1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

“Tết mới” của đồng bào Vân Kiều - Pa Cô

(Dân trí) - Từ ngày mang họ Bác Hồ cũng là lúc đồng bào Vân Kiều – Pa Cô đón Tết Nguyên đán giống như người miền xuôi. “Tết mới” của bà con tuy đơn giản nhưng không kém phần ấm cúng, với đầy đủ các lễ nghi truyền thống.

Trong mấy ngày Tết cổ truyền, bà con Vân Kiều được nghỉ ngơi sau một năm quần quật với nương, rẫy để đi thăm hỏi, chúc sức khỏe anh em, bạn bè và người dân trong bản. Bà con cũng mổ gà, mổ lợn, làm bánh tươm tất…để dâng lên gia tiên, trời đất cầu mong sự thuận lợi sẽ đến trong năm mới.

Tết mừng lúa mới

Trước đây, khi chưa biết đến Tết Nguyên đán, bà con Vân Kiều chỉ tổ chức Tết mừng lúa mới, Tết có từ hàng ngàn năm nay. Đây được xem là cái Tết to nhất, sôi động và ấm cúng nhất của đồng bào sống trên dãy Trường Sơn sau mỗi vụ mùa. Theo đó, Tết được tổ chức mỗi năm 2 lần, lần 1 khoảng vào tháng 2, lần tiếp theo khoảng tháng 11 để cúng trời đất, cúng Giàng báo cáo về một vụ mùa bội thu và cầu cho “mưa thuận, gió hòa” đến trong vụ mùa mới. Đặc biệt, Tết mừng lúa mới của bà con cũng chia làm 2 dạng, nếu như  người Pa Cô cúng Tết lúa mới khi đã gặt hái xong thì người Vân Kiều lại làm lễ cúng trước khi tổ chức gặt, bởi họ cho rằng chưa cúng mà gặt coi như phạm tục cấm kỵ.

Theo đó, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình để tổ chức Tết to hay nhỏ. Nhưng dù thiếu gì đi chăng nữa cũng phải biện đủ một mâm cơm, với sản vật do bà con làm ra. Những hộ khá giả thì mổ lợn, còn các gia đình khó khăn thì cũng phải kiếm con gà để cúng trời đất. Mâm cơm cúng Tết mừng lúa mới của bà con có đầy đủ rượu, thịt, xôi và các loại bánh trái. Các loại bánh đặc trưng của bà con Vân Kiều và là thứ không thể thiếu trong Tết mừng lúa mới đó là bánh Beng, Acoắt, Aduh…Tất cả các loại bánh này đều được làm bằng gạo nếp nấu chín, sau đó đem giã nhuyễn cùng với mè đen, muối…

Làm thịt lợn để cúng tổ tiên trong ngày Tết
Làm thịt lợn để cúng tổ tiên trong ngày Tết 

Sau khi chuẩn bị xong mọi thứ, người đàn ông trong gia đình hoặc già làng sẽ thắp hương khấn vái. Họ báo với Giàng, sau là báo cáo thổ thần, tổ tiên những người đã khuất. Qua những lời khấn vái này để Giàng biết được vụ mùa vừa rồi thế nào, bà con có được mùa hơn vụ trước không. Báo cáo cho thổ thần đất đai biết cách họ tránh được mất mùa do thú rừng phá hoại. Tiếp đến, bà con báo cáo và xin Tổ tiên chứng giám, phù hộ cho mùa mới được bội thu.

Ngày nay, đồng bào Vân Kiều – Pa Cô đã có những thay đổi trong phong tục, tập quán sinh hoạt. Có thể thấy rằng, với đồng bào vùng cao, Tết lúa mới là một nét văn hóa đặc trưng mang đậm chất truyền thống. Đây cũng là dịp để họ nhớ đến tổ tiên những người đã sinh ra mình, đồng thời để tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với những người đi trước. Tết còn có ý nghĩa nhắc nhở con cháu đời sau giữ gìn những nét văn hóa của dân tộc mình. Tuy bà con theo Đảng, theo Bác Hồ và bắt đầu đón Tết Nguyên đán của dân tộc nhưng nét đặc trưng ấy vẫn chưa hề phai nhạt.

... bên bếp lửa, rượu cần

Phong tục đón Tết Nguyên đán chung của dân tộc được đồng bào Vân Kiều tổ chức cách đây chưa lâu. Từ khi được Đảng, Nhà nước chăm lo đến đời sống của bà con, họ đã tin tưởng và cũng từ đó có chung phong tục với người miền xuôi. Cũng xuất phát từ tình cảm với cách mạng, với Bác Hồ, tin vào sự phát triển của tương lai mà bà con đã thay đổi họ trùng với Bác để biết ơn người đã đem lại ánh sáng hòa bình cho dân tộc Việt Nam.

Sau khi tổ chức xong Tết mừng lúa mới cũng là lúc bà con Vân Kiều bắt tay vào chuẩn bị những thứ cần thiết để đón Tết cổ truyền. Do thời gian chỉ cách nhau hơn 1 tháng nên “Tết mới” của bà con cũng rất đơn giản và không kém phần ấm cúng. Mọi công tác chuẩn bị đón Tết Nguyên đán cũng cơ bản giống như Tết mừng lúa mới. Cũng xôi, gà, thịt lợn, bánh trái…tùy vào điều kiện của mỗi gia đình.

Theo già làng Hồ Ngươn, ở huyện Đakrông cho biết, vào khoảng sau ngày 25 - 28 tháng Chạp, mọi chuẩn bị đã được hoàn tất, mọi người sửa sang lại nhà cửa để đón Tết. Bà con bắt đầu rủ nhau mổ lợn để ăn trong mấy ngày Tết, thường thì 5 - 7 nhà làm một con lợn. Nhà nào không có thì làm gà để chuẩn bị mâm cúng trong ngày mùng 1, với ý nghĩa dâng lên tổ tiên những vật phẩm bà con làm được trong năm qua. Bên cạnh đó, để tiễn đưa năm cũ, cầu mong sang năm mới được mưa thuận gió hòa, làm ăn được mùa, đời sống bà con dân bản được êm ấm, hạnh phúc.

Nếu như người Kinh, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về bao giờ trên mâm cỗ cúng đầu năm phải có bánh chưng, bánh dày, thì mâm cỗ của bà con Vân Kiều - Pa Cô không thể thiếu bánh đen, bánh beng, hoặc học hỏi người Kinh làm bánh tròn, dài (bánh đòn). Để có bánh cúng đầu năm và dọn mời bà con họ hàng, người Vân Kiều phải làm bánh trước đó vài ngày. Chất liệu chủ yếu là nếp, mè đen, muối…chứ không có thịt như bánh của người miền xuôi.

Phụ nữ Vân Kiều cắt bánh đen, bánh đòn mời khách
Phụ nữ Vân Kiều cắt bánh đen, bánh đòn mời khách

Trong những ngày Tết, bà con Vân Kiều được nghỉ ngơi, quây quần bên bếp lửa nồng ấm, bên chum rượu cần để kể cho nhau nghe mọi chuyện trong năm. Sau khi đã chếnh choáng men nồng của rượu cần, rượu đoác…bà con mới tổ chức văn nghệ để tăng thêm không khí ngày Tết. Đối với giới trẻ còn đốt lửa trại và nắm tay nhau nhảy xung quanh, thổi khèn, đánh chiêng, trống…Sau khi thăm hết bà con trong làng, họ mới đi sang làng khác, thậm chí đi xã khác để chúc Tết đầu năm.

“Tết cũng là dịp để già làng, trưởng bản răn dạy con cháu, bà con trong bản sang năm mới phải chịu thương chịu khó lao động sản xuất, một lòng theo Đảng, để xây dựng quê hương. Ngày Tết của bà con Vân Kiều - Pa Cô còn vui hơn vì có cán bộ, chiến sĩ biên phòng tại địa bàn đến chung vui và chúc mừng bà con. Không những thế, mọi khách lạ đến chúc Tết đều được bà con tiếp đón nồng hậu, dù gì cũng làm với bà con vài ly rượu đầu Xuân. Nghe có khách đến thăm Tết bà con trong bản thì ai ai cũng vui mừng” – già Ngươn tâm sự.

“Tết mới” của bà con ngày càng trở nên ý nghĩa, thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa người miền ngược với miền xuôi nhưng không làm mất đi bản sắc văn hóa vốn có. Đây còn là dịp để các cộng đồng Việt Nam xích lại gần nhau hơn, tăng tình đoàn kết, gắn bó keo sơn.

Đăng Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm