1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Tập trung được 335 đối tượng xin ăn vào Trung tâm xã hội

(Dân trí) - Các đối tượng xin ăn tập trung khắp các quận – huyện nội, ngoại thành, với nhiều hình thức biến tướng như bán vé số, bán tăm bông,…; di chuyển liên tục để né tránh là những khó khăn đối với lực lượng chức năng trong việc tập trung các đối tượng này…

Trao đối với Dân trí, ông Lê Chu Giang – Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP cho biết, tính đến ngày 12/2, đã có 335 đối tượng được tập trung vào Trung tâm xã hội. Cụ thể, có 296 đối tượng tập trung vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội, 39 đối tượng được đưa vào Trung tâm điều dưỡng tâm thần.

Tập trung được 335 đối tượng xin ăn vào Trung tâm xã hội
Người phụ nữ ẵm theo con nhỏ đi xin ăn tại khu vực đường Trần Hưng Đạo -  Nguyễn Văn Cừ (quận 5)

Ông Giang cho biết, sau khi tập trung vào trung tâm, các đối tượng lang thang xin ăn này sẽ được kiểm tra y tế và lấy thông tin. Trên cơ sở đó, phía Trung tâm hỗ trợ xã hội sẽ trực tiếp đi xác minh địa chỉ hoặc nếu ở địa phương thì sẽ xác minh qua đường văn bản.

Nếu xác minh địa chỉ đúng thì phía Trung tâm sẽ cho người đó về. Hiện nay cũng có một số trường hợp được cho về. Còn đối với người tâm thần, nếu có người nhà lên mang theo đầy đủ giấy tờ chứng minh thì sẽ cho về luôn. Vì đối với đối tượng này thì được chăm sóc ở gia đình là tốt nhất.

Theo quy định, các đối tượng này sẽ ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội giới hạn 30 ngày. Các đối tượng chưa xác minh được hay giấy xác minh từ địa phương chưa có thì sẽ chuyển về các trung tâm nuôi dưỡng chăm sóc đối tượng phù hợp. Và ở đây sẽ tiếp tục động tác xác minh, nếu có kết quả từ Trung tâm Hỗ trợ xã hội thì sẽ chuyển về các trung tâm khác để có thông tin, có cơ sở căn cứ vào đó mà cho các đối tượng về.

Trong thời gian ở các trung tâm thì các đối tượng được chăm sóc đầy đủ. Nếu có các điều kiện học văn hóa, học nghề, lao động ở trung tâm thì họ sẽ tham gia. Đảm bảo các hoạt động văn hóa tinh thần.

Đối tượng đi xin ăn kèm trẻ em, nếu xác minh có thì cho người ta về. Nếu đưa vô trung tâm xã hội mà chưa cung cấp thông tin đầy đủ, chưa xác minh được thì sẽ chuyển về trung tâm bảo trợ xã hội Chánh Hòa (Bình Dương), nơi chuyên tiếp nhận đối tượng trẻ em đi kèm với gia đình.

“Đối tượng cung cấp thông tin của các bé để xử lý theo quy trình. Còn khi nào có dấu hiệu của chăn dắt trẻ em ăn xin thì phải nhờ cơ quan có thẩm quyền xử lý. Từ ngày ra quân tập trung các đối tượng xin ăn đến nay thì chưa có trường hợp hội đủ yếu tố để xác định là chăn dắt”, ông  Giang cho biết.

Về việc người dân cung cấp thông tin qua đường dây nóng, ông Giang cho biết, phía Trung tâm Hỗ trợ xã hội nhận được vài trăm lượt. Trong khi đó, đường dây nóng tại Sở LĐ – TB & XH cũng nhận được khoảng 50 cuộc gọi mỗi ngày, sau đó thì có giảm dần. Thông tin sẽ được chuyển ngay về địa phương để lực lượng  chức năng xử lý nhanh.

Theo ông Giang, công tác tập trung cũng đạt được, phần nào đáp ứng được mong muốn của ngành. Tuy nhiên, lực lượng chức năng cũng gặp không ít khó khăn. Bởi, đối tượng phân bổ khắp các quận – huyện nội, ngoại thành, tập trung ở các khu công nghiệp, khu chế xuất,…

Ngoài ra, đối tượng xin ăn bây giờ có nhiều hình thức biến tướng như đi bán vé số, bán tăm bông,… Người xin ăn biết chủ trương của thành phố nên di chuyển liên tục. Nhiều khi nhận được thông tin, khi lực lượng tới nơi thì đối tượng đã đi nơi khác.

“Chúng tôi mới tổ chức họp với 24 quận, huyện để trao đổi và đẩy mạnh thực hiện chủ trương của thành phố trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đường dây nóng sẽ tiếp nhận và xử lý nhanh thông tin từ người dân. Mỗi địa phương đều có tổ công tác để theo dõi, tập trung vào các địa bàn người dân thường hay thông tin”, ông Giang cho biết.

Trước đó, trong công văn gửi UBND 24 quận, huyện ngày 10/2, UBND TP nêu rõ, trong 20 ngày từ 9/1 đến 29/1/2015, các quận, huyện đã tập trung được 115 người xin ăn, sinh sống nơi công cộng chuyển đến Trung tâm Hỗ trợ xã hội thuộc Sở LĐ – TB&XH để xử lý, được nhân dân thành phố đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, tình hình người xin ăn trên địa bàn thành phố có dấu hiệu tăng, phân bổ khắp các địa phương, kể cả ngoại thành, tập trung nhiều nhất tại các giao lộ đường Ba Tháng Hai – Lê Đại Hành, Ba Tháng Hai – Lý Thường Kiệt, cầu Nguyễn Tri Phương, khu vực vòng xoay Tân Sơn Nhất, Ngã sáu Gò Vấp, Hàng Xanh, Cát Lái; các khu công nghiệp, khu chế xuất: Tân Bình, Linh Trung, Tân Thuận, PouYuen,… trong khi việc giải quyết của các quận, huyện vẫn còn chậm, số lượng tập trung chưa nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu của lãnh đạo thành phố và mong đợi của người dân.

UBND TP yêu cầu các địa phương thực hiện kiên quyết hơn nữa việc quản lý người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn thành phố từ nay đến Tết Ất Mùi và những ngày Lễ trọng đại trong năm 2015.

Quốc Anh