Tăng trưởng GDP 6,5-7% giai đoạn 2021-2025 là "vô cùng khó khăn"
(Dân trí) - Nhận định tăng trưởng kinh tế năm 2024-2025 có thể phục hồi tốt hơn so với năm 2023, song Ủy ban Kinh tế cho rằng sẽ là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn để đạt tăng trưởng GDP 6,5-7% giai đoạn 2021-2025.
Sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 27, cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, trong đó có kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024.
Theo báo cáo thẩm tra nội dung này do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và không thể dự báo.
Dự kiến 5 chỉ tiêu không đạt
Đại dịch Covid-19 kéo dài, gây hậu quả nặng nề; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine diễn biến phức tạp, mới đây lại có thêm xung đột Israel - Hamas, khiến hầu hết các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu chậm lại trong khi lạm phát, lãi suất và rủi ro tài chính phức tạp hơn.
"Các tác động rất tiêu cực từ bên ngoài và khó khăn nội tại của nền kinh tế bộc lộ rõ hơn đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng theo nghị quyết của Quốc hội", theo đánh giá của cơ quan thẩm tra.
Nhấn mạnh Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời giúp tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết ước cả năm có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Trong 5 chỉ tiêu dự kiến không đạt được, ông Thanh cho biết có chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra năm thứ 3 liên tiếp.
Chỉ ra những vấn đề trong phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả; thủ tục hành chính đã được cắt giảm nhưng vẫn còn rườm rà, phức tạp.
Bên cạnh đó, theo ông Thanh, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí sản xuất, chi phí logistics tăng cao.
"Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao với hơn 135.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng; doanh nghiệp mới thành lập giảm 14,6% về số vốn đăng ký và 1,2% về số lao động; tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến", theo thống kê của cơ quan thẩm tra.
Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra thực tế giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng, hết 9 tháng đạt 51,38% kế hoạch.
"Cùng một hệ thống pháp luật nhưng một số cơ quan Trung ương, địa phương giải ngân vốn còn thấp so với mặt bằng chung với 17 bộ, cơ quan Trung ương chỉ giải ngân dưới 10%", ông Vũ Hồng Thanh nói và cho biết nhiều thủ tục hành chính do một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Ông Thanh cũng chỉ ra thực tế bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn diễn ra phức tạp; tình trạng lạm thu đầu năm học, lạm thu "quỹ phụ huynh" gây bất bình cho phụ huynh.
Đề nghị đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng
Dự báo nhiều khó khăn còn hiện hữu song Ủy ban Kinh tế cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2024 - 2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023.
"Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5%-7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020 (6,25%) là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn", theo nhận định của Thường trực Ủy ban Kinh tế.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cho rằng một số chỉ tiêu sẽ rất khó hoàn thành nếu không có giải pháp đột phá hơn nữa, như chỉ tiêu GDP bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân; tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế...
Về năm 2024, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ và cân nhắc xây dựng dự toán thu NSNN tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển và giảm bớt bội chi.
Đưa ra hàng loạt giải pháp, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh cần tập trung giảm lãi suất cho vay, gỡ bỏ những rào cản chưa phù hợp trong việc tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường năng lực giám sát và quản trị rủi ro hệ thống.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra lưu ý tập trung thực hiện phương án xử lý các ngân hàng yếu kém; quản lý chặt chẽ các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.
Cùng với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh cần khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.