1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Tàu điện 1 ray có đủ đáp ứng tuyến Láng - Hòa Lạc?

(Dân trí) - Tàu điện 1 ray dự kiến năng lực vận chuyển khoảng 60.000 người/ngày trong khi tuyến Láng - Hòa Lạc dân số 0,7 triệu người, có thể tăng gấp đôi trong ít năm. Với tuyến đường “xuyên tâm” thành phố này, tàu điện 1 ray chỉ đáp ứng 10% nhu cầu vận chuyển.

Đường Láng - Hoà Lạc có nhiệm vụ kết nối đô thị trung tâm với đô thị công nghệ cao Hoà Lạc; trong quá trình mở rộng, thêm chức năng kết nối các đô thị mới mọc hai bên đường. Xuyên qua đô thị lõi trung tâm, vượt qua Hồ Tây, sông Hồng để kết nối với mạng giao thông dày đặc và không cảng Nội Bài, tương lai đạt 15 triệu hành khách/năm.

Tàu điện 1 ray có đủ đáp ứng tuyến Láng - Hòa Lạc? - 1
Tuyến đường sắt đô thị số 5 nối Láng - Hòa Lạc, cắt tuyến số 2 (màu xanh), dự định chui qua Hồ Tây, vượt sông Hồng sang Cổ Loa.

Nếu nối hơn 30 km tuyến số 5 với tuyến số 2 cuối đường Văn Cao lên Nội Bài (hơn 20 km) thì đây sẽ là tuyến đường dài gần 60 km sôi động nhất Hà Nội trong tương lai. Giới chuyên môn vẫn băn khoăn về việc 2 năm đã có tới 3 phương án khác nhau đề xuất trên cùng một tuyến (2 phương án đầu do Hàn Quốc đề xuất làm tàu trên cao cho tuyến này, có cả tuyến chui ngầm qua Hồ Tây).

Phương án mới nhất - tàu điện 1 ray do Vinaconex đề xuất - cũng còn nhiều dấu hỏi cần giải đáp.

Năng lực vận chuyển thấp: Với điểm cuối là khu công nghệ cao Hoà Lạc, dân số dự báo 0,7 triệu người nhưng tiềm năng phát triển có thể gấp đôi. Tuyến đường xuyên thành phố 6 triệu dân mà dự kiến làm tàu điện 1 ray chỉ để chở 60.000 người/ngày là quá thấp so với mục tiêu giao thông công cộng Hà Nội - thu hút 40-45% hành khách. Dù có nối toa, nâng công suất, vẫn không tương xứng với nhu cầu tương lai. Như vậy, tàu điện 1 ray có khác gì giải pháp tình thế, nửa vời?

Không giải toả nạn tắc đường: Khi đường Láng - Hoà Lạc mở rộng hoàn thành, 30km ngoài vành đai 3 còn vắng vẻ cho tới lúc Hoà Lạc hoạt động, từ vành đai 3 vào trung tâm, nạn tắc đường sẽ gia tăng hàng ngày.

Nguyên nhân tắc đường do xung đột tại các ngã 4 ngã 5 có thể giải quyết khi “thanh toán” được 5 nút giao thông lập thể: Văn Cao - Đội Cấn, Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh - La Thành, Trần Duy Hưng - Đường Láng (qua sông Tô Lịch) và Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến. Chi phí làm mới chỉ bằng 1/4 đường sắt 1 ray, nhưng toàn bộ hệ thống giao thông cùng hưởng lợi hệ quả hết tắc đưòng.

Tàu điện 1 ray có đủ đáp ứng tuyến Láng - Hòa Lạc? - 2
Mô hình giao thông đồng bộ, kết nối các loại hình phương tiện, cải thiện cảnh quan đô thị.

Tính khả thi của dự án: Tuyến số 5 chỉ phát huy hiệu quả khi đô thị Hoà Lạc thu hút gần 1 triệu dân. Sau 10-15 năm nữa, Hà Nội “sung túc” hơn dự án tiến hành sẽ thích hợp. Thực tế trục đường Láng - Hoà Lạc cho thấy: Các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiến hàng dự án đổi đất lấy hạ tầng tại đây chưa từng khẳng định tiềm lực tài chính, kinh nghiệm chuyên sâu để đảm bảo kết quả sẽ đúng như dự kiến.

Nếu sớm có 5 nút giao thông lập thể, kết hợp tăng cường xe buýt thường hay xe buýt nhanh (BRT) với giá thành vận hành chỉ bằng 1/3 tàu điện, có khả năng kết nối rất tốt với đường trên cao của tuyến vành đai 3 lên Nội Bài, tính khả thi cao hơn nhiều.

Không ai nghi ngờ những ưu thế của đường sắt 1 ray  như êm, rẻ , nhanh, đẹp… nhưng bố trí loại hình phương tiện năng lực vận chuyển thấp vào tuyến đường có khối lượng hành khách lớn là không phù hợp. Khai thác quỹ đất dự trữ cho nhu cầu giao thông lớn cho tương lai thiếu tính toán và cảm tính dễ dẫn đến lãng phí tài nguyên.

Trần Huy Ánh