1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tàu ngầm Việt Nam xuất ngoại

Phía Malaysia đã đặt cọc tiền mua 5 chiếc tàu ngầm của ông Phan Bội Trân; nếu không có gì thay đổi, trong hơn 2 tháng nữa, tàu ngầm made in Vietnam sẽ được cung cấp cho đối tác và ký kết hợp đồng.

Những chiếc tàu ngầm mini phục vụ du lịch do ông Phan Bội Trân, một Việt kiều sống ở TPHCM chế tạo, đang được một công ty của Malaysia đặt mua.

 

Tận dụng nguyên vật liệu trong nước

 

Ba năm sau khi trở về Việt Nam từ Pháp, ông Phan Bội Trân (ngụ quận Tân Phú, TP HCM), một kỹ sư đam mê sáng tạo, đã bắt tay chế tạo chiếc tàu ngầm mini đầu tiên tại Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á. Từ đó, tàu Yết Kiêu 1 dài 3,2 m, nặng hơn 1 tấn đã ra đời sau khoảng 6 tháng. Nhờ vỏ tàu làm bằng composite nên độ bền cao, gọn nhẹ, có thể lặn sâu 70 m trong 30 phút liên tục và chạy nổi trong 4 giờ. Tàu sử dụng động cơ điện, có thể đạt tốc độ tối đa trên 15 hải lý/giờ và có máy cung cấp không khí cho người lái khi lặn. Ngoài ra, tàu còn trang bị ống kính tiềm vọng, hệ thống bánh lái trước, sau và ngang… như một tàu ngầm thực thụ. Giá chiếc tàu này khoảng 10.000 USD vào thời điểm xuất xưởng với nguyên vật liệu sản xuất trong nước, trừ động cơ. Năm 2010, tàu ngầm Yết Kiêu 1 chạy thử nghiệm lần đầu tiên tại hồ bơi Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân TP HCM. Lúc đó, ông Trân đã điều khiển tàu nổi lên, lặn xuống an toàn trong 4 giờ. Sau này, chiếc tàu đã có thêm nhiều lần thử nghiệm để hoàn thiện.

 

Tàu ngầm Việt Nam xuất ngoại
Tàu ngầm Yết Kiêu 1 trong lần thử nghiệm tại hồ bơi của Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân TP HCM năm 2010. (Ảnh do ông Phan Bội Trân cung cấp)

 

Gặp phóng viên Báo Người Lao Động tại xưởng chế tạo tàu composite ở quận Bình Tân, TPHCM, ông Trân cho biết một công ty của Malaysia đã đặt ông chế tạo 5 chiếc tàu ngầm mini phục vụ du lịch biển. Những chiếc tàu ngầm mini này vẫn dựa trên cơ sở Yết Kiêu 1 nhưng hình dáng thay đổi, kích thước gọn nhẹ hơn để phù hợp cho du lịch. Tàu vẫn sử dụng động cơ điện, vật liệu composite, dài khoảng 1,5 m - 1,8 m, nặng từ 150 kg - 200 kg, với 2 phiên bản chở 1 hoặc 2 người và được trang bị nắp kính để quan sát bên ngoài. Theo ông, do phục vụ du lịch nên những chiếc tàu ngầm mà phía Malaysia đặt có tốc độ chậm, lặn sâu chỉ vài mét. Thời gian chế tạo 5 chiếc tàu này khoảng 2-3 tháng, giá thành từ 2.000-3.000 USD/chiếc. Sau đơn hàng đầu tiên, đối tác Malaysia có thể đặt thêm 50 chiếc. “Hiện đối tác đã thảo luận hợp đồng, đặt cọc mua những chiếc tàu đầu tiên. Trong hơn 2 tháng nữa, tôi sẽ cung cấp sản phẩm cho họ và ký hợp đồng mua bán chính thức. Tôi cũng đang chờ xác nhận sở hữu trí tuệ về thiết kế kiểu dáng công nghiệp cho những chiếc tàu ngầm mini để bảo đảm quyền lợi khi cung cấp sang Malaysia” - ông Trân nói.

 

Gặp khó vì đi đầu

 

Ông Trân cho biết hiện Việt Nam chưa có cơ quan kiểm định, cấp phép hoạt động cho những tàu ngầm nhỏ quân sự lẫn dân sự, trong khi mời nước ngoài vào kiểm định thì rất tốn kém. Vì vậy, những chiếc tàu ngầm mini dân sự do ông chế tạo khó tiêu thụ trong nước. “Ở nước ngoài, việc kiểm định và cấp phép cho những loại tàu ngầm này dễ dàng hơn trong nước nên tôi quyết định chọn đối tác Malaysia cho đơn hàng đầu tiên” - ông Trân nói. Khi được hỏi bán ra nước ngoài, những chiếc tàu này có thể bị sao chép công nghệ, ông Trân thừa nhận có nghĩ đến điều này.

 

Ông Phan Bội Trân tên thật là Phan Bội An, hậu duệ của nhà yêu nước Phan Bội Châu.

PGS-TS Lê Kế Lâm, Chuẩn Đô đốc, nguyên Viện trưởng Học viện Hải quân Nha Trang, cho rằng: “Tàu ngầm mini rất có ích cho dân sự lẫn quốc phòng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng trong nước vẫn còn lo ngại về những sản phẩm mới và hữu ích này, trong khi ở nước ngoài, cá nhân lẫn tổ chức đều được chế tạo tàu ngầm dân sự. Việc chế tàu ngầm của ông Phan Bội Trân cần được ủng hộ”.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 18-7, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải, cho biết nếu ông Phan Bội Trân “xuất khẩu” được tàu ngầm thì đó là thông tin vui. Tuy nhiên, theo ông Hình, tàu ngầm mini không được sử dụng để tham gia giao thông trên đường thủy thì sẽ không được coi là phương tiện giao thông và không thuộc diện phải đăng kiểm.

 

Cách đây không lâu, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa (Thái Bình) chế tạo tàu ngầm mini Trường Sa 01 và đưa ra chạy thử nghiệm cũng không phải xin ý kiến của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Việc cấp phép hoặc xem xét vấn đề này, theo ông Hình, có thể thuộc trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng.

 

Nước ngoài “thăm dò” tàu ngầm Trường Sa 01

 

Chiều 18-7, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa cho biết thời gian qua, có rất nhiều kiều bào cũng như doanh nhân nước ngoài liên hệ với ông bày tỏ muốn hợp tác phát triển hoặc mua lại công nghệ sản xuất tàu ngầm mini Trường Sa 01. Tuy nhiên, theo ông Hòa, đó cũng chỉ là sự “thăm dò” vì mọi việc còn phải chờ kết quả thử nghiệm của tàu ngầm mini Trường Sa 01. “Tôi rất muốn được hợp tác với các doanh nghiệp trong nước để sản xuất tàu ngầm” - ông Hòa nói. (Tr.Đức)

 

Theo Chánh Trung - Thế Kha
Người lao động