1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Tây tiến” nuôi con

Họ không thể nhớ hết số quãng đường đã rong ruổi từ ngày rời quê hương, vượt hàng trăm, thậm chí hàng ngàn km sang Lào và làm đủ mọi nghề chỉ với khát khao kiếm tiền cho con ăn học và thoát cảnh nghèo đói.

Họ là những “bà mẹ Việt Nam” đến từ nhiều miền quê như Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng...

 

“Mạo hiểm” một chuyến

 

Chị Dương Thị Nhân (quê ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa) sáng bán bánh mì, chiều tối tới đêm đi bán mực nướng tại các quán bia ở Viên Chăn (thủ đô của Lào) cho biết, nhà chị có bốn người, 2 vợ chồng, 2 đứa con, nhưng ruộng thì chưa đến 3 sào, mặc dù anh chị đã cố gắng nuôi thêm con này con nọ nhưng cuộc sống vẫn luôn khó khăn.

 

“Tây tiến” nuôi con - 1
Chị Nhân đi bán mực rong trong các quán nhậu ở Viên Chăn

 

Bốn năm trước, khi đứa con đầu của chị thi đỗ vào Đại học Sư phạm Vinh, chị quyết định theo chị em trong làng sang Lào làm ăn để kiếm tiền cho con ăn học. Nay đứa lớn đã chuẩn bị tốt nghiệp, đứa thứ hai cũng chuẩn bị học xong năm thứ nhất của một trường cao đẳng ở Hải Phòng.

 

Chị Nguyễn Thị Hằng (quê ở Cẩm Giàng, Hải Dương) thì bộc bạch, nhà nghèo, ruộng đất cũng chỉ vài sào làm không đủ ăn, chồng làm thợ mộc nhưng đau ốm luôn, việc kiếm tiền nuôi hai đứa con ăn học dồn hết vào đôi vai gầy của chị. Hai năm trước, nghe bà con trong làng về kể bên Lào làm ăn được, chị quyết định sang làm ăn ở Viên Chăn.

 

Tháng đầu sang Lào, chị làm nấu ăn cho một tốp thợ xây dựng Việt Nam, sau quyết định chuyển sang bán mực nướng, một nghề theo chị rủi ro cao nhưng lợi nhuận cũng tàm tạm.

 

Nhắc đến con, khuôn mặt già trước tuổi bởi nắng gió của chị sáng lên đầy tự hào, chị cho biết cả hai đứa đều học khá giỏi. Đứa lớn hiện đang học năm thứ hai ở một trường Cao đẳng tại Hà Nội, đứa bé đang học lớp 11.

 

Không giống như chị Nhân và chị Hằng, chị Vũ Thị Thanh cùng chồng là Đỗ Văn Việt (ở Ý Yên, Nam Định) đã gửi cả hai con ở nhà cho cô em chồng để sang Lào làm ăn. Chị cho biết, nhà chỉ có bốn sào ruộng, nên việc thiếu trước hụt sau là điều không tránh khỏi, rất may là cả hai đứa con của chị (một đứa lớp 8, một đứa lớp 6) đều học giỏi.

 

Ba năm trước, thấy nhiều người làng sang Lào làm ăn được, anh chị đã bàn tính và quyết định rằng để hai con có điều kiện ăn học tốt nhất, anh chị phải “mạo hiểm” một chuyến.

 

“Dặm trường” mưu sinh

 

Kể về nỗi vất vả của mình, chị Thanh cho biết một ngày của chị thường bắt đầu từ 6 sáng và kết thúc vào lúc 2 giờ sáng hôm sau. Sáu giờ, chị phải dậy để chuẩn bị sẵn mực, đến chiều về chỉ việc xách đi bán, sau đó mới ăn sáng rồi lên xe đạp bắt đầu đi thu mua đồ đồng nát đến tận 3 giờ chiều. Ăn qua loa lót dạ xong chị lại xách làn mực và chậu than hoa đi bán tại các quán bia ở khắp Viên Chăn. 10 giờ tối về nhà, chị lại phụ chồng bán xăng đến hai giờ sáng (các cây xăng trong nội đô chỉ mở đến 9 - 10 giờ tối).

 

Chị không thể nhớ mỗi ngày mình đạp xe bao nhiêu cây số, đến bao nhiêu nhà và bao nhiêu quán bia, chỉ biết rằng, cứ mỗi sáng nghe chuông báo thức, chị cứ tưởng như mình mới ngủ và đôi lúc không thể mở mắt được, nhưng cứ nghĩ đến hình ảnh hai đứa con cắp cặp tung tăng tới trường là chị lại bật dậy, lại lao vào làm việc.

 

Hàng ngày, ngoài việc phải dậy sớm thức khuya chịu đủ đường vất vả để kiếm tiền gửi về cho con ăn học, những người như chị Hằng, chị Nhân còn phải luôn để ý trước sau, lo đối phó với các lực lượng giữ gìn trật tự ở Lào.

 

Chị cho biết, những lao động Việt Nam sang Lào kiểu như chị (đi theo đường du lịch, hàng tháng ra cửa khẩu đóng dấu một lần), sợ nhất là bị công an bắt. Bởi nếu bị bắt, nhẹ thì bị thu hết hàng hóa, nặng thì ngoài bị thu hàng hóa còn bị phạt thêm hàng triệu kip tiền Lào. Nếu bị thu hàng hóa thì coi như một tuần bán hàng không công, nếu thêm cả phạt thì coi như mất cả tháng thu nhập, có khi hơn.

 

“Vẫn biết rằng việc chúng tôi sang làm ăn như thế này là sai, nhưng do ít học nên có muốn làm cho đúng luật cũng chả biết đi đâu mà hỏi”, chị Nhân ngậm ngùi. “Giá như, có tổ chức nào đó của người Việt ở Lào giúp chúng tôi đăng ký, làm thủ tục giấy tờ và chỉ cho cách thức làm ăn đúng luật ở nước sở tại như người Hoa thì hay biết mấy”.

 

Khi được hỏi vất vả và cơ cực như thế, sao các chị không về Việt Nam tìm việc khác mà làm, cả ba chị đều cho rằng vì sự học của con cái, vất vả mấy họ cũng chịu được, hơn nữa, dù gì kiếm tiền bên Lào cũng dễ hơn ở Việt Nam.

 

Theo Phạm Văn Kiên
Vietnam+