Tết của đoàn tàu không số
(Dân trí)- Trong ký ức những đoàn viên cảm tử của đoàn tàu không số, bữa cơm Tết trên biển là những bát cơm canh đỏ au như xôi gấc vì phôi từ thùng đựng gỉ sét, "đặc sản" là tiếng gào thét của lớp lớp sóng biển, của đạn bom và những phút giao thừa "quyết tử".
Từ những bữa cơm canh trộn gỉ sét
Tác giả bài viết và Trung tá Trần Hậu Vệ
Câu chuyện người cựu binh nói với chúng tôi là về hai chữ "đồng đội" mà rất nhiều người trong số đó đã mãi mãi nằm lại với biển sâu. Người lính đoàn tàu không số khi ra đi đã nguyện mang theo lời thề "Quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh". Khi hy sinh, thân xác bọc vào "quan tài" nilon, gửi vào lòng biển mong rằng sóng gió, thủy triều đưa về với đất liền, đồng đội. Đó đã là chặng đường vượt biển cuối cùng của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đoàn 125.
***
Đầu những năm 1960, con đường mòn trên biển Đông chi viện người, vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam vẫn giữ được bí mật tuyệt đối. Năm 1961, chàng tân binh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh Trần Hậu Vệ được phân công vào đội tàu "không số" khi vừa 19 tuổi. Trung tá Vệ nhớ lại: "Tàu 56 của chúng tôi là một trong những con tàu sắt đầu tiên của đoàn tàu không số thay cho những chiếc tàu gỗ làm nhiệm vụ trước đó từ năm 1961. Tết năm 1964, tàu được dành riêng cho chiến dịch Bình Giã (1964)".
Tàu 56 đi lần này chở hơn 60 tấn vũ khí xuất phát từ quân cảng bí mật tại Hải Phòng đi Bà Rịa ngay khi ông Vệ vừa hoàn thành nhiệm vụ với chuyến tàu bí số 41. Mãi đến lúc đó, ông cùng hơn 10 thủy thủ đoàn trên tàu 56 vẫn không hề hay biết nguyên nhân của chuyến hành trình gấp gáp, chỉ nghe cấp trên căn dặn: đây là chuyến đi đặc biệt, đi phải chắc thắng!
Vì là chuyến đi vào những ngày áp Tết nên khẩu phần ngoài đồ dùng vật dụng, quần áo trang bị, vỏ bao, thuốc lá Trường Sơn, Tam Đảo đã bóc hết nhãn mác, tàu 56 còn được chu cấp thêm bia, sữa và một lồng gà sống. "Mọi dấu tích miền Bắc phải xoá sạch, nhưng anh em vẫn được "bí mật" cấp thêm bánh chưng, để trên tàu có không khí đất mẹ, cho nguôi ngoai nỗi nhớ miền Bắc trong những ngày lênh đênh".
Chuyến tàu đó có nhiều chiến sĩ trẻ người miền Bắc, lần đầu tiên ăn Tết trên biển. Vì mới đi, còn "lạ miệng" với loại cơm đặc trưng của đoàn tàu không số nên sức đề kháng cũng vì thế mà sút giảm.
Giải thích cho loại cơm đặc trưng đó, người cựu binh già vẽ vài nét trên tấm giấy, chỉ ra loại từng thùng sắt thường để đựng cơm, rau, nước ngọt trên tàu. Vì điều kiện đi biển khắc nghiệt, những thùng sắt này đều bị hoen gỉ. Bữa ăn dọn ra, cơm luôn đỏ ngàu một màu như xôi gấc, nước canh cũng đục ngầu như nước sông Hồng mùa lũ.
Rồi cái ngày cập bến đã đến. Đêm giao thừa, tàu vào đến cửa biển thì địch ở căn cứ Vũng Tàu bắn pháo sáng rực góc trời. Căng mắt nhìn về phía trước, mãi không thấy gì khác, cho đến khi tất cả gần như một lúc bật reo khe khẽ: "có tín hiệu!". Thế rồi những điểm sáng ấy cứ lớn dần, đã thành hình những bóng người đứng đợi, đã thành bóng các má, bóng đồng đội dang tay vẫy... Chúng tôi nhìn nhau nước mắt vòng quanh mà không thể thốt lên lời.
Chuyến đi này, tàu 56 có 2/3 cán bộ chiến sĩ là người Bà Rịa, gia đình còn ở lại quê nhà, nhưng vì nhiệm vụ tuyệt mật nên khi đó không ai được phép rời tàu. Có nhiều người như anh Lê Hà, gia đình chỉ cách nơi con tàu đứng chân chừng non cây số mà đành nuốt nước mắt đợi ngày Tết đoàn tụ khi hai miền Nam Bắc sum họp. Anh Tống Thành Lập, một cán bộ của tàu được lãnh đạo "mật báo" là có người yêu đang tham gia vận chuyển hàng nhưng cũng chỉ được lấp ló từ trong tàu nhìn ra.
Nối tiếp những huyền thoại
Tết Mậu Thân 1968, khi chiến trường miền Nam bước vào giai đoạn quyết liệt nhất cũng là lúc những con tàu của đoàn 125 bước vào chiến dịch. Những chuyến đi biển phục vụ đợt Mậu Thân trở thành trang sử huyền thoại bi hùng nhất, chói lọi nhất của đoàn tàu không số.
Chiến dịch này đoàn 125 chuẩn bị 4 tàu, xuất phát ở 4 địa điểm khác nhau và hẹn cùng cập bến, "xuống hàng" trong đêm đón giao thừa, vào lúc địch lơ là nhất. Trước đó, "vụ án Vũng Rô" nổ ra, đường vận chuyển vũ khí trên biển Bắc - Nam bị lộ, tuyến đường vận chuyển vũ khí trên biển càng trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Trước khi 4 chuyến tàu mang bí số 165, 56, 43 và 235 lần lượt xuất phát, đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn: "trong thời điểm khó khăn, gian khổ và ác liệt này, 4 con tàu ra đi vào bến được một nửa cũng đã là thắng lợi. Thậm chí thấp hơn, chỉ một con tàu trở về căn cứ an toàn chúng ta cũng tự hào". Chuyến đi ấy, chỉ mình tàu 56 trở về.
Tàu 43 do thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng chỉ huy đi theo đường dích dắc nhằm đánh lạc hướng trinh sát địch. Khi tàu cách Sa Kỳ (Quảng Ngãi) vài chục hải lý thì xuất hiện nhiều tàu địch áp sát, bao vây, chạy vòng quay và liên tục đánh điện hỏi. Thuyền trưởng Thắng quyết định cơ động tàu để phá vòng vây tiến vào bờ "thả hàng tọa độ" nhưng tàu Mỹ xuất hiện ngày càng đông. Cuộc chiến đẫm máu diễn ra. Sau khoảng 3 giờ, kế hoạch hủy tàu được thực hiện. Chỉ một số ít thủy thủ đoàn còn sống sót bơi vào bờ an toàn.
Tàu 235 do thuyền trưởng Phan Vinh chỉ huy gặp địch tại vùng biển Nha Trang, sau nhiều giờ chiến đấu đã buộc phải nổ tàu. Anh em cán bộ, chiến sĩ hy sinh gần hết.
15 năm vượt biển mở đường về miền Nam Việt Nam, đoàn tàu không số đã huy động gần 1900 lượt, vận chuyển trên 15 nghìn tấn hàng hóa, vũ khí, hơn 80 nghìn lượt người với hàng vạn hải lý xuyên biển đông, chống chọi và vượt qua hơn 20 cơn bão lớn; chiến đấu với hơn 30 lần tàu chiến, 1200 lần với máy bay. Những con tàu không số dọc ngang trên biển Đông đã làm nên chiến tích kỳ diệu.
Phúc Hưng