1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Táo về trời mang theo nhiều “quà cáp”

(Dân trí) - Sáng nay 16/1, nhằm ngày 23 tháng Chạp âm lịch, từ rất sớm, trong tiết trời lạnh và sương mù, người dân Huế đã đi đưa ông Táo, ông Công ra các ngã 3, ngã 4 đường cùng nhiều gói quà đi kèm để các ông lên báo cáo Ngọc Hoàng.

Giấy tiền vàng bạc để “lót đường” cho Táo được gói ghém theo hành trang lên chầu trời xuất hiện nhiều cùng thức ăn, đồ trang điểm quen thuộc như cau trầu, gương lược, nước hoa... Một số người còn đưa cả hoa thật như cúc vàng hoặc thêm cho ông Táo 1 cành mai Huế.

Táo về trời mang theo nhiều “quà cáp” - 1
Đưa Táo về trời tại ngã 4 Nguyễn Chí Diểu - Ngô Đức Kế (TP Huế)

Cũng không thiếu cả trứng gà cho ông ăn sáng lót bụng đi đường đỡ đói. Thậm chí một vài nồi đất được đập vỡ cùng với cơm, thức ăn để cho 3 ông bà Táo được bữa thịnh soạn với ý nghĩa nhắn nhủ ông Táo năm sau cho bếp nhà được sung túc hơn - đi đôi với tiền bạc, tài lộc vào nhiều hơn.

Một số hình ảnh ghi nhận cảnh đưa ông Táo về trời ở TP Huế sáng nay:

Táo về trời mang theo nhiều “quà cáp” - 2

Thắp hương khấn vái cho ông lên trời bình an

Táo về trời mang theo nhiều “quà cáp” - 3

Tiền bạc cho ông nhiều hơn năm ngoái vì muốn cầu tài lộc hơn nữa
Táo về trời mang theo nhiều “quà cáp” - 4

Có thêm mai vàng

Táo về trời mang theo nhiều “quà cáp” - 5

Cúc vàng thật

Táo về trời mang theo nhiều “quà cáp” - 6

Trứng gà luộc đi đường đỡ đói
Táo về trời mang theo nhiều “quà cáp” - 7

Những nồi, niêu đất cùng cơm gói

Táo về trời mang theo nhiều “quà cáp” - 8

Trà cho ông uống, nước hoa xức cho thơm trước khi vào gặp Ngọc Hoàng tâu bẩm
Táo về trời mang theo nhiều “quà cáp” - 9

Không thiếu gương, lược cho bà Táo

Táo về trời mang theo nhiều “quà cáp” - 10

Cau trầu.

Táo về trời mang theo nhiều “quà cáp” - 11

Một túi quà to "lót đường" cho ông Công, ông Táo năm cũ
Táo về trời mang theo nhiều “quà cáp” - 12

Tại các ngã tư đường đầy Táo từ sáng sớm. Người dân phải đưa sớm vì sợ các ông... kẹt xe

Táo về trời mang theo nhiều “quà cáp” - 13

Sau 1 tuần hương tàn, Táo sẽ bay về trời

Táo về trời mang theo nhiều “quà cáp” - 14
Một em nhỏ đứng tò mò trước vô số tượng Táo bỗng xuất hiện sau 1 đêm tại 1 bờ tường ven đường.
 
Từ sáng sớm, tại các khu chợ, vỉa hè lớn nhỏ trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đã nấp nập người qua với những gánh hàng phục vụ cho ngày lễ cúng ông Công ông Táo. Đang hối hả chọn cá chép vàng cho khách, chị Thơm nói: “Tôi đến đây từ lúc 5h sáng để bán ít cá chép. Một túi 3 - 5 con bán từ 15 - 20 ngàn đồng”. 
Táo về trời mang theo nhiều “quà cáp” - 15
Món đồ mã không thể thiếu trong ngày chúng ông Táo về trời
 
Dạo một vòng qua các khu phố, khu chợ, người mua người bán chen chân nhau tấp nập, ai cũng muốn mua cho mình một món đồ cúng thật ưng ý. Chị Trịnh Thị Duyên, một người đi chợ chia sẻ: “Hôm nay tôi phải đi chợ sớm hơn mọi ngày để chọn được bó hoa tươi, con gà đẹp và túi cá chép ưng ý thả cho các Táo đi chầu trời. Ngày này cũng là dịp để gia đình tôi tụ họp đông đủ và cho các con hiểu thêm về phong tục truyền thống có từ xưa của người Việt Nam khi tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên”.  

Phong tục ngày lễ ông Công ông Táo từ xưa đến nay đã có nhiều thay đổi. Ngoài ra mỗi địa phương lại có một tập tục khác nhau. Tại thành phố Thanh Hóa, một số gia đình lấy đồ vật chính cúng các Táo là xôi chè, có gia đình làm chè hạt kê, chè đậu… nhưng có những nơi lại làm món chè mật. 

Táo về trời mang theo nhiều “quà cáp” - 16

Táo về trời mang theo nhiều “quà cáp” - 17
Cá chép
 
Chị Trần Thị Huân, ở xã Yên Giang, huyện Yên Định nói: “Chỗ tôi năm nào đến ngày này cũng có món cháo mật cúng tổ tiên”. 
 
Đối với những người theo Công giáo, ngày này thường chỉ có nén hương thơm dâng lên ông bà, tổ tiên cầu sự che chở.
  
Tùy vào văn hóa vùng miền, phong tục tập quán mà mỗi nơi có cách tổ chức ngày Táo Quân khác nhau, nhưng trong tâm niệm mỗi người Việt Nam, ngày Táo Quân như một ngày để con cháu tưởng nhớ, biết ơn đến ông bà tổ tiên và mong ông bà tổ tiên luôn phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh và thành đạt.  
 
Táo về trời mang theo nhiều “quà cáp” - 18
Món chè đậu, chè kê thêm sắc vị ngày Táo Quân. 

 

 Tục cúng ông Táo

Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người Việt có tục tiễn ông Táo về trời.
 
Theo quan niệm của người Việt, ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Bàn thờ thường đặt gần bếp, trên có bài vị thờ viết bằng chữ Hán. Lễ cúng có cá chép vì người Việt cho rằng, ông Táo cưỡi cá chép lên trời.
 
Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo do kết quả của thuyết tam vị nhất thể (thuyết Ba ngôi) khá phổ biến trong các tín ngưỡng, tôn giáo. Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất.
Táo về trời mang theo nhiều “quà cáp” - 19
ông Táo cưỡi cá chép lên chầu trời

Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, do đó có những sự khác nhau về tình tiết, nội dung chính được tóm tắt như sau:

Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.

Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.

Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.

Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một việc: Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân. Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần. Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.

Vị Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của mọi người, cho nên để Vua Bếp “phù trợ” cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trọng thể.

Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống.

Lễ cúng Táo Quân ngày 23 tháng Chạp được coi là mang tính cách chuyển giao năm cũ, đón chào năm mới. Người ta chuẩn bị chu đáo cho chiều 30 là thời điểm đón ông Công ông Táo trở về trần gian làm nhiệm vụ năm mới.

Người ta thường mua hai mũ Ông Táo có hai cánh chuồn và một mũ dành cho Táo Bà không có cánh chuồn, ba cái áo bằng giấy cùng một con cá chép (còn sống hoặc bằng giấy, hoặc cũng có thể dùng loại vàng mã gọi là “cò bay ngựa chạy”) để làm phương tiện cho “Vua Bếp” lên chầu trời.

Lễ vật để cúng ông Táo còn có mâm cỗ mặn, bánh kẹo, trầu cau, rượu. Hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi. Ba bộ mũ áo, hia hài Táo Quân cùng tiền vàng.

Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để thả cá chở ông Táo lên chầu Trời.

Hình ảnh Táo Quân - vua bếp cũng trở nên gần gũi với cuộc sống hiện đại hơn với quan niệm gia đình nào được Táo Quân phù hộ nhiều thì hạnh phúc, yên ổn, thành đạt, bếp đỏ lửa mỗi ngày. Những gia đình không có điều kiện đỏ lửa mỗi ngày để ông vua bếp làm nhiệm vụ thì ngầm hiểu là Táo Quân chưa hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn tổ ẩm gia đình một cách trọn vẹn.

Khánh Hồng (sưu tầm)

 

Đại Dương - Lan Anh