“Tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng là rất cần thiết”

(Dân trí) - Đa số các ý kiến đều cho rằng Luật Lao động hiện hành với quy định thời gian nghỉ thai sản trong điều kiện bình thường 4 tháng là chưa hợp lý; cần thiết phải tăng lên 6 tháng.

Tại Hội thảo lấy ý kiến về chính sách nghỉ thai sản cho lao động nữ do Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB & XH tổ chức ngày 19/9 tại Hà Nội, ông Hà Đình Bốn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, quy định về thời gian nghỉ thai sản hiện hành tương đối phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước đang trong thời kỳ xây dựng nền kinh tế thị trường, phù hợp so với tương quan các nước trong khu vực. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em thì quy định về thời gian nghỉ thai sản 4 tháng là chưa hợp lý.

Ông Bốn cho rằng, Việt Nam vẫn chưa có những quy định đầy đủ về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo việc tổ chức nhà trẻ, hay bố trí địa điểm làm việc thuận tiện để lao động nữ có thể cho con bú bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và trong vòng 24 tháng tiếp theo… đặc biệt ở những doanh nghiệp hoặc những khu vực kinh tế sử dụng nhiều lao động nữ.

Theo thống kê của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, ở nước ta chỉ có 1/10 bà mẹ (10%) nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Tỷ lệ này không mấy được cải thiện, năm 2006 là 16,9%, đến năm 2010 tỷ lệ này chỉ có 19,6%, tăng rất khiêm tốn. Các nghiên cứu đã chứng minh khi thời gian nghỉ thai sản được kéo dài sẽ tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ.

Một nghịch lý nữa là, theo quy định, người mẹ chỉ được nghỉ 4 tháng, trong khi đó hệ thống nhà trẻ chính quy chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. Vì vậy, rất nhiều gia đình cán bộ công nhân nghèo phải chấp nhận gửi con ở nhà trẻ tư nhân với mức phí cao, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng.

“Tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng là rất cần thiết” - 1
Nhiều ý kiến đều cho rằng chế độ nghỉ thai sản hiện nay bất hợp lý. (Ảnh minh họa).
 
“Mặt khác, các quy định về chế độ nghỉ thai sản hiện hành ở nước ta chưa có quy định rõ ràng và chưa tính đến việc lao động nữ cần phải nghỉ một thời gian nhất định trước khi sinh để đảm bảo sức khỏe sinh sản cho bà mẹ và trẻ em. Trong khi đó, các nước trong khu vực đã có quy định rõ ràng, điển hình như Philippines quy định cụ thể thời gian nghỉ thai sản trước khi sinh đối với lao động là 2 tuần” - ông Bốn nói.
 
Đại diện Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng đưa ra quan điểm cho rằng, phương án tăng thời gian nghỉ lên thành 6 tháng rất cần thiết. Bởi đời sống của người lao động trong xã hội hiện nay còn quá khó khăn, cùng đó sức ép về lao động, tiền lương trong xã hội cũng đã bớt căn thẳng. Việc kéo dài thời gian nghỉ vừa tốt cho trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, vừa tốt cho bà mẹ có thể phục hồi sức khỏe sau ca sinh nở và chính là thời điểm nghỉ ngơi cần thiết để lao động nữ tái tạo đầy đủ sức lao động sau sinh
 
“Không nên nhìn nhận việc khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ như một lý do để gạt bỏ phụ nữ ra khỏi lực lượng lao động. Cũng không nên đặt lên vai phụ nữ gánh nặng phải lựa chọn giữa việc cho con bú và công việc. Xã hội có trách nhiệm khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ và thực chất là chăm sóc trẻ nhỏ. Đặc biệt, mọi trẻ sinh ra đều có quyền được bú sữa mẹ, nguồn dinh dưỡng tốt nhất trong 6 tháng đầu đời.  Thiếu sự khởi đầu vững chắc này, trẻ dễ bị mắc phải bệnh nhiễm khuẩn, các vấn đề về sức khỏe lâu dài như tiểu đường và các bệnh tim mạch.  Một chính sách nghỉ thai sản ưu việt tạo ra một lực lượng lao động ổn định gắn bó với doanh nghiệp. Đặc biệt,  thông qua việc kéo dài chế độ nghỉ thai sản, chúng ta có thể đóng góp cho sự phát triển lực lượng lao động khỏe mạnh, được giáo dục tốt và có năng suất lao động cao cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội”- Bà James Grant, nguyên Giám đốc Điều hành Unicef phát biểu

Phương án tăng thời gian nghỉ thai sản cũng nhận được sự đồng tình từ phía các doanh nghiệp. Đại diện Công ty Đầu tư gieo trồng, chế biến nông sản tại thành phố Hòa Bình doanh nghiệp sử dụng 95% lao động nữ, đóng góp thêm  ý kiến: Ngoài việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản Quỹ Bảo hiểm xã hội nên nghiên cứu trích một phần quỹ  để xây dựng thêm nhiều nhà trẻ công lập, tăng cường thêm phần đầu tư cho đào tạo đội ngũ trông trẻ có chuyên môn bởi trong điều kiện hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng xây nhà trẻ cho công nhân

Vấn đề tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng đã được đề xuất từ năm 2006, nhưng vẫn chưa tìm được sự đồng thuận do còn nhiều ý kiến trái chiều.

P. Thanh