Thanh Hóa:
Tàu tìm thấy dưới cát được làm bằng gỗ quý
(Dân trí) - Mặc dù trải qua hàng chục năm bị vùi dưới cát nhưng thân tàu vẫn giữ được độ bền do tàu được đóng bằng gỗ đinh hương quý hiếm. Trên tàu, ngoài những chum sành vỡ vụn, người ta không tìm thấy cổ vật gì quý hiếm.
Nguồn tin từ UBND huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho biết, sau khi người dân xã Hoằng Trường phát hiện những mảnh gỗ của thân tàu trồi lên cát, việc khai quật con tàu đã được cơ quan chức năng tiến hành hoàn tất. Cho đến thời điểm hiện tại, con tàu đã được đưa lên khỏi mặt đất. Toàn bộ hiện vật liên quan đến con tàu này đã được đưa về trụ sở UBND xã Hoằng Trường niêm phong, chờ phương án xử lý.
Cơ quan chức năng đã xác định được loại gỗ dùng đóng tàu là gỗ đinh hương quý hiếm, có độ bền cao nên trải qua nhiều năm nằm dưới biển vẫn còn rất chắc chắn. Phần xương chính đáy tàu được làm bằng cả một thân cây gỗ lớn. Phía đầu mũi có khắc đẽo hình đầu rùa có hai mắt màu đen. Biểu tượng này thể hiện quan niệm tâm linh của người đi biển xưa. Họ khắc đầu kim quy trên thuyền nhằm xua đuổi thủy quái, mong bình an trên những chuyến ra khơi.
Sau quá trình khai quật, cơ quan chức năng không phát hiện bất cứ loại cổ vật nào có giá trị ngoại trừ những mảnh ván và một số mảnh sành sứ vỡ vụn nằm rải rác quanh thân tàu.
Theo các cụ cao niên trong vùng phán đoán, con tàu bị đắm vào khoảng năm 1945, là một trong những con tàu trong đoàn tàu vận tải gồm 4 chiếc trên hành trình chở hàng lương thực, thuốc men từ miền trung đi Hải Phòng, khi ngang qua khu vực Lạch Trường đã bị trận bão lớn đánh chìm. Nhiều hàng hóa sau đó đã bị chức dịch địa phương cho người lấy đi hết.
Trước đó, sáng ngày 29/3/2015, người dân xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa - Thanh Hóa) trong lúc đi tập thể dục trên bãi biển đã phát hiện một tấm ván nổi lên mặt đất, tiếp tục đào thì phát hiện mũi một con tàu nằm sâu dưới lòng đất. Theo đo vẽ, con tàu dài chừng 12m, rộng 4m.
Nguyễn Thùy