Quảng Binh:

Tấp nập vớt cá chết bán cho thương lái với "giá cao"

(Dân trí) - Trong khi phía cơ quan chức năng chỉ đạo thu gom và tiêu hủy triệt để cá chết thì thực tế những ngày qua, người dân sống ven biển Quảng Bình vẫn đổ xô đi gom cá chết, cá nhiễm độc nằm lờ đờ dọc bãi biển về bán cho thương lái.

Gom cá chết, bắt cá “ngắc ngoải” về bán

Ngày 26/4, chúng tôi có mặt tại bãi tắm Đá Nhảy, xã Thanh Trạch và hãi hùng chứng kiến cảnh người dân giăng lưới, bắt cá lờ đờ, nghi nhiễm độc về bán cho thương lái.

Bà N. (một người dân thôn Đá Nhảy) cho biết: “Mấy tuần ni cá chết la liệt, cuộc sống dân đi biển rất lao đao vì cá không biết bán cho ai. Hôm qua nghe tin có thương lái mua cá chết, cá lờ đờ nên tui cùng chồng tranh thủ ra bãi biển giăng lưới bắt cá gần bờ về bán kiểm ít đồng đong gạo”.

Cách đó không xa, khu vực biển Lý Hòa và Nhân Thọ, xã Hải Trạch cũng có nhiều chiếc thuyền thúng, thuyền nhỏ của ngư dân vẫn ra thả lưới để vớt các loại cá lờ đờ, ngắc ngoải. “Họ thả lưới vớt cá chết nhiều hơn là cá sống, nếu cá mà còn sống thì cũng ngắc ngư rồi. Nhiều người chỉ một buổi sáng đã gom được vài yến cá chết, cá nhiễm độc”, anh L., một người dân ở xã Hải Trạch nói.

Dẫu biết rằng ăn cá này vào sẽ rất nguy hiểm, tuy nhiên vì đồng tiền và cái lợi trước mắt cho bản thân, rất nhiều người dân vẫn bất chấp đi gom cá chết, cá ngắc ngoải về bán cho thương lái
Dẫu biết rằng ăn cá này vào sẽ rất nguy hiểm, tuy nhiên vì đồng tiền và cái lợi trước mắt cho bản thân, rất nhiều người dân vẫn bất chấp đi gom cá chết, cá ngắc ngoải về bán cho thương lái

Đang cặm cụi gỡ số cá vừa mắc lưới, một ngư dân nói với giọng tỉnh bơ: “Biết rằng nếu ăn cá ni thì sẽ rất nguy hiểm, tuy nhiên thương lái mua với giá khá cao nên chúng tôi cũng tranh thủ ra bắt về bán kiểm ít tiền chứ ở nhà cũng chẳng biết mần (làm) chi cả”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong khoảng 2 ngày, từ 25 đến 26/4, xe đông lạnh từ khắp nơi đổ xô về khu vực ven biển các xã Thanh Trạch và Hải Trạch thuộc huyện Bố Trạch để thu mua hàng tấn cá chết, cá trong tình trạng ngắc ngoải của người dân vừa thu gom.

Thương lái chọn “giờ vàng” để qua mặt lực lượng chức năng!

Để qua mặt được các lực lượng chức năng, nhiều thương lái đã chọn những khung “giờ vàng” như vào tờ mờ sáng hoặc chiều tối để thu mua cá chết, cá nhiễm độc.

Người dân cho biết, các thương lái đa phần là doanh nghiệp chế biến nhỏ ở địa phương. “Nghe nói họ thu mua cá này về rồi thuê nhân công làm vảy, ướp lạnh sau đó mang đi nhập ở các tỉnh không xuất hiện cá chết để tiêu thụ", một số ngư dân tiết lộ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lào, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch xác nhận, trong mấy ngày qua trên địa bàn xã có một số xe đông lạnh trực tiếp đến bãi biển khu vực Đá Nhảy để thu mua cá của người dân. “Họ còn thu mua cá của cả những ngư dân đi thuyền thúng ra gần bờ bắt, vớt các loại cá lờ đờ và những loại cá đã chết dạt vào bờ”, ông Lào cho biết thêm.

Số cá này được thương lái thu mua về rồi thuê nhân công làm vảy, ướp lạnh sau đó mang đi nhập ở các tỉnh không xuất hiện cá chết để tiêu thụ?
Số cá này được thương lái thu mua về rồi thuê nhân công làm vảy, ướp lạnh sau đó mang đi nhập ở các tỉnh không xuất hiện cá chết để tiêu thụ?

Còn lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Quảng Bình cho biết, đơn vị này cũng đã nắm được thông tin trên. “Khi nhận được thông tin, chúng tôi đã có công điện khẩn về các đội QLTT trên địa bàn, đồng thời yêu cầu phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng đi kiểm tra và xác minh thông tin vụ việc. Nếu phát hiện trường hợp thương lái thu mua cá chết, cá lờ đờ của người dân chúng tôi sẽ xử lý thật nghiêm".

Liên quan đến vụ việc, chiều ngày 26/4, UBND tỉnh Quảng Bình đã khẩn cấp chỉ đạo nghiêm cấm triệt để tình trạng người dân nhặt cá chết trôi dạt vào bờ, cũng như ngư dân vớt cá trôi nổi trên biển để đem bán, kể cả việc người dân thu gom cá chết về để làm thức ăn cho vật nuôi.

UBND tỉnh Quảng Bình đã khẩn cấp chỉ đạo nghiêm cấm triệt để tình trạng người dân nhặt cá chết trôi dạt vào bờ, cũng như ngư dân vớt cá trôi nổi trên biển để đem bán...
UBND tỉnh Quảng Bình đã khẩn cấp chỉ đạo nghiêm cấm triệt để tình trạng người dân nhặt cá chết trôi dạt vào bờ, cũng như ngư dân vớt cá trôi nổi trên biển để đem bán...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh này cũng giao nhiệm vụ cho Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, Sở Y tế và UBND các địa phương có biển là Quảng Trạch, Ba Đồn, Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Ninh và Lệ Thủy ngoài việc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động chế biến thực phẩm, mua bán, vận chuyển hải sản trong thời gian này, phải tổ chức thu dọn và xử lý cá chết tránh làm ô nhiễm môi trường.

Bắt xe đông lạnh thu mua cá chết, cá lờ đờ

Cuối giờ chiều ngày 26/4, ông Trần Đình Du, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Quảng Bình cho biết, đơn vị này vừa cùng lực lượng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Quảng Bình) phát hiện một xe đông lạnh của thương lái đang thu mua cá của ngư dân vớt được ven biển thuộc xã Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.

Theo ông Du, vào chiều cùng ngày, trong lúc hai lực lượng nói trên đang phối hợp về các địa bàn vùng ven biển thuộc các huyện phía Bắc Quảng Bình để tìm hiểu việc thương lái thu mua cá chết dạt vào bờ thì phát hiện chiếc xe đông lạnh nói trên.

Thời điểm bị phát hiện, xe này mới chỉ mua được một ít cá được ngư dân vớt từ ven bờ lên bán. Lực lượng Cảnh sát Môi trường đã ngay lập tức yêu cầu chủ xe này tiêu hủy toàn bộ số cá vừa mua được và yêu cầu không tiếp tục mua cá vớt từ ven bờ biển lên để đề phòng những nguy cơ nhiễm độc cho người sử dụng.

Được biết, chiếc xe đông lạnh này ở Hà Tĩnh. Chủ xe cho biết, không mua cá đã chết mà chỉ mua cá sống và cá đang “lờ đờ”, số cá này sau đó sẽ được đem đi bán lại.

Đặng Tài – Tiến Thành