1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tết ấm áp với những mảnh đời buồn

(Dân trí) - Ở trong những "nhà tập trung" - các Trung tâm bảo trợ xã hội, Tết đến làm rõ hơn những khoảng trống trong lòng những con người không nơi nương tựa. Việc chăm lo Tết tại mỗi trung tâm giúp ủ ấm những mảnh đời buồn bằng tình người.

Thanh Hóa: "Trung tâm khuyết" đón Tết
 
Trung tâm bảo trợ xã hội 2 tỉnh Thanh Hóa những ngày cuối năm như rộn rã hơn khi không khí chuẩn bị tết cho các hoàn cảnh đang sinh sống nơi đây. Không khí đầm ấm của một mùa xuân mới đang về khiến những người có hoàn cảnh éo le ở đây, ai ai cũng phấn khởi vui mừng chuẩn bị đón Tết.

Trung tâm bảo trợ số 2 Thanh Hóa nằm ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Toàn trung tâm hiện có hơn 150 người, họ đều là những hoàn cảnh éo le đến từ nhiều nơi khác nhau trong tỉnh. Từ những người già neo đơn, trẻ em mồ côi, tàn tật đến những đứa trẻ bị bệnh hiểm nghèo, bại liệt bị bố mẹ bỏ rơi…


Những ngày cuối năm, lãnh đạo và cán bộ, nhân viên của Trung tâm ai cũng đều tất bật. Mọi người đang nỗ lực hết mình để chuẩn bị cho những người không may có hoàn cảnh khó khăn nơi đây đón một cái Tết thật đầm ấm và ý nghĩa.

Tết đến, xuân về, người nào cũng được về đoàn tụ bên gia đình và người thân của mình, nhưng đối với những người trong Trung tâm này, đó vẫn chỉ là điều mơ ước khi có rất nhiều người từ lâu mái ấm gia đình đã là điều mong mỏi cả một đời. Còn những đứa trẻ, điều đó lại càng xa vời hơn.

Đau đớn hơn cả đó là có một số trẻ khi sinh ra thấy con bị tật nguyền, hay bệnh bại liệt, liệt não bẩm sinh đã bỏ con mình đi. Nhìn những đứa trẻ ai cũng thấy xót thương cho chúng. Đáng lẽ các em phải được sống trong tình thương của cha mẹ, các em đâu có lỗi gì khi mang bệnh trong mình. Thế mà giờ đây cả cuộc đời sẽ phải sống nhờ vào tình thương của những người khác, vào bàn tay chăm sóc của những nhân viên tại đây.

Mọi người tại đây đều đến từ những nơi khác nhau, hoàn cảnh, nhưng họ đều đang sống chung dưới một mái nhà, trong tình thương yêu của những cán bộ Trung tâm. Tâm sự với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Phát, quê gốc ở huyện Thọ Xuân là người già neo đơn chia sẻ: “Tôi chỉ có một mình, trước khi về hưu cũng đi làm để tự nuôi mình. Khi về hưu cũng không muốn về quê nữa vì cũng chỉ có một mình mình. Tôi vào Trung tâm đến nay đã được 4 năm rồi. Bốn cái Tết ăn ở Trung tâm với những người có hoàn cảnh như mình thấy vui và hạnh phúc những ngày cuối đời”.

Những con người nơi đây, mỗi người một hoàn cảnh nhưng rất thương yêu nhau.
Những con người nơi đây, mỗi người một hoàn cảnh nhưng rất thương yêu nhau.

Bà Phát cho biết thêm, cách đây 4 năm, trước khi vào Trung tâm sống thì bà rất lo, nhưng khi vào thấy sự quan tâm chăm sóc của những nhân viên ở đây bà Phát rất yên tâm. Bên cạnh đó bà cũng có nhiều hoàn cảnh còn bi đát, éo le hơn mình nhiều. Từ đó bà thấy mình gắn bó với Trung tâm hơn và coi đây như một Mái nhà.

Có đến đây, đi đến từng phòng, xuống tận từng khoa của trung tâm, chứng kiến cảnh rất nhiều hoàn cảnh vô cùng đáng thương của những em nhỏ bị tật nguyền, bị gia đình bỏ rơi. Những em nhỏ bị bệnh tật bẩm sinh với đủ chứng bệnh khác nhau khiến chúng tôi không khỏi nao lòng trước những số phận đáng thương.

Trò chuyện với người già neo đơn trong trung tâm, chúng tôi mới dần thấu hiểu hết được những điều mà họ mong muốn nhất khi Tết đến xuân về. Có lẽ cả cuộc đời họ, điều mong muốn nhất đó chính là một tổ ấm gia đình nhưng đó cũng chỉ là mơ ước. Có nhiều người đã hết hơn hai phần ba quãng đời mình gắn với mái nhà của trung tâm.

Cùng cảnh ngộ, nên ai cũng muốn được san sẻ với nhau những nỗi buồn, niềm vui. Hay khi ngày Tết đến, họ lại chia cho nhau những miếng bánh chưng, chiếc kẹo để cùng nhau vượt qua những tháng ngày đơn côi.

Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng tại trung tâm, bà Đỗ Thị Tính, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Hầu hết những người sống trong trung tâm đều có hoàn cảnh vô cùng éo le. Ngoài chính sách hỗ trợ của nhà nước cho họ, cán bộ và lãnh đạo trong trung tâm chúng tôi luôn cố gắng nỗ lực kêu gọi những nhà hảo tâm đển giúp đỡ họ nhiều hơn nữa trong những ngày Tết đến này”.

Cũng theo bà Tính, những ngày giáp Tết này, đã có nhiều đoàn đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các đối tượng chính sách tại đây. Về phía trung tâm cũng đang cố gắng nỗ lực hết mình để làm sao lo cho tất các trường hợp trong trung tâm có một cái Tết thật đầm ấm.

Cán bộ, nhân viên trung tâm cũng rất quan tâm, chăm sóc những phận đời nơi đây.
Cán bộ, nhân viên trung tâm cũng rất quan tâm, chăm sóc những phận đời nơi đây.

Trong 3 ngày Tết, khẩu phần ăn của những người trong trung tâm sẽ được tăng lên từ 15-40.000đ/ngày. Cán bộ và nhân viên sẽ thay nhau túc trực 24/24 trong cả ba ngày Tết.

Trong một căn phòng nhỏ, bà Hồ Thị Hoa (68 tuổi) đang loay hoay để thay quần cho một bé trai bị bệnh bại não. Bà Hoa cho biết: “Tôi vào trung tâm từ những ngày đầu, giờ ở đây, hàng ngày chăm sóc nuôi dưỡng ba cháu nhỏ bị bại não và một cháu bị bệnh đao. Số phận mình đã bi thảm, giờ thấy các cháu lại càng thương hơn. Mỗi đứa đều có hoàn cảnh khác nhau, có cháu bị bệnh nên bố mẹ bỏ rơi phải vào đây. Không có tình thương của trung tâm chắc các cháu khó sống đến ngày hôm nay”.

Rời trung tâm, thấy phố xá nhộn nhịp không khí tết, trong lòng chúng tôi lại liên hệ đến hình ảnh về những đứa trẻ tật nguyền, những người già neo đơn trong trung tâm. Khi Tết đến họ không có gia đình để trở về nhưng cả trung tâm là mái nhà để họ sum vầy, quây quần bên nhau trong thời khắc giao thừa chào đón năm mới sắp đến.
 
Đắk Lắk: Ký ức Tết của những trẻ mồ côi
 
Ngày Tết với mỗi trẻ nhỏ là một sự háo hức, mong chờ. Nhưng với trẻ mồ côi, không buồn tủi sao được khi ngày Tết với các em đã không “đong đầy” như xưa, các em thiếu đi sự vun đắp của cha mẹ, thậm chí có em ước ao giá như gia đình mình không tan vỡ.
Các em mồ côi ở Trung tâm BTXH Đắk Lắk.
Các em mồ côi ở Trung tâm BTXH Đắk Lắk.

Một ngày giáp Tết, gió nắng cao nguyên vừa hanh vừa lạnh thổi táp vào mặt, tôi tìm về Trung tâm BTXH Đắk Lắk (xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột) với tâm trạng rạo rực khó tả. Nhưng khác hẳn với tâm trạng của tôi, những đứa trẻ mồ côi ở trung tâm này xem ra chẳng đoái hoài gì đến cái Tết. Bữa cơm trưa xong xuôi, em Huỳnh Thị Liên (học sinh lớp 9) nặng lòng kể với tôi về gia đình. Tuổi thơ của Liên sinh ra ở Hòa Phong, huyện Krông Bông, Đắk Lắk.

Năm 3 tuổi thì bố mẹ ly dị, Liên được mẹ gửi về cho người bà (họ hàng xa) ở Đà Nẵng nương tựa. Sống ở Đà Nẵng được ít năm thì Liên được đưa trở lại Hòa Phong nhờ thím cưu mang. Một thời gian sau, Liên lại được chuyển sang nhà dì ruột để tá túc. Nhưng hoàn cảnh của dì lại quá đỗi ngặt nghèo, quanh năm làm nông mà có đến 4 con nên chỉ nuôi Liên đến lớp 6.

Bố mẹ sớm chia tay, tuổi thơ phải sớm nương nhờ người thân nên ký ức của Liên về cái Tết rất khó định hình. Vắt tay lên trán một lúc, Liên mới nhớ ra là lúc 5 hoặc 6 tuổi, khi còn ở Đà Nẵng, ngày Tết mẹ có về chơi và mua cho Liên một cái mũ nhung len rồi đội lên đầu.

Do cha Liên đã mất vì bệnh gan, mẹ Liên tái hôn với người đàn ông khác ở Đà Nẵng nên không đón em về nữa. Từ đó, những chuyến thăm của mẹ cũng dần thưa thớt và mỗi dịp lên thăm chỉ kịp dặn Liên học cho giỏi rồi lại đi trong sự quyến luyến của cô bé Tây Nguyên.

Cũng như nhiều cái Tết đã qua, Tết này Liên lại về nhà dì ở Hòa Phong để ăn Tết. Khi tôi hỏi ngày Tết sắp đến, em sẽ ước gì?, Liên nặng lòng đáp: “Cũng chẳng mong muốn Tết đến lắm, cứ như ngày thường là được rồi”. Rồi Liên kể trước đây khi còn nhỏ ở với họ hàng, bản thân em cũng rộn ràng ngóng đợi Tết, nhưng rồi lớn dần lên, em không còn háo hức như xưa nữa.

Liên nói: “Tết đến em cũng thấy tủi thân lắm, em cũng lớn rồi và cũng ao ước có một căn nhà riêng để ấm cúng hơn”. Dù vậy, một năm mới sắp đến, Liên không quên gửi chúc tốt đẹp đến các cô chú ở trung tâm và các thầy cô ở trường. “Em học tương đối tốt các môn xã hội, qua Tết em sẽ thi học sinh giỏi Sử cấp thành phố”, Liên chia sẻ và cho biết ước mơ của em là làm công an.

Cũng như nhiều trẻ mồ côi khác, Tết này em Sầm Thị Thu Thảo cũng được trung tâm cho về quê ăn Tết với người thân. Nhưng ít ai biết rằng cô bé 15 tuổi có khuôn mặt khả ái này chỉ mới có cái Tết thứ 3 bên mẹ. Bố mẹ chia tay khi chưa tròn 2 tuổi, nên Thảo được ông bà ngoại ở Cuôr Knia (huyện Buôn Bôn, Đắk Lắk) nuôi từ nhỏ. Sau ngày chia tay, mẹ Thảo lăn lộn làm thuê khắp nơi để kiếm sống, còn cha Thảo xây dựng cuộc sống mới ở Đắk Nông.

Đến năm lớp 6, Thảo được gửi vào trung tâm do ông bà ngoại hoàn cảnh quá khó khăn. Những ngày mới chập chững vào trung tâm, bạn bè xa lạ, không người thân nên có lúc cô bé tủi thân muốn bỏ về.

Do hoàn cảnh đặc biệt của mình, Thảo không tránh khỏi những lời gièm pha, trêu chọc của bạn bè. Thảo kể: “Hồi nhỏ đi học cũng không thấy có gì, nhưng bây giờ thì khác. Nhiều lúc em cảm thấy rất buồn vì các bạn ở trường hay phân biệt mình không có bố mẹ và sống ở trung tâm”.

Thảo kể đây là cái Tết thứ 3 em được ăn Tết bên mẹ bởi những năm trước mẹ em làm thuê rồi ăn Tết ở Bình Phước. “Tết này em về với mẹ và đón anh trai ở Đắk Nông về quê cùng ăn Tết”, Thảo nói.

Cũng như những lần trước, những ngày Tết ở quê, Thảo lại kể cho mẹ nghe biết bao câu chuyện vui buồn ở trung tâm, và cả những chuyện học hành ở trường. “Mẹ cứ dặn em hoài là bớt chơi, cố gắng học để kiếm lấy cái nghề cho đỡ khổ. Em mong muốn sau này thi đậu vào một trường đại học tại thành phố Buôn Ma Thuột để không phải sống xa gia đình”, Thảo chia sẻ.

Hoàn cảnh của em Nguyễn Minh Trung cũng là một trong số ít các trường hợp đặc biệt tại trung tâm mà tôi có dịp tiếp xúc. Tuổi thơ của Trung lớn lên ở xã Yên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.

Năm 2007, cha của Trung đột nhiên đổ bệnh nặng, sau đó ông được phát hiện ung thư gan giai đoạn cuối. Chỉ sau vài tháng phát bệnh, cha Trung trút hơi thở cuối cùng bỏ lại người vợ cùng 3 con thơ dại. Khoảng 2 năm sau ngày mãn tang cha, người mẹ lại bỏ đi biền biệt.

Côi cút nơi miền quê nghèo, 3 anh em Trung rời quê hương vào Ea Kiết, Cư M’gar (Đắk Lắk) sống với bà nội 79 tuổi. Thời gian dần trôi, sức khỏe bà nội Trung đuối đi thấy rõ, không kham nổi ruộng vườn. Có hôm trong nhà không còn thứ để ăn, 4 bà cháu luộc mớ rau xanh trong vườn với ít quả cà pháo cầm hơi qua ngày. Ba anh em Trung đành phải vào trung tâm nương tựa, học hành.

Cậu bé 15 tuổi có khuôn mặt lanh lợi buồn tủi nói với tôi khi ngày Tết sắp đến: “Gần đây em nghe mấy người trong thôn nói mẹ đã mất vì tai nạn giao thông. Hồi bố mẹ chưa mất, ngày Tết em thường được đi chơi và mua áo quần mới, nhưng bây giờ thì không còn nữa”.

“Năm mới sắp đến tụi em chỉ biết mong cho bà nội sống lâu để mấy anh em lại về thăm bà”, cậu bé mồ côi nhìn tôi nói với giọng đáng thương và cho biết Tết này 3 anh em sẽ về sum vầy bên bà.
 
Ông Nguyễn Quang Tuệ, Giám đốc Trung tâm BTXH Đắk Lắk cho biết, các cháu ở Trung tâm là đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ hoặc còn cha mẹ nhưng bị bệnh tật, không đủ kiện nuôi dưỡng. Trước khi các cháu về quê ăn tết với người thân, Trung tâm tổ chức chúc tết và căn dặn các cháu đảm bảo ăn tết vui tươi, lành mạnh và an toàn. Trung tâm hỗ trợ mỗi cháu 60 nghìn đồng tiền xe bên cạnh tiền lì xì là 50 nghìn đồng/cháu.

Thái Bá - Duy Tuyên - Viết Hảo