1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tàu hỏa chậm chuyến: Vì sao hành khách không được bồi thường?

(Dân trí) - Đã từ lâu, chuyện tàu hỏa đi, đến không đúng giờ vẫn xảy ra như cơm bữa. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tiến hành phạt tiền những đơn vị để xảy ra chậm tàu nhưng lại “quên” không đền bù thiệt hại cho hành khách!

Tàu chậm giờ - “chuyện thường ngày ở huyện”

 

Theo thống kê của Ban Vận chuyển, Tổng công ty đường sắt VN, 7 tháng đầu năm 2006, tỷ lệ tàu đi, đến đúng giờ chỉ đạt khoảng 65%, thậm chí có tháng “rớt” xuống chỉ còn 54%. Đặc biệt, có những chuyến tàu đi, đến trễ ở mức “kỷ lục” gần chục tiếng đồng hồ.

 

Có những đoàn tàu đẳng cấp cao, vốn được dùng để quảng bá thương hiệu của ngành đường sắt như tàu khách Thống nhất SE3/4, cũng không thoát khỏi “căn bệnh” trễ giờ, chậm chuyến. Riêng trong tháng 7, chỉ có hơn 20% số chuyến này về ga đúng lịch trình chạy tàu! Riêng tuyến Hà Nội - Lào Cai, tỷ lệ chậm tàu thường xuyên ở mức 80 - 90%.

 

Lý giải cho tình trạng tàu thường xuyên đến trễ, Tổng công ty Đường sắt VN cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do trên các tuyến đường có nhiều điểm đang thi công, duy tu bảo dưỡng, cộng với tình trạng mở đường ngang trái phép, lấn chiếm hành lang nên ảnh hưởng đến tốc độ chạy tàu.

 

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, hoạt động vận tải hàng hóa phát triển mạnh nên mật độ chạy tàu dày đặc. Năm 2005, trung bình một tuần chỉ có 5 đôi tàu hàng hoạt động thì nay đã tăng lên 14 đôi, khiến cho các đoàn tàu thường xuyên phải dừng đỗ, tránh nhau làm gia tăng tỷ lệ tàu đến trễ.

 

Tuy nhiên, phân tích của các cơ quan chức năng cho thấy nguyên nhân gây chậm tàu chủ yếu là do công tác quản lý điều hành của Ngành đường sắt yếu kém. Các vi phạm như tránh vượt sai quy định, đầu máy không đảm bảo, vi phạm quy trình quy phạm chiếm tỷ lến đến 50% nguyên nhân dẫn đến số lần chậm tàu.

 

Hành khách đi tàu cũng bị “móc túi”!

 

Trước thực trạng tàu chậm chuyến triền miên, Tổng công ty Đường sắt VN đã xiết chặt việc kiểm tra, xử lý phạt tiền các đơn vị vi phạm. Trung bình hàng tháng, số tiền phạt lên đến hàng chục triệu đồng, trong đó riêng tháng 6/2006, số tiền này là hơn 35 triệu đồng.

 

Theo lý thuyết, số tiền này đáng lẽ phải được chi vào việc đền bù thiệt hại cho những hành khách bị chậm chuyến. Nhưng trên thực tế, ngành đường sắt “lờ” đi việc này với lý do: “Luật đường sắt không quy định trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải phải đền bù cho hành khách khi để xảy ra tình trạng chậm tàu do lỗi chủ quan của đơn vị”.

 

Trước đây, ngành đường sắt đã từng có quy định đền bù thiệt hại cho hành khách khi tàu đến chậm do lỗi chủ quan. Về sau, do tỷ lệ tàu đến chậm ngày càng tăng lên nên quy định này đã bị bãi bỏ.

Sự gia tăng tình trạng tàu khách đi, đến không đúng giờ đang khiến nhiều hành khách chán nhà tàu và tìm đến với các phương tiện thuận lợi khác như ôtô, máy bay. Sáu tháng đầu năm 2006, tỷ lệ hành khách đi tàu đã giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2005.

 

Thành Văn - Uy Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm