Thanh Hóa:
Tết ở nơi từng bị lũ quét qua cướp đi 14 sinh mạng
(Dân trí) - Sau hơn 1 năm kể từ ngày Sa Ná bị lũ quét làm 14 người chết và mất tích, nhiều tài sản bị cuốn trôi, giờ đây mất mát đã qua đi, người dân đã có nơi ăn chốn ở mới, an cư lạc nghiệp.
Hồi sinh ở vùng rốn lũ
Chúng tôi có dịp về lại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) vào một ngày giáp Tết, không khỏi ngỡ ngàng chứng kiến sự đổi thay nơi đây. Đây là vùng đất mà trước đây không lâu, vào tháng 8/2019, gần như bị xóa sổ bởi trận lũ quét kinh hoàng.
Sau trận lũ, các cấp chính quyền đã hỗ trợ mỗi gia đình trong bản Sa Ná 240m2 đất ở, các gia đình thiệt hại từ 70-100% được hỗ trợ 300 triệu đồng, gia đình thiệt hại từ 50-70% được hỗ trợ 200 triệu đồng... Khu tái định cư Sa Ná được chính quyền địa phương lựa chọn nằm trên đồi Pom Ngồ, cách bản cũ chừng 1km. Con đường vào bản nhanh chóng được làm mới, ánh điện khôi phục thắp sáng bản làng.
Sa Ná hôm nay đã đổi thay với những ngôi nhà khang trang vẫn còn thơm mùi gỗ, nằm sát nhau được xây kiên cố.
Ở mảnh đất nơi cơn lũ quét hết bản làng giờ biến thành cánh đồng rau tươi tốt. Người dân san đất canh tác, trồng rau, những mầm xanh bắt đầu trổ lộc; những đứa trẻ vẫn ngày ngày đến trường; các cô gái cùng nhau dệt vải, báo hiệu cuộc hồi sinh đã thật sự nơi mảnh "đất chết" này.
Tuy kinh tế của bản còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, sản phẩm đầu ra chưa ổn định nhưng với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân trong bản, mọi khó khăn đã được khắc phục, bản đã thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.
"An cư lạc nghiệp" trong căn nhà trị giá 500 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 300 triệu, còn lại các nhà hảo tâm ủng hộ, gia đình chị Phạm Thị Liên (bản Sa Ná) đã vực lại được tinh thần cũng như kinh tế.
"Lúc lũ ập tới, gia đình tôi may mắn thoát chết, thế nhưng toàn bộ tài sản, nhà cửa mà vợ chồng tích cóp bấy lâu đã bị mưa lũ xô sập, cuốn trôi, rơi vào cảnh trắng tay, màn trời chiếu đất. Nếu không được sự quan tâm của Nhà nước, các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm, gia đình tôi không biết sẽ phải bắt đầu lại cuộc sống từ đâu. Tết năm nay, chúng tôi đã thật sự đón một cái Tết ấm" - chị Liên bày tỏ.
Gia đình anh Nguyễn Minh Ơ cũng là một trong số những gia đình trắng tay sau cơn lũ dữ. Không chỉ mất nhà cửa, tài sản, vợ anh cũng bị lũ cuốn trôi. "Cuộc sống của ba bố con lúc ấy đi vào bước đường cùng, bế tắc không biết sẽ phải làm sao. Một năm qua đi, với sự giúp đỡ của Nhà nước, chính quyền địa phương, bộ đội, biên phòng, các nhà hảo tâm, giờ đây ba bố con đã có nhà để ở, tạm nguôi ngoai đi nỗi đau".
Sa Ná giờ không còn hộ nghèo, trở thành bản Nông thôn mới kiểu mẫu. Một Sa Ná đau thương đang bừng lên sức sống mới. Một Sa Ná đã vượt qua ám ảnh tai ương để phát triển ổn định và bền vững.
"Xuân thực sự đã về trên bản Sa Ná"
Ông Ngân Văn Thêu, Bí thư kiêm trưởng bản Sa Ná cho biết, cả bản có 51 căn nhà mới, trong đó 19 hộ xây mới hoàn toàn, còn lại là sửa sang tại khu tái định cư. Trong cơn bão số 3, có 5 nhà ảnh hưởng nặng nề nhất, thiệt hại cả con người, cả tài sản… Đến thời điểm hiện tại nhà cửa ổn định, đời sống cũng đi lên.
"Tết năm ngoái, các gia đình đã có nhà cửa, thế nhưng công trình đường, trường, trạm của bản chưa hoàn thiện, tinh thần bà con lúc ấy cũng còn đang hoang mang, mất mát quá nhiều. Năm nay bà con đã đổi thay, tinh thần, kinh tế được vực dậy nên rất mong mỏi Xuân đến, Tết về"- ông Thêu nói.
Theo ông Lữ Văn Hà, Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo, được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, tỉnh, huyện, các cấp, các ngành, nhất là các nhà hảo tâm, bà con nhân dân Sa Ná đến nay đã cơ bản ổn định cuộc sống.
Sau một thời gian bà con ổn định, chính quyền đã triển khai xây dựng nông thôn mới ở bản Sa Ná, đến 30/6/2020, bản đã được cấp trên công nhận là bản thực hiện đầy đủ 14/14 tiêu chí về đích xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đạt thu nhập 54 triệu đồng/người/năm.
"Về lâu dài, xã đang vận động người dân phát triển lâm nghiệp, thâm canh rừng luồng, vầu để khai thác; mở lớp học nghề, tạo điều kiện cho nhân dân ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh.Vượt qua mất mát đau thương, Sa Ná hiện nay đã thay da đổi thịt, người dân đang rất phấn khởi chuẩn bị đón Xuân năm 2021. Xuân sum vầy, ấm áp, đúng nghĩa thực sự đã về trên bản Sa Ná"- ông Hà phấn khởi.