Tạo cơ hội cho người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
(Dân trí) - Quảng Ninh thành công với việc chào đón khu vực kinh tế tư nhân tham gia từ việc đầu tư vào kết cấu hạ tầng động lực tới phát triển kinh tế du lịch, thương mại. Thực tế, mỗi đồng ngân sách bỏ ra đã hút thêm được 9 đồng từ các nhà đầu tư. Sân bay Vân Đồn ngốn 7.000 tỷ đồng mà nhà nước chỉ phải bỏ phần ngân sách nhỏ, còn lại là vốn tư nhân.
Bên hành lang Quốc hội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan nêu hàng loạt dẫn chứng về việc phát huy động lực kinh tế tư nhân giúp tỉnh bứt phá về tăng trưởng kinh tế và phát triển lĩnh vực du lịch, thương mại thời gian qua.
Bài toán “một vốn bốn lời”
- Qua các kỳ Đại hội Đảng, vị trí và vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đã, đang được khẳng định và nhấn mạnh. Bà đánh giá như thế nào về vai trò của kinh tế tư nhân trong thực tế đời sống kinh tế Việt Nam hiện nay?
- Đảng có chủ trương phát triển kinh tế tư nhân từ lâu, gần đây còn có riêng một nghị quyết (Nghị quyết 10, hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa XII – PV), xác định kinh tế tư nhân là một trong các thành phần kinh tế rất được chú trọng phát triển, là động lực cho nền kinh tế trong giai đoạn mới.
Thực tế trong giai đoạn thực hiện các chủ trương đột phá, nhất là đột phá về kết cấu hạ tầng cũng như việc tái cơ cấu kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực lớn theo định hướng của Đảng, Nhà nước là phát triển kinh tế biển, phát triển kinh tế du lịch làm mũi nhọn, rồi phát triển kinh tế liên vùng, kết nối… thì cần phải có một nguồn lực lớn mới có thể kết nối, khai thác được tiềm năng, lợi thế của các địa phương có khả năng phát triển. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn ngân sách của Nhà nước quá hạn hẹp như hiện nay mà không có thành phần kinh tế tư nhân mạnh thì rất khó khăn để có thể thực hiện các mục tiêu mà Trung ương đã đề ra.
- Thực tế, kinh tế tư nhân, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn hiện đang trở thành những đòn bẩy của nền kinh tế. Chuyện kết quả tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng du lịch ấn tượng của Quảng Ninh thời gian qua nhờ những dấu ấn để lại của nhiều tập đoàn kinh tế lớn cho thấy rõ việc này. Là một lãnh đạo địa phương, chắc hẳn bà có nhiều trải nghiệm thực tiễn?
- Thời gian qua, thực sự Quảng Ninh luôn nằm trong top 5 tỉnh đứng đầu cả nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn, tốc độ đầu tư phát triển mạnh so với các địa phương. Để đạt kết quả đó, một trong những giải pháp chính là xác định huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân.
Trước hết, Quảng Ninh định hướng phải phát triển hạ tầng động lực, kết nối để khai thác tiềm năng, lợi thế. Tỉnh đã xây dựng quy hoạch với 4 khu kinh tế ven biển, 11 khu công nghiệp nhưng nếu vấn đề hạ tầng không giải quyết được thì cũng không thể thu hút nhà đầu tư. Chính vì vậy, chủ trương đầu tiên là lên kế hoạch để thu hút các nhà đầu tư mạnh nhất, các tập đoàn lớn vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng kết nối.
Giờ thì có thể khẳng định Quảng Ninh đã thành công với việc thực hiện phương thức đầu tư công tư với sự tham gia của các tập đoàn kinh tế tư nhân. Các tập đoàn đã đầu tư được rất nhiều các công trình hạ tầng động lực cho địa phương. Thực tế, nguồn ngân sách chỉ phải bỏ ra 1 đồng đã giúp thu hút được 9 đồng của các tập đoàn kinh tế tư nhân rót vào để làm các công trình hạ tầng động lực.
Ví dụ, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, riêng giai đoạn 1 đã ngốn tới 7.000 tỷ đồng mà nhà nước chỉ bỏ ra phần vốn để giải phóng mặt bằng và một phần rất nhỏ để thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, còn lại nhà đầu tư là tập đoàn Sun Group đã bỏ tiền làm nên sân bay quốc tế tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Cảng tàu khách quốc tế cũng thực hiện tương tự như vậy…
- Ngoài hạ tầng, các lĩnh vực khác ở Quảng Ninh cũng ghi đậm dấu ấn của khu vực kinh tế tư nhân, thưa bà?
- Các nhà đầu tư lớn đến Quảng Ninh không chỉ đầu tư các thế hệ thống hạ tầng ở lĩnh vực giao thông mà còn ở nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội khác, tiêu biểu như lĩnh vực du lịch, thương mại. Các tập đoàn kinh tế tư nhân mang lại nguồn lực rất lớn để xây dựng những hệ thống thương mại “ra tấm ra miếng” để khai thác được tiềm năng, phát triển du lịch, để chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Quảng Ninh, như các khu phức hợp vui chơi, giải trí quy mô lớn. 9 tháng đầu năm nay, Quảng Ninh đã thu hút được tới 13 triệu lượt du lịch, khẳng định hướng đi đúng của địa phương.
Chính sách như ở trên cây, với mãi không tới
- Những ví dụ phong phú bà đã dẫn chứng dường như chứng minh cho nhận định, hãy mạnh dạn trao cơ hội, đừng e ngại nghĩ rằng việc này, việc kia tư nhân không thể làm?
- Đúng là hiện tại, quy định của luật đầu tư theo hình thức công tư (PPP) vẫn chưa thông thoáng. Ví dụ, một điều kiện khống chế, chỉ áp dụng hình thức PPP với những dự án có tổng mức đầu tư tối thiểu là 200 tỷ đồng. Khống chế vấn đề đó làm gì trong khi nhà nước đang rất thiếu nguồn lực, 50 tỷ cũng quý chứ, nhất là với một khu vực khó khăn. Chúng ta cứ loay hoay với một khung mặc định chỉ để thuận cho quản lý nhà nước thì không nên.
Cũng như chuyện làm đặc khu kinh tế Vân Đồn vậy. Khi dư luận từng đặt vấn đề lo lắng về chuyện giao quyền lớn quá, cơ quan nào giám sát tại chỗ… thì tôi vẫn nghĩ, cả nước có cả một hệ thống cơ quan quản lý nhiều tầng, cũng không thiếu cơ quan phải chịu trách nhiệm cho các quyết định thì sao cứ phải “xem hiện tượng, đoán chương trình”, gây dư luận, làm cản trở, làm mất cơ hội, làm chậm đà những bước tiến.
Quan điểm của tôi là ai sai, người đó chịu trách nhiệm cá nhân. Mà người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì phải tạo điều kiện để người ta cống hiến. Đấy chính là thành công của Quảng Ninh trong phát triển kinh tế khi phát huy được vai trò của kinh tế tư nhân.
- Nói như vậy, bà nhận định thế nào về ý kiến cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn, cản trở với việc thúc đẩy phát triển những tập đoàn kinh tế lớn để dẫn dắt thị trường, để đảm bảo yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của Việt Nam?
- Hiện tại các nhà đầu tư đầu tư tới Quảng Ninh rất nhiều. Các khu kinh tế đều có nhà đầu tư lớn đang tìm hiểu để quyết định rót vốn vào. Tuy nhiên, để đạt được kết quả đó, nhà nước trước hết vẫn phải hoàn thiện được thể chế, chính sách, tháo gỡ những vướng mắc, rào cản, bất cập hiện nay.
Trở lại chuyện đặc khu kinh tế Vân Đồn, dù chủ trương đã đầy đủ, xây dựng quy hoạch công phu như vậy, rồi ban hành dự thảo cơ chế chính sách xong xuôi, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược… nhưng chỉ vấp dư luận là việc phải dừng lại cho tới giờ. Đó chính là những rủi ro mà doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược rất sợ. Các chính sách vẫn như kiểu ở trên cây, người thực hiện thì ở dưới gốc, với mãi không được… Các cơ chế chính sách của Nhà nước, theo tôi, phải mạnh hơn để thu hút, để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn bà!
Thái Anh