TPHCM:
Tát cạn ao tôm, lấy đất... bán
Chưa bao giờ các vuông nuôi tôm xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ) bị bỏ hoang nhiều như hiện nay. Trước đây nhà nhà "móc ruột" ruộng lúa thành ao tôm sú, nay hàng trăm ao tôm đang chuẩn bị "lên đời" đất, chờ bán.
Điêu đứng vì tôm
Bà Nguyễn Thị Sáu ở Rạch Đước, xã Bình Khánh cho biết, cả xã với hơn 400 ao, tôm đều phơi trắng từ vụ nuôi giáp tết. Chỉ vài ao lớn nuôi công nghiệp có hệ thống sục khí hiện đại là thoát cảnh tôm chết hàng loạt. Nông dân chỉ biết bó tay thở dài, không các nào cứu được tôm.
Anh Tuấn - người được xem là người nuôi tôm “mát tay” trong vùng - cũng đành bất lực nhìn tôm phơi trắng cả 4 ao nhà. Anh Tuấn cho biết, vụ cuối năm ngoái anh lỗ 65 triệu đồng, trong đó có 30 triệu đồng vay của ngân hàng bằng cách thế chấp sổ đỏ ao tôm.
“Cụt” vốn, nông dân Cần Giờ bỏ trống ao tôm trong vụ thả tháng 2 đến nay. Bà Đỗ Thị Chín ở xã Long Hòa nói, bà không trông mong nuôi tôm trở lại vì sợ rủi ro. Những năm được mùa, nuôi dễ, bán được giá, một vụ tôm thu hoạch xong, gia đình bà có thể sắm vàng, xây sửa nhà, thậm chí mua xe máy đời mới hoặc cả ôtô nếu muốn. Giờ đây, tài sản có được từ con tôm lần lượt “đội nón ra đi”.
Đại diện chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT đóng tại xã Bình Khánh cũng khẳng định, lượng hồ sơ vay vốn thế chấp sổ đỏ nuôi tôm đang tồn đọng đến hàng trăm trường hợp. Nguy cơ nông dân không trả được lãi suất ngân hàng (chưa kể trả vốn) rất cao, bởi người nuôi tôm chưa thể thanh toán tiền lãi các tháng cuối năm ngoái đến nay.
Trông chờ vào đất
Tuyến đường Rừng Sác đang được thi công ở đoạn cuối gần phà Bình Khánh đã khiến giá đất tại đây lên cao gấp 5, 6 lần so với hồi đầu năm ngoái. Đường mở rộng với lộ giới 30m, ăn vào gần hết những ao tôm ven đường. Nhiều ao tôm dọc đường đã được san lấp, chuyển mục đích sử dụng sang đất ở để chuẩn bị chuyển nhượng.
Bà Phạm Thị Trang, tổ trưởng Phụ nữ ấp Rạch Đước cho biết, dân ấp đang hùn nhau để mở đường nội bộ từ đường Rừng Sác đi ngang qua những ao tôm vào tận xóm sâu trong đồng với hai mục đích: đi lại dễ dàng và nâng cao giá đất.
Con đường nội bộ này dự kiến sẽ hình thành vào cuối tháng này, được người dân tại đây hy vọng là giúp họ thoát được nỗi ám ảnh của con tôm.
Vẫn quy hoạch nuôi tôm
Thế nhưng mới đây, vào giữa tháng 4/2006, UBND TPHCM đã phê duyệt chương trình chuyển đổi đất trồng lúa một vụ năng suất thấp sang nuôi tôm sú giai đoạn 2006 - 2010, trên địa bàn thành phố. Trong đó, sẽ lấy huyện Cần Giờ làm hạt nhân của kế hoạch.
Theo chương trình này, đến 2010, diện tích mặt nước nuôi tôm của toàn TPHCM là 4.100ha, trong đó huyện Cần Giờ 3.600ha. Để thực hiện điều này, trên 1.200ha lúa của huyện Cần Giờ sẽ chuyển sang nuôi tôm.
Tuy nhiên trên thực tế, quy hoạch nuôi tôm của UBND có vẻ đã chậm một bước so với thực trạng hiệu quả nuôi trồng mà nông dân Cần Giờ đang gánh chịu.
Tình trạng nuôi tôm tự phát, thiếu quy hoạch và công nghệ của nông dân Cần Giờ những năm trước đây đã dẫn đến hệ quả nhãn tiền là tôm chết hàng loạt. Theo các chuyên gia về thủy sản, chính môi trường nước nuôi bị ô nhiễm, các kỹ thuật nuôi tôm chưa được nông dân áp dụng triệt để... là nguyên nhân khiến tôm chết.
Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Trương Đình Hòe cũng cho rằng, quy hoạch nuôi tôm tại TPHCM đang đi sau thực trạng và có nhiều bất cập như tôm kém vệ sinh, sử dụng tạp chất, chết, bệnh, ô nhiễm nguồn nước mặt nói chung...
Theo Hà Vy
Vietnamnet