1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Quảng Ngãi:

Tàu xuất bến “ngẫu hứng”: Dân không có thói quen mua vé!

(Dân trí) - Tàu cao tốc tuyến Lý Sơn - Sa Kỳ hoạt động ngẫu hứng, khiến hành khách “dở khóc dở cười” đã tồn tại nhiều năm qua. Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi cho rằng cốt lõi vẫn nằm ở ý thức của người dân với thói quen không mua vé vẫn lên tàu.

Sau bài phản ảnh “Tàu xuất bến “ngẫu hứng”, hành khách thi nhau… chạy”, Dân trí đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Lý Sơn, Sở Giao thông và Vận tải Quảng Ngãi, Cảng vụ hàng hải quản lý tuyến Lý Sơn, nhằm tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng hành khách khốn khổ mỗi khi muốn đi tàu cao tốc từ đất liền ra đảo Lý Sơn và ngược lại.

 

Hiện nay, các tàu cao tốc ở bến cảng khởi hành từ Lý Sơn đều cập cảng tại vũng neo đậu tàu thuyền thuộc xã An Hải. Tuy nhiên, vũng neo đậu này không đảm bảo chức năng, tiêu chuẩn để hoạt động tuyến vận tải hành khách ra và vào Lý Sơn.

 

Ông Nguyễn Đức Thao - cán bộ Cảng vụ hành hải tại Lý Sơn - cho biết: “Vũng neo đậu tàu thuyền ở xã An Hải chỉ thiết kế cho tàu cá tạm trú, đáy nước rất cạn nên khó hoạt động tốt. Cảng Lý Sơn ở xã An Vĩnh thì tàu, thuyền không thể hoạt động khi có gió trên cấp 4-5. Với khó khăn hiện tại, chúng tôi phải vận dụng linh động, chứ nếu làm đúng luật, sợ không thể hoạt động được tuyến vận tải Lý Sơn”.

 

Vì lý do trên, hoạt động tàu cao tốc có sự thay đổi liên tục, khiến người dân và khách du lịch “lúng túng”. Nếu tàu cao tốc đón khách ở điểm xã An Vĩnh, du khách có thể đi bộ ra bến, còn nếu hoạt động ở xã An Hải thì hành khách phải đi quãng đường gần 5km, trong khi ở đảo chỉ có duy nhất phương tiện “xe thồ”, và lực lượng này thường cũng chỉ tập trung ở bến cảng.

 

Ngoài ra, thông tin giờ khởi hành, cách thức mua vé cũng như số điện thoại liên lạc đều không có.

 

Với những bất cập trên, ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - cho rằng: “Hoạt động ở vũng neo đậu tàu thuyền thuộc xã An Hải chỉ mang tính tạm thời, đặc biệt là mùa mưa bão nên địa phương không có kế hoạch đầu tư. Còn tại điểm cập tàu thuộc xã An Vĩnh đã có điểm bán vé ở Ban quản lý cảng cá Lý Sơn rồi. Ai không có vé thì chủ tàu, cảng vụ không cho họ lên tàu thôi”.

 

Thực tế, tại khu vực hành khách lên tàu cao tốc, ở 2 điểm đón khách thuộc xã An Hải và An Vĩnh đều không có hàng rào chắn kiểm soát vé, nên mạnh ai nấy lên, dù có vé hay không.
 
Tàu xuất bến “ngẫu hứng”: Dân không có thói quen mua vé!

Du khách dù ra bến rất sớm cũng có thể không mua được vé đi tàu, trong khi đa số người dân địa phương lại có thói quen cứ ra bến là nhảy lên tàu, không cần mua vé.

 

Chị Phạm Thị Thu Trang (ngụ xã An Hải, Lý Sơn) nói: “Để đi vào đất liền chỉ có duy nhất chuyến tàu cao tốc, nếu không đi thì phải chờ đến ngày mai. Lâu nay chúng tôi quen rồi, cứ ra bến là lên tàu luôn, chẳng ai mua vé chi cho mệt. Mà đi “chui” còn tiết kiệm chi phí”.

 

Theo lệ, giá vé đi từ Lý Sơn vào Sa Kỳ là 110.000 đồng/người. Khi lên tàu cao tốc mà không có vé, hành khách chỉ phải trả 100.000 đồng/người, “tiết kiệm” 10.000 đồng/người. Đây cũng là lý do khiến hành khách mất thói quen mua vé trước khi lên tàu.

 

Ông Đỗ Tiến Đạt - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi - phân trần: “Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị huyện Lý Sơn đầu tư cơ sở vật chất, bến bãi, lực lượng an ninh nhưng chờ mãi vẫn “án binh bất động”. Khi xảy ra tình trạng quá tải, chúng tôi yêu cầu hành khách không có vé xuống tàu, họ còn hành hung lại chúng tôi. Có nhiều lúc cấm không cho xuất bến trong ngày, hậu quả những du khách đã mua vé phải gánh chịu. Ngành cũng đã nhiều lần chỉ đạo, hướng dẫn và đề nghị các giải pháp nhưng quan trọng nhất là ở ý thức người dân địa phương”.

 

Về lâu dài, Sở GTVT và Cảng vụ hàng hải đề nghị huyện Lý Sơn xây dựng khu vực nhà chờ, mái che, dịch vụ ăn uống trong bến cảng, tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh và có chính trách hỗ trợ giá cho đơn vị vận tải khi tăng cường thêm tàu.

 

Hồng Long