Tạo đột phá từ đẩy mạnh cải cách hành chính
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động, tích cực vào cuộc trong cải cách về thủ tục hành chính nhất là những lĩnh vực mà người dân đang phàn nàn, kêu ca nhiều...
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết, qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2001-2010 đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Các cấp, các ngành đã nhận thức được rõ yêu cầu của CCHC nhà nước; thấy rõ CCHC là một quá trình khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ, liên tục và cả hệ thống chính trị quyết tâm thực hiện.
Thực hiện Đề án 30, giai đoạn I, cả nước đã thống kê được trên 5.700 thủ tục hành chính (TTHC); trên 9.000 văn bản quy định và trên 100.000 biểu mẫu thống kê TTHC. Giai đoạn II, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc tự rà soát theo tiến độ và đạt chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% TTHC.
Đến nay, đã có trên 5.500 TTHC được rà soát; trong đó có 453 TTHC được kiến nghị bãi bỏ, hủy bỏ; 3.749 TTHC được kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp; 288 TTHC được thay thế.
Về thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, cho đến nay đã có 96,7% cấp xã, 98,5% cấp huyện và 88,3% các sở, ban, ngành cấp tỉnh triển khai cơ chế này.
Kết quả CCHC nhà nước trên tất cả các nội dung cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính… góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong thời gian qua.
Tuy nhiên, công tác CCHC 10 năm qua cũng tồn tại một số hạn chế, yếu kém như, tốc độ CCHC còn chậm, kết quả còn chưa đạt được so với mục tiêu chung đặt ra là đến năm 2010 xây dựng được một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại; hệ thống thể chế còn thiếu đồng bộ, thống nhất, vẫn còn chồng chéo, nhiều về số lượng nhưng hạn chế về chất lượng; CCHC công thực hiện mới chỉ là bước đầu…
Theo Bộ trưởng Trần Văn Tuấn, trọng tâm của chương trình CCHC trong cả giai đoạn 10 năm tới (2011-2020) là: Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có yếu tố hết sức quan trọng là cải cách chế độ, chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức làm việc; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.
Tại Hội nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bến Tre… đã báo cáo về những kết quả triển khai công tác CCHC tại địa phương thời gian qua, khẳng định những đóng góp tích cực từ CCHC đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương.
Nhiều ý kiến của các địa phương đề xuất nhà nước tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt chính sách cải cách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự cho cán bộ, công chức làm việc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC; tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả mô hình một cửa, một cửa liên thông hiện đại ở tất cả các cấp; xây dựng chế tài xử lý nghiêm tệ cửa quyền, quan liêu, tham nhũng…
Các địa phương đều khẳng định quyết tâm cao trong việc tiếp tục chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả công tác CCHC nhằm tiếp tục tạo dấu ấn mãnh mẽ, sự chuyển biến rõ nét hơn trong công tác CCHC thời gian tới…
Một số bài học kinh nghiệm
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001 – 2010, 7 bài học kinh nghiệm đã được rút ra.
Thứ nhất, nhận thức của các cấp, các ngành về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của CCHC đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước có ý nghĩa quyết định chi phối tới hành động cụ thể, trực tiếp trong CCHC.
Thứ hai, bảo đảm sự nhất quán, kiên trì, liên tục trong triển khai CCHC. Thứ ba, công tác chỉ đạo triển khai thống nhất, đồng bộ từ Chính phủ tới chính quyền địa phương các cấp đóng vai trò quyết định đến sự thành công của cải cách.
Thứ tư, nâng cao vai trò của cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác điều phối chung, tổng hợp, đôn đốc và theo dõi việc thực hiện các nội dung, các đề án, dự án của Chương trình cải cách thủ tục hành chính. Thứ năm, coi trọng công tác thí điểm, làm thử trong triển khai CCHC.
Thứ sáu, xác định các mục tiêu mang tính định lượng với mức độ phù hợp, thiết thực. Cuối cùng, điều kiện quan trọng bảo đảm sự thành công của CCHC là quyết tâm chính trị và trách nhiệm của người đứng đầu.
Cần nhận thức thức rõ CCHC là khâu đột phá
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, cùng với hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, CCHC là 1 trong 3 khâu đột phá được Đại hội XI của Đảng xác định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá những kết quả trong CCHC đạt được 10 năm qua là rất đáng ghi nhận và là một bước tiến khá dài. Tuy nhiên Thủ tướng cũng chỉ rõ, mặc dù CCHC đạt được những kết quả quan trọng song đây vẫn là một trong những điểm còn bị “nghẽn”.
Các bộ, ngành, địa phương phải nhận thức thức rõ CCHC là một khâu đột phá. Vì vậy, phải chỉ đạo triển khai thực hiện công tác này nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm, có kế hoạch cụ thể, có sơ kết, tổng kết đầy đủ sau mỗi khoảng thời gian thực hiện…
Với tinh thần này, trong 10 năm tới, các cấp, các ngành phải thực sự tập trung công sức thực hiện CCHC; mục tiêu CCHC phải bám vào Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, CCHC làm cho thể chế kinh tế thị trường hoàn thiện hơn, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. CCHC để phát huy dân chủ, ngày càng đảm bảo tốt hơn quyền làm chủ của người dân.
Theo Thủ tướng, CCHC trước mắt phải nhìn vào cải cách thể chế mà đi liền với nó là cải cách TTHC. Cải cách TTHC là phải loại bỏ, sửa đổi những thủ tục bất hợp lý, bất hợp pháp, không cần thiết, không phù hợp…
Với yêu cầu như vậy, các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động, tích cực vào cuộc trong cải cách về thủ tục hành chính nhất là những lĩnh vực mà người dân đang phàn nàn, kêu ca nhiều, đó là thủ tục trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản trong đó có đấu thầu, chỉ định thầu; thủ tục về quản lý, sử dụng đất đai, quyền sở hữu nhà; thuế, hải quan…
Đi liền với đó cần rà soát lại chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương và ở các cấp thấp hơn của từng bộ, ngành, địa phương; xây dựng hệ thống hành chính từ trung ương tới cơ sở là thông suốt; thực sự trong sạch, vững mạnh, minh bạch, hiệu quả; có sự phân cấp, phân quyền rõ ràng nhưng không cắt khúc.
Tập trung xây dựng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước; coi đây là yếu tố có ý nghĩa quyết định. Yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ làm việc trong bộ máy hành chính là phải được đào tạo, giáo dục, phải là những người vừa có tâm, có tài, có tấm lòng đối với đất nước nói theo cách nói của Bác Hồ là “vừa hồng, vừa chuyên”.
Về tài chính công, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương dành ưu tiên cho phát triển nguồn nhân lực, cải cách tiền lương, đào tạo cho đội ngũ cán bộ…Bên cạnh đó, lưu ý dành nguồn tài chính công chi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Liên quan đến vấn đề về hiện đại hóa nền hành chính, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử; cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần rất tốt trong CCHC; thông qua các cuộc họp trực tuyến sẽ tiết kiệm được thời gian, tiền bạc của nhà nước…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử là những vấn đề sẽ được Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt trong 5 năm tới.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu, các Bộ, ngành, địa phương tăng cường hơn nữa công tác thông tin truyên truyền về CCHC để người dân, doanh nghiệp biết; đồng thời qua đây cũng là để lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân, doanh nghiệp về CCHC.
Theo Hoàng Sơn Bắc
www.Chinhphu.vn