Nghệ An:

Tết của những người “sống với ký ức chiến tranh”

(Dân trí) - Chiến tranh đi qua, họ mang trong mình những vết thương quái ác. Họ sống với ký ức của những trận chiến, thực tại chỉ trở về trong những phút tỉnh táo hiếm hoi. Thế nhưng, Tết đến, Xuân về, họ cũng mong ước phút giây đoàn tụ, sum họp bên gia đình.

Đau đáu một nỗi nhớ Tết quê

Chúng tôi muốn nói tới những thương - bệnh binh tại Khu điều dưỡng tâm thần kinh thương binh Nghệ An (đóng tại xã Nghi Phong, Nghi Lộc, Nghệ An). Trong cái tiết trời ấm áp của thời khắc đón mùa Xuân về, khu điều dưỡng vẫn yên ắng như thường lệ. Nơi ồn ào, náo nhiệt duy nhất có lẽ là khu bếp ăn. Ở đây, các cán bộ người bổ củi chuẩn bị luộc bánh, người đồ nếp, rửa lá dong, nhóm làm thịt lợn hay chuẩn bị cho các món ăn truyền thống của ngày Tết như tất thảy các gia đình người Việt khác.

Tết về, xốn xang một nỗi nhớ quê
Tết về, xốn xang một nỗi nhớ quê

“Năm nay các thương binh tỉnh táo đã được gia đình đón về quê ăn Tết, chỉ có 25 thương - bệnh binh nặng, sức khỏe yếu hoặc gia đình ở quá xa, hoàn cảnh khó khăn ở lại ăn Tết tại trung tâm. Có những người từ khi vào đây chưa một lần về quê ăn Tết vì nhà chẳng còn ai cả…”, hộ lý Nguyễn Văn Trình bỏ lửng câu nói ở đó rồi dẫn tôi vào khu điều trị.

Khuôn viên khu điều trị sạch sẽ, thoáng mát. Nhiều thương bệnh binh lựa chỗ nắng ấm ngồi chơi, trò chuyện với nhau. Hỏi chuyện gia đình, chiến đấu người nhớ người quên, thậm chí hỏi tên cũng không còn nhớ nhưng nhắc tới không khí Tết dường như ai cũng chộn rộn hẳn lên.

Bác Bùi Hữu Minh (60 tuổi, quê Quỳnh Lưu) đã có thời gian chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Hết chiến tranh, phục viên với những vết thương trên đầu, lúc nhớ lúc quên. Một thời gian sau, bác được gửi vào Khu điều dưỡng này. “Hồi chiến tranh, tôi ăn 2 cái Tết ở chiến trường. Cũng có bánh chưng, kẹo, thuốc lá, rượu… anh em đón Tết thiếu thốn nhưng vui lắm. Năm ngoái tôi được về ăn Tết với gia đình nhưng năm nay chưa thấy ai vào đón cả. Ăn Tết ở đây cũng vui, chỉ có điều là không có rượu thôi”. Thương binh Bùi Hữu Minh là người tỉnh táo hiếm hoi mà tôi có thể trò chuyện.

Thương binh nặng Bùi Hữu Minh Tết chỉ ước được về nhà
Thương binh nặng Bùi Hữu Minh "Tết chỉ ước được về nhà"

Thương binh Nguyễn Sỹ Ngọc (quê Anh Sơn) bị vết thương vào đầu, mù hai mắt. Thi thoảng vết thương trong não hành hạ khiến ông dường như chỉ sống với quá khứ của những trận chiến khốc liệt trong quá khứ. “Mấy năm trước tôi được về ăn Tết với vợ con đấy. Hai đứa con lớn hết rồi, tôi được lên chức ông nội nữa. Tết nhớ nhà lắm, 3 năm rồi chưa được về nhà ăn Tết…”.

Anh hộ lý đứng bên cạnh tôi đỡ lời “Bác ấy nói thế thôi chứ từ hồi vào đây tới giờ, cũng dễ tới hơn 30 năm bác ấy ăn Tết ở đây. Gia đình hoàn cảnh khó khăn quá, thi thoảng mới xuống thăm thôi. Sức khỏe bác ấy rất kém, thường xuyên lên cơn động kinh nên chúng tôi không dám cho về quê ăn Tết, sợ gây nguy hiểm cho chính người thân trong gia đình”.

Rồi những thương binh nặng như bác Vũ Văn Dương, Trường Văn Thành hay Nguyễn Văn Phú… cũng đã hằng bao nhiêu năm chưa được ăn cái Tết ở nhà. Thế nhưng họ vẫn lạc quan lắm, yêu đời lắm. Di chứng chiến trận vẫn còn in hắn trên từng cơ thể, từng nét mặt nhưng thẳm sâu trong họ là khát khao được đoàn tụ với gia đình, được hưởng một cái Tết ấm áp bên những người ruột thịt. Bác Ngọc vẫn tin tưởng “rồi cũng được về nhà ăn Tết”, hay giọng nói méo mó nhưng tràn đầy lạc quan của bác Phú “Đời vẫn tươi như hoa” khiến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi…

Chuyện của những người đón Tết muộn

Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, một nửa quân số của Khu điều dưỡng tâm thần kinh thương binh ăn Tết cùng với các bệnh nhân. Mỗi ca trực Tết kéo dài 10 ngày bởi vậy mọi người chỉ có thể ăn Tết muộn bên gia đình vào ngày Rằm tháng Giêng.

Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân để chuẩn bị cho tuần điều trị trong Tết
Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân để chuẩn bị cho tuần điều trị trong Tết

Ngày Tết, thương bệnh binh thường có diễn biến thất thường về tâm lý nên việc chăm sóc, kiểm tra sức khỏe và quản lý càng được thắt chặt hơn. Thậm chí, nhiều thương binh nhớ nhà quá tìm cách bỏ trốn khỏi trung tâm để về nhà mặc dù họ không còn nhớ quê mình ở đâu. Bởi vậy, công việc của cán bộ, nhân viên Khu điều dưỡng trong những ngày Tết nặng nề hơn ngày thường rất nhiều.

Những ngày vui Tết, đón Xuân cũng chính là những ngày mà thương bệnh binh cần có sự sẻ chia, quan tâm nhiều nhất. Bởi vậy ngoài việc lo cho thương bệnh binh có một cái tết đủ đầy, tươm tất với đầy đủ bánh kẹo, hoa quả, bánh chưng, quất, đào… cán bộ, nhân viên Khu điều dưỡng còn tổ chức nhiều hoạt động vui tết, đón xuân để động viên tinh thần của bệnh nhân. Và đêm giao thừa thực sự là ngày hội ở đây. Không còn khoảng cách giữa bác sỹ, y tá với các bệnh nhân mà tất cả hòa vào niềm vui chung đón một mùa Xuân mới.

Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân để chuẩn bị cho tuần điều trị trong Tết
Chăm sóc thương - bệnh binh bằng cả tấm lòng biết ơn của thế hệ đi sau với những người đã hy sinh tuổi trẻ và một phần xương máu cho mùa Xuân vĩnh hằng của Tổ quốc

“Từ 8-9h chúng tôi tổ chức đón giao thừa cho thương - bệnh binh ở khu thương binh. 9-10h đón giao thừa với kíp trực. 11h, đồng chí nào nhà gần cơ quan đều được tạo điều kiện tạt qua nhà hương khói cho tổ tiên. Hoàn thành “nhiệm vụ” đối với tổ tiên xong, ngay lập tức phải quay trở lại Khu điều dưỡng để tiếp tục công việc của mình. Được cái, gia đình hai bên nội ngoại, chồng, con đều hiểu và thông cảm cho đặc thù công việc nên cũng hết sức tạo điều kiện”, chị Nguyễn Thị Bích Thủy - cán bộ Khu điều dưỡng cho biết.

Trực Tết là chuỗi ngày vất vả, vừa lo bữa cơm, giâc ngủ cho từng thương - bệnh binh. Cứ nhìn vào bảng thông báo treo ở nhà ăn tôi có thể thấu hiểu tấm lòng của những người cán bộ, nhân viên ở đây. Từng bệnh nhân thích ăn gì, không thích ăn gì, chế độ ăn cho từng người như thế nào đều được ghi rõ ràng lên bảng. Các món ăn phải thường xuyên thay đổi để bác bệnh nhân không bỏ bữa, nhất là mỗi khi nhớ nhà, nhớ người thân, các thương bệnh binh hay “làm nũng” không chịu ăn cơm hay uống thuốc. Những lúc đó, các bác sỹ, nhân viên ở đây vừa là thầy thuốc, vừa là người thân vỗ về, an ủi để các thương - bệnh binh yên tâm ở lại điều trị và đón Tết.

Cán bộ Khu điều dưỡng tâm thần kinh thương binh Nghệ An chuẩn bị củi để nấu bánh chưng Tết
Cán bộ Khu điều dưỡng tâm thần kinh thương binh Nghệ An chuẩn bị củi để nấu bánh chưng Tết

Năm nay, có 18 cán bộ đón giao thừa ngay tại Khu điều dưỡng, hầu hết là cán bộ trẻ. Trong đó có bác sỹ Trung và y tá Hương lần đầu tiên đón Tết với các bệnh nhân. Bác sỹ Trung (SN 1988, quê Tân Kỳ) tâm sự: “Đây là lần đầu tiên em đón Tết xa nhà. Trước nhiệm vụ mới này cũng lo lắm, nhớ nhà nữa. Nhưng với lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã hy sinh tuổi trẻ và một phần máu thịt vì độc lập, tự do của Tổ quốc, em sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, để các bác, các cô chú ở đây được đón một cái Tết thật ấm cúng”.

Rời khu điều dưỡng lúc nồi bánh chưng do cán bộ, nhân viên nơi đây tự tay gói vừa bắc lên trong ánh lửa bập bùng giữa nắng chiều đang nhạt dần, chúng tôi nhớ mãi câu nói của giám đốc Nguyễn Thanh Tùng: “Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để các thương bệnh binh luôn cảm thấy ấm áp, để không khí mùa xuân ở lại nơi này thật lâu, an lành và trong trẻo…”.

Hoàng Lam