1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội:

"Tăng vận tải công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân"

(Dân trí) - Quy hoạch giao thông đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường và an toàn giao thông; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và các loại hình dịch vụ vận tải, huy động tư nhân tham gia phát triển giao thông đô thị theo hình thức hợp tác công - tư…

Đó là những nội dung quan trọng được trao đổi tại cuộc Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững giao thông đô thị Hà Nội” được tổ chức hôm nay 25/6.
 
“Xây dựng kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu”
 
Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Bàn về vấn đề này, Hội thảo giới thiệu kết quả nghiên cứu quy hoạch thành phần về giao thông vận tải (GTVT) nhằm phát triển bền vững giao thông đô thị (GTĐT) Hà Nội trong quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
 
"Tăng vận tải công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân" - 1
Giao thông đô thị Hà Nội đang là vấn đề quốc tế được quan tâm đặc biệt 
 
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: “Trong quy hoạch phát triển bền vững GTĐT Hà Nội có vấn đề quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng GTVT là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
 
Quy hoạch này có định hướng lấy vận tải công cộng làm chính và hạn chế sự gia tăng phương tiện cá nhân, tích cực góp phần cải thiện môi trường, từng bước giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông. Tuy nhiên, cần phải xem xét một cách tổng thể, toàn diện và khoa học trong quy hoạch chung khi Hà Nội đã được mở rộng và trong mối quan hệ kết nối, liên hoàn giao thông vùng thủ đô Hà Nội”.
 
Các tham luận tại Hội thảo đều nêu bật tầm quan trọng của việc phát triển bền vững GTĐT Hà Nội trên các lĩnh vực quy hoạch giao thông đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường và an toàn giao thông; phát triển kết cấu hạ tầng GTĐT và các loại hình dịch vụ vận tải; xúc tiến phát triển phương tiện vận tải bánh sắt đô thị, đồng thời cần huy động khu vực tư nhân tham gia phát triển GTĐT theo hình thức hợp tác công - tư…
 
"Tăng vận tải công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân" - 2

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ông Nguyễn Thế Thảo: "Lấy vận tải công cộng làm chính và hạn chế sự gia tăng phương tiện cá nhân"
 
Theo quan điểm phát triển GTĐT bền vững của PGS. TS Lưu Đức Hải - Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) thì quy hoạch GTĐT bền vững vẫn dựa trên nguyên tắc đảm bảo 3 mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường một cách hài hòa.
 
Trong đó, về khía cạnh kinh tế cần thiết lập được một hệ thống giao thông hỗ trợ tốt cho việc phát triển kinh tế của đô thị và chi phí hợp lí; về mặt xã hội, hệ thống giao thông phải đảm bảo quyền đi lại cho mọi đối tượng; về góc độ môi trường, phát triển không gây ô nhiễm và bảo vệ môi trường.
 
Ưu tiên đầu tiên là giao thông công cộng
 
Đưa ra những dẫn chứng về những công trình giao thông đô thị hấp dẫn ở các nước phát triển như Pháp, Anh, Singapore, ông Peter Midgley (Liên đoàn Đường bộ quốc tế) chỉ rõ: ưu thế của các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt nhanh giúp giải tỏa và chống ùn tắc giao thông... Để phát triển GTĐT bền vững thì phải ưu tiên giao thông công cộng cứ không phải phương tiện giao thông cá nhân.
 
"Tăng vận tải công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân" - 3
"Ưu tiên đầu tiên là giao thông công cộng" - ông Peter Midgley (Liên đoàn Đường bộ quốc tế)
 
Tại Việt Nam, hạ tầng GTĐT phát triển chậm dẫn tới sự ùn tắc và mất an toàn giao thông trong đô thị. Thực tế, diện tích đường giao thông ở Hà Nội chỉ chiếm khoảng 7% diện tích đất đô thị, trong khi đó tổng số lượng ô tô đăng ký lên tới hơn 3.000 xe/năm và xấp xỉ 3,6 triệu xe môtô, xe máy/năm,
 
Chính vì vậy các chuyên gia đều quan tâm đến giải pháp tập trung vào hệ thống vận tải hành khách công cộng - đường sắt đô thị Hà Nội nhằm chống ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông đô thị.
 
Từ cơ sở trên sẽ chú trọng phát triển hoàn chỉnh vận tải hành khách công cộng với ba hợp phần cơ bản, gồm: hệ thống vận tải khối lượng lớn (đường sắt đô thị và xe buýt nhanh); hệ thống xe buýt thông thường; hệ thống bổ trợ với các phương tiện giao thông nhỏ.
 
"Tăng vận tải công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân" - 4
Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng: "Hệ thống GTVT của Hà Nội phải tiếp tục được nâng cấp"
 
Ghi nhận và thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới phát triển bền vững giao thông đô thị Hà Nội, Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho hay: “Để đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị lớn, hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế trong tương lai, hệ thống GTVT của Hà Nội phải  tiếp tục được nâng cấp, hiện đại hóa từ các khâu quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, công nghệ xây dựng, các giải pháp chống ùn tắc, nâng cao hơn nữa văn hóa, ý thức của người tham gia giao thông…
 
Hướng tới quy hoạch chung xây dựng phát triển Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là xây dựng hình ảnh một thủ đô “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
 
Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm