TPHCM:

Tập huấn công tác phòng chống rửa tiền cho 100 nhà báo

(Dân trí) - Ngày 1/6, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn báo chí công tác phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố cho gần 100 nhà báo tại TPHCM.

Tập huấn công tác phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố
Tập huấn phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố tại TPHCM

Tại buổi tập huấn, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, đánh giá cao công tác phản ánh và đả kích tiêu cực của báo chí, nhiều hành vi sai trái của các cá nhân, tổ chức bị báo chí phanh phui. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi nhiều sai sót trong quá trình tác nghiệp do nghiệp vụ kém hoặc thiếu các kiến thức cần thiết.

Riêng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, vai trò của báo chí là rất quan trọng, chỉ một thông tin sai sót nhỏ của báo chí có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. Cục trưởng Hoàng Hữu Lượng ví hệ thống ngân hàng như các quân bài domino, khi có thông tin bất lợi cho 1 ngân hàng, khiến hoạt động của ngân hàng đó tê liệt sẽ ảnh hưởng nặng đến các ngân hàng liên quan, có thể là cả hệ thống tài chính quốc gia.

Do đó, ông đề nghị các nhà báo lĩnh vực kinh tế - tài chính phải nắm chắc kiến thức về các thông tin mình được đưa và không được đưa, đánh giá hậu quả của thông tin mình chuẩn bị đăng tải, tránh gây tác động xấu đến lợi ích và hình ảnh quốc gia.

Cũng tại hội nghị này, các chuyên gia của Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) và ngân hàng Vietcombank đã có những tham luận cung cấp cho các nhà báo thông tin hữu ích về hoạt động rửa tiền và tác hại của nó đến nền kinh tế quốc gia, chuẩn mực quốc tế về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, công tác phòng chống rửa tiền của các ngân hàng thương mại, thực trạng công tác rửa tiền tại Việt Nam…

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục Phòng chống rửa tiền thì ngay từ năm 2005 nước ta đã có nghị định phòng chống rửa tiền nhưng mãi đến cuối năm 2011 mới có thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện, đến tháng 2/2012 thông tư này mới có hiệu lực. Do đó, chính xác là kể từ tháng 2/2012 chúng ta mới có cơ sở pháp luật để xử lý các hành vi rửa tiền và đến nay đã xử được 2 vụ việc.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Ngọc, tội phạm rửa tiền thường nhắm vào các lĩnh vực như sòng bạc, bất động sản, chứng khoán… để đưa số tiền phạm tội mà có vào hệ thống tài chính, biến số tiền phi pháp thành tiền có lai lịch minh bạch. Để ngăn chặn quá trình này thì vai trò của các ngân hàng vô cùng quan trọng, dựa vào các giao dịch tài chính được ghi chép và lưu trữ để phát hiện hành vi mờ ám, có dấu hiệu rửa tiền và ngăn chặn.

Hiện nước ta vẫn bị đánh giá là một nước có biện pháp kiểm soát tiền tệ yếu kém, là mảnh đất màu mỡ cho giới tội phạm quốc tế rửa tiền. Nếu không gấp rút hoàn thiện cơ chế pháp luật để ngăn chặn hoạt động này thì sẽ dẫn đến đánh giá thấp của thế giới, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam cũng như hoạt động kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Chưa kể đến, dòng tiền do phạm tội mà có từ các tổ chức tội phạm quốc tế đưa vào nước ta có thể tạo ra các giao dịch không vì lý do kinh tế, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế chân chính, hoặc gây hại cho một ngành kinh tế nào đó…

Theo Cục trưởng Hoàng Hữu Lượng, đây là một vấn đề còn rất mới và nhạy cảm ở nước ta. Do đó, các nhà báo phải cố gắng hỗ trợ tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hơn, góp phần giúp nhà nước phòng chống, ngăn ngừa hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố… Để làm được điều đó, trước hết nhà báo phải tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để tự tin viết và viết đúng.

Tùng Nguyên