Tết bớt tắc đường nhờ có thêm nhiều cầu và cao tốc
(Dân trí) - Tết Giáp Thìn, tình trạng ùn tắc nhiều nơi giảm do có kinh nghiệm hơn trong tổ chức giao thông cũng như có thêm các công trình giao thông mới như cầu, đường cao tốc, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Sáng 15/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành đánh giá về tình hình Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết, theo chỉ đạo của Ban Bí thư.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết trong dịp Tết, không có tình trạng thiếu hàng, đội giá, lương thực, thực phẩm dồi dào.
Cả nước cũng đã làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo người dân, các đối tượng chính sách, những người yếu thế, người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, không có ai không có Tết, không có ai bị bỏ lại phía sau.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi tất cả các vùng miền, địa phương, thăm, chúc Tết nhân dân, đối tượng chính sách, lực lượng vũ trang, lực lượng ứng trực.
Theo lãnh đạo Chính phủ, các lực lượng ứng trực, phục vụ người dân thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc. Trên công trường các dự án trọng điểm quốc gia, các công nhân, kỹ sư tự nguyện ở lại làm việc xuyên Tết với trách nhiệm cao.
Cũng trong dịp Tết, số người chết do tai nạn giao thông giảm dù số vụ tai nạn tăng lên.
"Tình trạng ùn tắc giao thông nhiều nơi giảm do có kinh nghiệm hơn trong tổ chức giao thông cũng như có thêm các công trình hạ tầng giao thông mới, nhất là cầu, đường cao tốc…", theo nhận định của người đứng đầu Chính phủ.
Về công việc sau Tết, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân trên tất cả các lĩnh vực; tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước, cũng là nhiệm vụ quan trọng được người đứng đầu Chính phủ quán triệt.
Trong tổ chức các lễ hội sau Tết, Thủ tướng yêu cầu đảm bảo an toàn, lành mạnh, phát huy bản sắc dân tộc, phục vụ du lịch tốt hơn.
Văn phòng Chính phủ được giao tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện, trình Thủ tướng ký ban hành ngay chỉ thị về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Báo cáo trước đó cho thấy toàn quốc đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho trên 13,9 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí gần 7.762 tỷ đồng. Trung ương và địa phương đã hỗ trợ khoảng 17.736 tấn gạo cho người dân trong cả nước.
Tiền lương bình quân năm 2023 tại các doanh nghiệp ước đạt 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 3% so với năm 2022.
Bên cạnh đó, có 47.625 doanh nghiệp báo cáo về kế hoạch thưởng Tết Giáp Thìn cho 3,33 triệu lao động với mức thưởng bình quân là 6,85 triệu đồng/người, tương đương mức thưởng Tết Quý Mão năm 2023.
Trong 7 ngày nghỉ Tết, ngành du lịch ước đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 16,6% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2023), trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách lưu trú (tăng 75% so với cùng kỳ).
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết thêm, điểm mới của năm nay là lãnh đạo nhiều nước gửi điện mừng Tết Nguyên đán tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Trong dịp Tết, UNESCO đã tổ chức lễ công bố danh sách 64 thành phố đến từ 35 quốc gia được công nhận là thành viên "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu", trong đó có 2 thành phố của Việt Nam là TPHCM và thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La).