1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Bình:

Tàu cá không thể vào cảng vì cửa biển bị bồi lấp nghiêm trọng

(Dân trí) - Nhiều năm qua, cửa biển Nhật Lệ đang bị cát bồi lấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho tàu thuyền khi ra vào cảng. Tại cửa biển này đã xảy ra nhiều vụ tàu mắc cạn gây thiệt hại lớn cho ngư dân, ảnh hưởng lớn đến kinh tế của địa phương.

Cửa biển bị bồi lấp

Với chiều dài bờ biển lên đến 120km, tỉnh Quảng Bình có 5 cửa biển, trong đó, cửa biển Nhật Lệ là nơi có hàng trăm tàu thuyền của ngư dân trong và ngoài tỉnh vào ra mỗi ngày.

Cửa biển Nhật Lệ bị cát bồi lấp nghiêm trọng
Cửa biển Nhật Lệ bị cát bồi lấp nghiêm trọng

Thế nhưng tại cửa biển Nhật Lệ, tình trạng cát bồi lấp đang diễn ra ngày một nghiêm trọng. Nguyên nhân là do đặc điểm địa hình, chế độ thủy triều, dòng chảy ven biển và cả tác động của bão lũ đã khiến cát bồi tụ diễn ra nhanh chóng. Trong khi chính quyền và các cơ quan có thẩm quyền chưa tìm ra cách giải quyết phù hợp.

Cát bồi lắng thời gian dài cũng đang khiến cửa biển Nhật Lệ ngày càng bị thu hẹp, điều này khiến các tàu cá của ngư dân rất khó khăn trong việc ra vào, đặc biệt là các tàu vỏ thép công suất lớn.

Tình trạng này đang khiến các tàu cá ra vào cảng vô vùng khó khăn
Tình trạng này đang khiến các tàu cá ra vào cảng vô vùng khó khăn

Tại xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới hiện có trên 400 tàu cá. Trong đó, khoảng 300 chiếc tàu có công suất trên 90CV. Tình trạng cửa biển bị bồi lấp, hẹp luồng lạch đã khiến nhiều tàu cá của xã biển này đành phải phải neo đậu ở các địa phương hoặc tỉnh thành khác.

“Tình trạng cát bồi lấp tại cửa biển Nhật Lệ đã kéo dài nhiều năm qua và ngày càng nghiêm trọng. Ở đây ngày càng xuất nhiện nhiều gò cát chắn ở cửa biển, nếu không để ý là tàu bị mắc cạn ngay. Bây giờ tàu nhỏ và vừa mới dám ra vào chứ tàu lớn đành phải neo ngoài khơi hoặc vào cảng khác nhập cá”, ngư dân Nguyễn Văn Phú, tại xã biển Bảo Ninh cho biết.

Ngư dân gánh thiệt hại

Nhiều năm trước đây, cảng Nhật Lệ là nơi neo đậu, buôn bán thuận lợi của tàu thuyền Quảng Bình và các tỉnh miền Trung. Từ tiếp nhiên liệu, bán thủy hải sản đến dịch vụ sửa chữa hậu cần, tránh trú bão.

Thế nhưng tình trạng cát bồi lấp cửa biển đang hạn chế lượng tàu thuyền ra vào tại khu vực cảng này. Nhiều tàu cá khi vào cửa biển Nhật Lệ cũng đã bị mắc cạn, gây hỏng hóc, thiệt hại nặng cho ngư dân.

Một tàu cá mắc cạn khi vào cửa biển Nhật Lệ
Một tàu cá mắc cạn khi vào cửa biển Nhật Lệ

Ngư dân Phạm Anh Đức, trú thôn Cửa Phú, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới cho biết, những tàu cá lớn của địa phương khi đánh bắt về đều phải xuống hàng ở Đà Nẵng hoặc Thừa Thiên - Huế. Nếu vào cửa Nhật Lệ thì chỉ có thể tìm cách neo đậu ngoài khơi, sau đó thuê tàu có công suất nhỏ trung chuyển hết số hàng hóa vào xuất bán. Việc này khiến các tàu cá phải mất thêm chi phí nên lời lãi sau mỗi chuyến đi biển không được là bao.

“Đa số tàu lớn ra cửa đều bị mắc cạn, nên ngư dân thường chờ con nước lớn mới ra. Khi nước lớn mới đưa cá từ tàu vào bán kịp phiên chợ, đôi khi vào cửa không lọt thì hàng hóa, cá bị hư hỏng nhiều. Có những tàu bị mắc cạn nặng, ngư dân phải bốc hết số hàng trên tàu để cho tàu nhẹ nổi lên mặt nước thì mới vào cửa được”, ngư dân Đức nói.

Tình trạng cửa biển bị bồi lấp đang gây ảnh hưởng lớn đến các tàu thuyền của ngư dân xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới
Tình trạng cửa biển bị bồi lấp đang gây ảnh hưởng lớn đến các tàu thuyền của ngư dân xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới

Tình trạng cửa biển Nhật Lệ bị bồi lấp không chỉ ảnh hưởng đến ngư dân trực tiếp đánh bắt cá trên biển mà còn ảnh hưởng đến người dân làm dịch vụ hậu cần nghề cá và người buôn bán hải sản trong khu vực. Cùng với đó là việc tàu thuyền vào tránh trú bão khi mùa mưa bão đang đến gần.

Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, UBND tỉnh này cũng đã giao Sở Giao thông vận tải lên phương án nạo vét, chỉnh trị dòng sông, cửa biển Nhật Lệ theo hướng lâu dài và bền vững.

Tỉnh Quảng Bình cũng vừa kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn cho phép lấy nguồn kết dư từ việc đền bù sự cố môi trường biển để làm kinh phí nạo vét cửa biển, đảm bảo an toàn cho bà con vươn khơi bám biển.

Tiến Thành – Trần Hùng