1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tết ấm no nhờ cây dong riềng

(Dân trí) - Năm nay bà con người Vân Kiều, Pa Cô ở Hướng Hoá, Quảng Trị không còn khó khăn, đói kém nữa. Cái Tết đến với bà con trong không khí tưng bừng ấm no vì nơi đây cây dong riềng đã giúp muôn nhà “đổi phận”…

Mang giống cây mới lên rừng

 

Một sáng mùa xuân, chúng tôi tìm đến vùng cao Quảng Trị khi cái Tết đã “gõ cửa” từng nhà. Nơi đây, năm 2006, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đã mang giống cây dong riềng về dưới chân đèo Sa Mù cho bà con dân tộc thiểu số trồng thử nghiệm.

 

Buổi đầu đây là vùng đất được mệnh danh là “kinh đô” của cây cà phê Hướng Hoá nên bà con cũng chẳng “mặn mà” gì với giống cây lạ này. Vào thời điểm đó, 5,6 ha trồng thử nghiệm trên mảnh đất cằn Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Sơn đã xuống củ giống trong nỗi lo âu, hồi hộp chờ đợi của hàng nghìn cán bộ và người dân vùng đất khó.

 

Thế rồi, đất cũng không phụ người. Bà con dân tộc thiểu số vốn chịu khó, một nắng hai sương. Vụ đầu tiên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đã trực tiếp đứng ra thu mua cho bà con. Thấy có hiệu quả kinh tế cao bà con dân tộc đã “chấp nhận” giống cây mới này. Năm 2009, diện tích cây dong riềng được trồng mới trên toàn 4 xã trên đã lên đến 53 ha.

 

Mỗi khóm dong riềng phát triển tốt có thể cho 7-10 kg củ tươi, năng suất đạt 20-25 tấn/ha/vụ, sản xuất tinh bộ đạt từ 7-10 tấn bột/ha/vụ. Ngoài ra, thân, lá dong riềng còn dùng cho gia súc ăn nên góp phần tận dụng thúc đẩy chăn nuôi phát triển.

 

Để khuyến khích bà con, ngay từ đầu đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đã trực tiếp đứng ra thu mua 1kg củ tươi và thông qua nguồn vốn của Bộ Quốc phòng đã đầu tư giàn máy xay củ, máy bơm cao áp rửa củ, máy chế biến dong riềng thành miến, máy tráng miến dong và 2 dây chuyền sản xuất trị giá 1,8 tỷ đồng.

 

Bên cạnh đó, đoàn còn chủ động làm việc với UBND huyện Hướng Hoá cung cấp giống, phân bón cho bà con ổn định sản xuất, mở rộng sản diện tích cây dong riềng. Chỉ tính riêng năm 2009, đoàn đã đưa về cho bà con 106 tấn củ và hàng chục tấn giống. Đặc biệt, gần đây nhất, giống cây dong riềng có lá màu tím đã được mang “lên núi” cho bà con. Giống cây này cho năng suất và sản lượng cao gấp 3 đến 4 lần giống cây cũ.
 
Tết ấm no nhờ cây dong riềng - 1

 

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đỗ Phấn Đấu, Chính uỷ Trung đoàn 337 cho biết: “Ngày đưa cây dong riềng về chúng tôi cũng lo lắm. Lo vì nếu không hợp thổ nhưỡng, khí hậu thì mình phụ lòng bà con. Vụ đầu tiên đoàn đã đứng ra hướng dẫn bà con cách thu hoạch rồi thu mua đưa vào dây chuyền sản xuất luôn nên bà con thấy thuận lợi, rất hồ hởi cho vụ sau”.

 

Thoát nghèo trên vùng đất khó     

 

Những ngày này, khi cây dong riềng bắt đầu cho thu hoạch, trước sân nhà đồng bào dân tộc đầy ắp những củ dong riềng vừa mang từ rẫy về. Từ từng hộ gia đình, nườm nượp từng chuyến xe chở dong riềng xuống các xưởng chế biến của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337.

 

Chị Hồ Thị Phàn (sinh năm 1961), một hộ trồng dong riềng ở thôn Chai (xã Hướng Việt) cho biết: Năm 2006, nhà chị Phàn chỉ trồng thử 1 sào dong riềng cho 3 tấn củ, bán được 3 triệu đồng. Thấy giống cây ít bệnh, trồng, chăm sóc đơn giản mà cho lợi nhuận cao, năm 2009, hai vợ chồng bàn nhau phát triển lên 6 sào, mỗi năm cũng kiếm được gần 20 triệu đồng. Nhờ có giống cây này mà gia đình chị Phàn đã thoát nghèo và dựng được căn nhà sàn khang trang nơi bản Chai.

 

“Năm nay xuân đã về trên bản Chai” chị Phan phấn khởi nói.

 

Còn ông Hồ Lành, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt cho biết: “Năm 2008, toàn xã chỉ trồng được 4,8 ha dong riềng làm miến. Nay đã phát triển lên 15 ha và cho trồng đại trà trên các thôn. Sắp tới, chúng tôi sẽ chủ trương phát triển thêm diện tích cây dong riềng vì đầu ra đã ổn định. Thực tế, nhờ cây dong riềng mà đời sống bà con ở các xã vùng sâu Hướng Hoá được cải thiện hẳn”.     

 

“Nhờ có cây dong riềng mà bà con có xe máy, ti vi, giải quyết hàng trăm lao động địa phương vào khâu vận chuyển, chế biến miến dong. Cây dong riềng đã “đổi phận” cho bà con vùng đất khó” - ông Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Lập Lê Hữu Tuấn phấn khởi.

 

Trần Hà