1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tây Bắc “run rẩy” trong giá rét

(Dân trí) - Trên những cung đèo lớn như Ô Quy Hồ (Lao Cai), Mù Căng Chải (Yên Bái), Sìn Hồ (Lai Châu) hay Mộc Châu (Sơn La)... ngoài cái rét cắt da, cắt thịt còn có lớp sương mù đặc quánh bao bọc. Vùng cao Tây Bắc vẫn duy trì nhiệt độ ở mức 4-7 độ C.

Bên ven đường quốc lộ 6, đoạn gần thị trấn Mộc Châu (Sơn La) những ngày này xuất hiện nhiều bếp lửa do dân qua đường đốt lên để sưởi ấm. Những bếp lửa mỗi lúc một thêm đông khách ghé lại xin "nhập thêm tý hoả" để chống chọi lại với cái rét đang ngấm trong da thịt.
 
Tây Bắc “run rẩy” trong giá rét - 1
Những bếp lửa bên đường hiện diện ở nhiều nơi trong những ngày giá lạnh (Ảnh: La Sơn)

Ông Lử - chủ một bếp lửa ven đường ở huyện Mộc Châu, bảo: "Ta vốn quen với cái lạnh nhiều năm rồi mà đợt này cũng thấy ngại ra khỏi nhà. Sáng nay nếu không phải đi tìm trâu lạc thì ta cũng không ra đây. Lạnh giá thế này cái cây, cái hạt cũng không nảy mầm được đâu".

Một người khách vừa bước xuống từ chiếc Minsk tranh thủ hơ tay, góp chuyện: "Bên phía Lào Cai còn lạnh hơn ở đây. Ở đó khoắng tay vào bể nước lạnh 1,20c, cảm thấy lạo xạo như nước đá non, khiếp thật!".

Tại nhiều tuyến đường trên vùng Tây Bắc những ngày này, sương mù đặc quánh, cách nhau dăm ba mét nếu xe không bật đèn sương mù là không nhận ra nhau.

Bà Hoàng Thị Hiên, chủ quán nước ở xã Chiềng Đông (Yên Châu, Sơn La), chỉ vào chậu than hồng rồi nói: "Đã gần tuần nay, hôm nào tôi cũng phải đốt lửa chống rét. Vì rét quá nên củi cũng bán chạy lắm, giá cao hơn bình thường từ 5-10 ngàn đồng/gánh...".
 
Tây Bắc “run rẩy” trong giá rét - 2
Giá mỗi xe củi ở TP Sơn La đã tăng lên từ 5-10 ngàn đồng (Ảnh: La Sơn)

Quan sát các bà, các chị đi chợ thì thấy mảnh khăn piêu thường ngày được quấn rất điệu đà, theo một phong cách riêng nay cũng được sử dụng hữu hiệu hơn. Các đầu piêu với tua chỉ ngũ sắc rực rỡ không còn rủ xuống trước trán để làm duyên mà được quấn thành 2 vòng qua trán và quanh cổ.

Chị Vi Thị Biên, nông dân bản Chiềng Đông, cười: Khăn piêu là nét đẹp riêng của trang phục Thái nhưng lạnh thế này phải tạm quên bản sắc thôi. Đội khăn như ngày thường thì gió lùa lạnh lắm. Đến con trâu, con bò, cái cây ngoài nương lúc lạnh thế này cũng được mặc áo, đốt lửa sưởi, uống nước ấm mà.

Cũng theo chị Vi Thị Biên thì dù từ ngày 21/12, nhiệt độ có nhích dần lên, tivi cũng thông báo như vậy nhưng "chúng tôi vẫn thấy lạnh lắm, chưa nhìn thấy mặt trời đâu. Tốt nhất là cứ chủ động phòng chống rét, ai biết được với ông trời? Ngày mai, ngày kia có khi còn mưa nữa...".

Lụng thụng trong chiếc áo khoác dài quá khổ, anh Cầm Văn Thuỷ ở xã Chiềng Đen, TP Sơn La, lắc đầu: "Năm nay, không biết nông dân sẽ khó khăn đến đâu. Tốn nhiều củi sưởi lắm rồi. Khói ám đen cả mặt mà vẫn chưa thấy ông trời hết lạnh. Mới hơn 2 giờ chiều mà cả bản đã mù mù sương khói rồi, đêm nay lạnh thấu xương đây".
 
Tại vùng du lịch Sa Pa (Lào Cai) chưa xuất hiện băng tuyết, nhưng nhiệt độ nơi đây bình quân là 4,2 độ C và trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ chỉ có 1,2 độ C. Sương mù đặc quánh bao phủ khắp thành phố du lịch những ngày này. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thuỷ văn Lào Cai, đây là đợt rét đậm thứ hai từ đầu mùa đông đến nay ở Lào Cai. Khu vực này còn phải đối mặt với khoảng 1-2 đợt rét nặng và khô hạn từ nay đến Tết Âm lịch.
 
Tây Bắc “run rẩy” trong giá rét - 3

Đường lên vùng du lịch Sa Pa lúc 9 giờ sáng ngày 20/12 các xe ô tô phải bật đèn vì sương mù dày đặc che khuất tầm nhìn (Ảnh: Phạm Ngọc Bằng)
 
Tây Bắc “run rẩy” trong giá rét - 4

Em nhỏ Sa Pa mặc áo mưa chống rét vẫn cùng mẹ đi bán hàng lưu niệm cho khách du lịch để cải thiện thêm cuộc sống hàng ngày (Ảnh: Phạm Ngọc Bằng)
 
Tây Bắc “run rẩy” trong giá rét - 5

Vẻ đẹp Sa Pa trong sương mù luôn hấp dẫn khách du lịch và các nhà nhiếp ảnh nghệ thuật vì đã có không ít tác phẩm chụp từ nơi giá lạnh này đạt giải thưởng cao. (Ảnh: Phạm Ngọc Bằng)
 
 
 
La Sơn - Phạm Ngọc Bằng