Phương một tay nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Trao đổi với PV Dân trí, chị Phương nghẹn ngào: “Con em cũng còn rất là nhỏ. Đứa lớn chưa tới 13 tuổi, đứa nhỏ thì chưa tới 3 tuổi. Với đứa lớn thì em không nói gì nhiều, vì nó biết hết rồi, chỉ có nói là số ba tới đó, ba ở với mẹ con mình tới chừng đó thôi, nên con phải chấp nhận. Mẹ sẽ là người nuôi con. Còn với đứa nhỏ thì em vẫn nói dối là ba vẫn còn đi làm chứ không nói ba mất”.

Mấy tháng qua, dù mưa liên tục và rét buốt nhưng chính quyền và người dân địa phương đã nỗ lực khắc phục phần nào thiệt hại do sự cố thủy điện Sông Bung 2 gây ra. Sau nhiều lần băng rừng, lội suối thống kê thiệt hại của bà con, đến nay, chủ đầu tư đã tiến hành 2 đợt chi trả tiền đền bù cho hơn 160 hộ dân ở 7 thôn của 4 xã vùng cao huyện Nam Giang với tổng số tiền hơn 6,2 tỷ đồng.

Đại diện chủ đầu tư thủy điện Sông Bung 2 trao sổ tiết kiệm đến chị Phương
Đại diện chủ đầu tư thủy điện Sông Bung 2 trao sổ tiết kiệm đến chị Phương

Bà Phạm Thị Như - Phó Chủ tịch huyện Nam Giang - cho biết, địa phương cũng đã tuyên truyền để bà con hiểu đây là sự cố ngoài ý muốn, chủ đầu tư cũng đã thể hiện trách nhiệm đối với những hộ dân bị thiệt hại, đồng bào sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.

Cũng theo bà Như, đối với 3 hộ bị trôi nhà, chính quyền địa phương vận động bà con sau khi nhận tiền đền bù cần tính toán dựng lại nhà ở, xã sẽ bố trí đất trên cao chứ không làm nhà ở triền sông nguy hiểm.

“Động viên bà con là sự cố đã xảy ra nhưng cũng phải lường trước cho giai đoạn tiếp theo. Nhất là những hộ ở vùng có nguy cơ sạt lở, từ nguồn vốn định canh, định cư, di dân khỏi vùng sạt lở, huyện hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu, vận động bà con di dời đến nơi ở cao hơn chứ không làm nhà lại vị trí cũ”, bà Như nói.

Tết này, cùng với khoản tiền đền bù do chủ đầu tư chi trả trước Tết, tỉnh Quảng Nam còn hỗ trợ mỗi thôn, bản vùng cao 15 triệu đồng, huyện hỗ trợ 4 triệu đồng và xã hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Như vậy, mỗi thôn có khoảng 20 triệu đồng để tổ chức cho đồng bào ăn Tết.

Ông Ngô Việt Hải (Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát điện 2, chủ đầu tư thủy điện Sông Bung 2) cho biết, những ngày qua, đơn vị đã huy động các công ty thành viên cùng các nhà thầu tham gia trên công trường đến động viên, thăm hỏi gia đình nạn nhân sự cố thủy điện Sông Bung 2.

Ngoài ra, hỗ trợ xây dựng 2 ngôi nhà của 2 gia đình nạn nhân tử vong quê ở tỉnh Phú Thọ và Hải Dương; trao sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng hỗ trợ gia đình chị Trần Thị Phương, vợ của nạn nhân Đặng Văn Tuyền để chị Phương nuôi 2 cháu ăn học.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Ngô Việt Hải nói: “Chúng tôi cùng với Hội đồng đền bù của huyện Nam Giang tiến hành kiểm đếm tất cả thiệt hại dựa trên kê khai của bà con, chia làm 2 đợt. Đợt 1 là những cái mà có thể cân, đo, đong, đếm tiến hành đền bù ngay, đảm bảo đời sống cho người dân”.

Ông Hải cũng cho biết, ngay sau khi sự cố xảy ra, đơn vị đã kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ an toàn, nâng cao trách nhiệm về chất lượng quản lý dự án cũng như nghiệm thu, giám sát tất cả các nhà thầu liên quan.

Công Bính