1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đà Lạt:

Tảo lam tái xuất hiện trên hồ Xuân Hương

Những ngày gần đây, người dân Đà Lạt tỏ ra khá bất ngờ khi tảo lam xuất hiện trở lại trên hồ Xuân Hương khi hồ này mới được nạo vét và tích nước trở lại. Vào mỗi buổi trưa, từng mảng tảo lam lại nổi lên mặt hồ và bốc mùi tanh rất khó chịu.

Tảo lam tái xuất hiện trên hồ Xuân Hương - 1


Tảo lam tái xuất hiện trên hồ Xuân Hương - 2

Tảo lam lại xuất hiện dù hồ Xuân Hương mới được nạo vét

 

PGS. TS Lê Xuân Thám - Phó Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng - cho biết, tảo lam bắt đầu xuất hiện tại hồ Xuân Hương Đà Lạt từ năm 2005 và bị nặng nhất vào năm 2008.

 

Từ khi tảo lam xuất hiện, các ngành chức năng của tỉnh Lâm Đồng đã phải nhiều lần họp bàn, tìm các biện pháp để ngăn chặn tình trạng này nhằm trả lại nguồn nước tự nhiên của hồ. Rất nhiều phương án đã được đưa ra, trong đó có phương án nạo vét hồ Xuân Hương.

 

“Trước khi tiến hành nạo vét, nhiều người khẳng định đây sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để loại trừ tận gốc loại tảo này. Tuy nhiên, đến nay biện pháp này đã không toàn diện và triệt để loại trừ tảo lam như nhiều người vẫn tưởng” - PGS. TS  Lê Xuân Thám nhấn mạnh.

 

Sở KH&CN Lâm Đồng lý giải, nguyên nhân dẫn đến việc tảo lam phát triển trở lại là do trong thời gian tháo cạn nước hồ để nạo vét, các phần tử tảo vẫn nằm trong hồ, khi có điều kiện thì bùng phát trở lại và phát triển rất nhanh.

 

Tiếp sức cho loại tảo này phát triển chính là sự mất cân bằng sinh thái trong hồ. Cụ thể, nước hồ Xuân Hương có hàm lượng dinh dưỡng lớn (còn gọi là phù dưỡng), khi gặp loại nước này thì tảo lam bùng phát rất nhanh gây tác động cục bộ cực mạnh có thể làm cho các sinh vật khác dưới nước bị chết.

 

Tảo lam tái xuất hiện trên hồ Xuân Hương - 3
Vào mỗi buổi trưa, từng mảng tảo lam lại nổi lên mặt hồ và bốc mùi tanh rất khó chịu.

 

Nguyên nhân phù dưỡng của nước và tảo lam xuất hiện theo Sở KH&CN Lâm Đồng chính là sự ô nhiễm nguồn nước. Sở này cho hay, hiện nhiều mương thoát nước của thành phố vẫn thải trực tiếp xuống hồ.

 

“Mỗi năm, riêng sân Golf Đà Lạt dùng trên 40 tấn phân bón. Như vậy theo tôi ít nhất có khoảng 30% số phân này không tiêu hết sẽ chảy ra hồ Xuân Hương khiến hồ ô nhiễm là điều đương nhiên” - PGS. TS Lê Xuân Thám nhận định.

 

Theo Sở KH&CN Lâm Đồng, hiện vẫn chưa có biện pháp nào để hữu hiệu để diệt trừ tảo lam.

 

Theo Th. Thảo

 Người lao động