1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tập trung giải quyết vụ 4 nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ

(Dân trí) - Bộ Tư pháp cho biết một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan này từ nay tới cuối năm là thực hiện nhiệm vụ đại diện cho Chính phủ Việt Nam trong giải quyết các vụ tranh chấp quốc tế.

Tháng 5 vừa qua Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thắng một vụ kiện quốc tế (Ảnh minh họa).
Tháng 5 vừa qua Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thắng một vụ kiện quốc tế (Ảnh minh họa).

Thông tin từ Bộ Tư pháp cho biết một trong những nhiệm vụ quan trọng từ nay đến hết năm 2015 của cơ quan này là tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đầu mối, đại diện cho Chính phủ trong giải quyết tranh chấp quốc tế, nhất là tranh chấp về đầu tư quốc tế. Cụ thể là việc 4 nhà đầu tư nước ngoài gồm Recofi, TVB, Sài Gòn Metropolitant, Sezako đang kiện Chính phủ Việt Nam tại Hội đồng Trọng tài Quốc tế.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ còn lại của Đề án 680 (đề án tổng thể giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài) để tổng kết thực hiện đề án này vào tháng 11/2015.

Trước đó, Bộ Tư pháp cũng thực hiện nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ Việt Nam tham gia 2 vụ kiện quốc tế và đều giành thắng lợi. Đó là thắng lợi năm 2013 trong vụ ông Michael McKenzie (công dân Hoa Kỳ) khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra Trọng tài quốc tế về dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng South Fork tại tỉnh Bình Thuận với lý do Chính phủ Việt Nam, mà trực tiếp là UBND tỉnh Bình Thuận, đã vi phạm quy định của Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ được ký ngày 13/7/2000. Đến cuối năm 2014, Hội đồng Trọng tài thường trực tại La Hay (Hà Lan) tiếp tục ban hành phán quyết vụ nhà đầu tư Pháp (DialAsie) kiện Chính phủ Việt Nam trong dự án Bệnh viện quốc tế thận và lọc thận tại TPHCM mà theo đó tất cả các khiếu kiện của nguyên đơn DialAsie đối với Chính phủ Việt Nam hoàn toàn bị bác bỏ. Chính phủ ViệtNamkhông phải bồi thường cho nguyên đơn DialAsie bất kỳ một khoản chi phí nào theo yêu cầu đòi bồi thường mà nguyên đơn đã nêu trong đơn khởi kiện. Mọi hành động của Sài Gòn Co.op hoàn toàn tuân theo pháp luật Việt Nam và không thể quy các hoạt động của Sài Gòn Co.op là hành động của Chính phủ Việt Nam.

Hồi tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cũng đã phát đi thông báo cho biết Hội đồng Trọng tài Quốc tế đã đứng về phía Petrovietnam trong vụ tranh chấp về ưu đãi thuế theo Hợp đồng phân chia sản phẩm.

Trong cuộc họp báo diễn ra tại Bộ Tư pháp cuối năm 2014, bà Vũ Thị Hường - đại diện Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) cho rằng những rủi ro, tranh chấp quốc tế ngày càng nhiều khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 04/2014 về các biện pháp khi giải quyết các tranh chấp quốc tế; trong đó xác định rõ vị trí, vai trò của các bộ ngành và Bộ Tư pháp được giao đại diện và chủ trì giải quyết các vụ tranh chấp quốc tế; giúp các bộ ngành địa phương tham gia các vụ tranh chấp quốc tế một chủ động hơn và giảm thiểu các vụ tranh chấp quốc tế. Thủ tướng cũng chỉ đạo phải xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, ngay khi có kiến nghị của nhà đầu tư thì phải thông báo cho các cơ quan, bộ ngành để giải quyết sớm, tránh tình trạng phát sinh tranh chấp.

Giải thích về việc tại sao các nhà đầu tư nước ngoài lại khởi kiện Chính phủ trong khi việc phê duyệt và trách nhiệm giải quyết thuộc thẩm quyền của địa phương hoặc bộ ngành nào đó, bà Vũ Thị Hường cho biết, khi khởi kiện nhà đầu tư quốc tế ghi rõ “địa chỉ” là Chính phủ. “Họ quan niệm việc đó do Chính phủ quản lý, điều hành không tốt và những cơ quan như Sài Gòn Co.op là cơ quan nhà nước, đại diện nhà nước quản lý những lĩnh vực đó”- bà Hường cho biết.

Thế Kha
(thekha@dantri.com.vn)