1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tất cả hướng về lễ dâng hương

(Dân trí) - Chiều ngày mùng 9 tháng 3 âm lịch (14/4) bánh chưng, bánh dày từ miền Nam ra đền Hùng đã “hạ cánh” an toàn. Những trò chơi dân gian rục rịch giã bạn. Tất cả tập trung hướng về ngày hội chính. Ngay từ 10h đêm, núi Nghĩa Lĩnh đã sáng đèn chuẩn bị.

Ngày 9 tháng 3 âm lịch nắng đẹp, du khách vẫn nườm nượp kéo về đền Hùng từ khắp các tỉnh thành trên cả nước. Theo con số thống kê của BTC lễ hội, tính đến ngày 9/4 - đền Hùng đã đón hơn một triệu lượt khách thập phương về dự hội. Con số này sẽ tiếp tục được tăng lên vào ngày chính hội mùng 10 tháng 3. 

Những hoạt động cuối cùng của lễ hội đền Hùng đã được gấp rút diễn ra vào mùng 9 tháng 3 âm lịch (14/4).  Liên hoan diễn xướng dân gian, triễn lãm hoa quả Việt Nam, đánh trống đồng, múa sư tử, lễ hội bơi chải trên sông Lô, bắn pháo hoa tầm thấp... Những chương trình rôm rả cuối cùng được “chưng diện” cho lễ hội thêm phần đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Múa sư tử tỏ ra được khách thập phương “sủng ái” hơn cả. Xen kẽ những màn trình diễn breakdance, màn múa sư tử “cách tân” gây xôn xao không khí dưới chân đền.

Tất cả hướng về lễ dâng hương  - 1

Múa sư tử được cách tân với màn nhảy... breakdance

 

Cuộc thi nấu bánh chưng, bánh dày rục rịch kết thúc, trao giải thưởng. Cũng trong ngày 9 tháng 3 âm lịch, hai chiếc bánh chưng, bánh dày đã được chuyển từ miền Nam ra đến đền Hùng. Chiếc bánh chưng với cạnh dài 1,8m, bề dày 1,3m đã “ngốn” tới 900 kg nếp, 300kg đỗ, 200 kg thịt, là lễ vật dâng tổ tiên của TPHCM, do công viên Đầm Sen thực hiện.... Bánh dày với công thức “chế tác” đơn giản hơn đã không vượt qua được khó khăn thời tiết và đường dài, bánh có nhiều vết mốc sơ trên bề mặt. Riêng việc luộc cặp bánh nặng 3 tấn cũng tốn tới 60 giờ. 

Tất cả hướng về lễ dâng hương  - 2

Bánh chưng lễ vật được chuyển từ TPHCM ra.

  

Hai chiếc bánh khổng lồ đã thu hút rất đông khách thập phương kéo đến xem. Người người chờ đợi, chen lấn, xô đẩy, xếp vòng trong vòng ngoài để tận mắt được ngắm 2 chiếc bánh từ xe lạnh chuyên dụng được đưa tới quảng trường trung tâm. Sau khi thắp hương, dâng các vua Hùng, khách thập phương có thể thưởng lộc bánh. Nhiều người đã “lên kế hoạch” phải mang bằng được miếng bánh lộc về bàn thờ nhà mình.

Tất cả hướng về lễ dâng hương  - 3

Bánh dày khổng lồ

 

Cuối ngày, những lễ hội dân gian bắt đầu rã đám. Chương trình bắn pháo hoa tầm thấp gây tắc nghẽn cả một chặng đường dài phía trước khách sạn sông Lô đã chính thức khép lại những ngày hội náo nức. Không khí vui chơi nhường chỗ cho không khí linh thiêng, thành kính chuẩn bị cho lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng diễn ra vào 7h sáng ngày 10 tháng 3 âm lịch (15/4). 

Ngay từ 10h đêm ngày 14/4, đội vệ sinh môi trường đã được huy động lên tới hơn một trăm người, cộng thêm đông đảo lực lượng sinh viên tình nguyện. Tất cả cặm cụi làm việc trong đêm. Rác lặng lẽ được thu gom chuyển xuống chân núi. Lệnh ban ra, 5h sáng các khu đền chính phải được dọn sạch sẽ, sẵn sàng cho lễ dâng hương.

Tất cả hướng về lễ dâng hương  - 4

Các cuộc thi bắt đầu không khí rã đám

Theo đúng kế hoạch, bắt đầu 5h30 phút sáng 15/4 các đoàn đại biểu dự lễ dâng hương đã phải có mặt tại trung tâm hội nghị tỉnh Phú Thọ. Đúng 5h45, BTC sắp xếp đội hình. 6h sáng, các đoàn đại biểu bắt đầu khởi hành theo đại lộ Hùng Vương lên đến sân lễ hội đền Hùng. 7h sáng ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, đoàn đại biểu dâng hương với sự tham dự của các đồng chính lãnh đạo Đảng và nhà nước sẽ khởi hành lên đền Thượng.

Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng đã có công dựng nước diễn ra trọng thể từ 7h30 đến 8h tại khu đền Thượng. Sau lễ dâng hương, đoàn đại biểu đi từ lăng Hùng Vương xuống bức phù điêu có “hình tượng Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong” ở ngã năm đền Giếng. Lễ dâng hương kết thúc vào 9h sáng. 

Bài và ảnh: Thảo Hương