1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đêm lán trọ dưới chân Nghĩa Lĩnh

(Dân trí) - Cuối giờ chiều lán trại dưới chân đền Hùng đã được căng bạt. Rất đông khách xa sợ nhà trọ “chặt chém” nên thuê chiếu ngủ lại trong rừng. Cô gái bán măng người bản xứ nói đùa như thật, sau lễ hội sẽ có nhiều em bé được sinh ra ở đây...!

5h30 chiều mùng 8 tháng 3 âm lịch, mưa mỗi lúc một nặng hạt, con đường quanh khu đền Hùng mỗi lúc thêm lầy lội. Những đoàn khách cuối cùng rục rịch rời các khu đền xuống chân núi Nghĩa Lĩnh. Rất đông khách thập phương muốn nghỉ lại qua đêm, hoặc để đợi đến ngày chính hội, hoặc chưa thể về vì đường xa, trời tối.

Khách có tiền, chơi sang thì thuê khách sạn trong thành phố, giá phòng 300 ngàn - 400 ngàn/1 đêm. Túi tiền vơi hơn, có nhà khách, nhà nghỉ giá trung bình 200-250 ngàn/1 đêm. Nếu ít tiền hơn nữa đã sẵn nhà nghỉ bình dân trên dưới 100 ngàn/ đêm. Nhưng cũng có khá đông khách thập phương chọn chân núi là địa điểm nghỉ đêm. Mỗi người có một lý do khác nhau, có người vì tài chính eo hẹp, có người thích sự tiện lợi, có người lại vì... yêu tự do! 

Đêm lán trọ dưới chân Nghĩa Lĩnh  - 1

Lều bạt giăng khắp rừng

 

Phóng viên theo chân những người khách xa tìm thuê chiếu và bạt. Một phụ nữ quá tứ tuần, miệng cười rộng, tay ôm chục chiếu đang bám vào từng gốc cây đi xuống mời khách. “Chiếu qua đêm 50 ngàn, bạt căng 20 ngàn, em muốn mang đi đâu ngủ thì mang. Vào rừng ngủ cũng được!”, lời mời chào không chút khách khí từ người phụ nữ miệng rộng tỏ ra đã “hành nghề” chuyên nghiệp. Mang chiếu và mảnh bạt có được, chúng tôi tiến vào sâu trong rừng... 

Lều bạt thưa hơn, cũng không còn mấy manh chiếu dùng chung cho những tốp khách đông người. Phần nhiều là những cặp đôi bên nhau, mỗi cặp “độc diễn” với khoảng không gian riêng là vuông chiếu. Không có những gánh hàng phục vụ tại chỗ như các chiếu nghỉ phía sát đường. Đôi lần, vài nhu cầu được xướng lên giữa rừng mưa, chú nhóc phục vụ mới lúp xúp chạy tới với đĩa xoài, lon bia, con mực...  

Đêm lán trọ dưới chân Nghĩa Lĩnh  - 2

Các gánh hàng phục vụ tại chỗ

 

Dưới một gốc cây to che mảnh vải mưa, đôi nam nữ ôm riết nhau. Góc khuất lấp hơn, ngay sau một nấm mồ nhỏ, sơn ốp sạch sẽ, tấm lưng đàn ông rộng che hẳn người bạn gái nửa nằm nửa ngồi, trượt xuống đến ngang bụng người yêu. Tình tứ mà lại lộ thiên hơn cả là một cặp đầu đinh, tóc vàng hoe và nâu đỏ xù mì. Cặp đôi “xì-tin” nằm duỗi dài, xoắn xuýt trong tư thế đầu ấp môi kề... Mấy bác lớn tuổi cặm cụi ăn uống lấy sức, không dám đưa mắt về phía mấy đôi trẻ đang ôm riết lấy nhau, như thể “không dám nhìn thẳng vào sự thật”.  Các đôi vẫn hồn nhiên ôm hôn nhau như giữa chốn không người. 

Đêm lán trọ dưới chân Nghĩa Lĩnh  - 3


Còn dăm mảnh chiếu, cậu nhóc phục vụ lượn một hồi quanh khoảnh rừng vắng. Số “tài sản” nhanh chóng tìm được khách mới, cậu nhóc hài lòng thấy rõ, quay lại khu lán lớn giữa rừng của gia đình. Nháy mắt cười tinh quái khi nhiều khách tỏ ý nghi ngờ sáng kiến qua đêm giữa rừng vì sợ muỗi, thằng bé tặc lưỡi: “Muỗi sợ hơi người”.

Đêm lán trọ dưới chân Nghĩa Lĩnh  - 4

Không gian “yêu” của các cặp đôi giữa khoảng rừng trống.

Trời đổ tối. Cánh rừng ẩm ướt, tranh tối tranh sáng. Mưa vẫn không ngừng rơi. Vài tiếng rao mời cơm hộp tiến dần vào khu “lãnh địa riêng” - dịch vụ cuối cùng kết lại một ngày ở mảnh rừng dưới chân núi tổ. Hai người phụ nữ bán cơm hộp quay trở ra, hơi phật ý vì vẫn thừa vài xuất. Khu rừng góp “thị phần tiêu thụ” được khoảng 3 chục hộp cơm.

Sức mua như vậy là đã giảm nhiều so với 2-3 năm trước, chị bán cơm cho biết. Lý do là các lán trại dịp lễ từ năm ngoái đã bị dẹp bỏ nhiều, đưa xuống khu quy hoạch cho hoạt động kinh doanh dịch vụ dọc bên đường dẫn tới bãi đỗ xe cạnh đồi thông.

Càng về khuya, dịch vụ ăn đêm càng sôi nổi. Nhiều đôi “hạ cánh” xuống núi, ăn thêm quả trứng, cái bánh rồi lại quay về lán. Khi chúng tôi trở về, khu rừng đã chìm vào bóng tối với những bí mật riêng... Để sáng mai ra, cô gái bán măng người bản địa lại nói thật như đùa “Xong lễ hội, lại có mấy em bé được sinh ra...!”. 

Bài và ảnh: Hiền Hương - Phương Thảo