An toàn tiêm chủng:
Tăng nguy cơ tai biến vì chủ quan
(Dân trí) - Dù Bộ Y tế đã ban hành quy định mới nhằm đảm bảo an toàn tiêm chủng sau nhiều vụ tai biến vắc xin, nhưng xem ra quy định cũng chỉ để có. Còn việc thực thi quy định, nhân viên y tế thì lơ là, người dân thì “mù tịt”.
Khám phân loại trước tiêm: Quá xa vời
Theo Quy định mới này, để đảm bảo quy trình tiêm chủng an toàn, trước khi tiêm chủng, nhân viên y tế bắt buộc phải tư vấn cho gia đình, người được tiêm chủng những tác dụng, lợi ích và những rủi ro gặp phải khi tiêm chủng phòng bệnh. Đồng thời, việc khám để loại trừ những trường hợp chống chỉ định trước khi tiêm chủng như kiểm tra nhiệt độ, hỏi tiểu sử, kiểm tra vắc xin, sinh phẩm y tế trước khi tiêm là điều mà nhân viên y tế bắt buộc phải thực hiện.
Tuy nhiên, mọi thứ “bắt buộc” đều chỉ là trên văn bản. Còn trên thực tế, xem ra, một buổi tiêm chủng mở rộng quá bận rộn, cấp bách nên nhân viên y tế dễ dàng bỏ qua khâu này.
Chúng tôi đã gặp gỡ, phỏng vấn nhiều phụ huynh cho con đi tiêm chủng sáng ngày 12/8/2008 tại Trạm y tế xã Nguyệt Đức (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) thì tất cả những người này đều khẳng định: “Rất hiếm khi nhân viên y tế hỏi về tình trạng sức khoẻ của con”.
Buổi sáng, theo lịch họ đưa con đến trạm y tế, nộp phiếu, đợi đến lượt tiêm... Tiêm xong, họ cho trẻ về thẳng nhà ngay lập tức và tất nhiên là cũng không nhận được lời dặn dò: “Nên ở tại trạm xá ít nhất 30 phút để theo dõi”.
Chỉ có một “điểm sáng” duy nhất những nhân viên y tế tại đây thực hiện, đó là dặn bố mẹ để ý con sốt cao thì cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Còn tuyệt nhiên, không có một lời hỏi tiểu sử bệnh tật của em bé, tình trạng sức khoẻ em bé ra sao. Chỉ khi nào người mẹ chủ động nói rằng “Bé đang sốt, đang ho… liệu có tiêm được?” thì mới thấy y tá, bác sĩ trả lời là nên cho bé về nhà, khi nào khỏi hẳn thì đi tiêm.
Chị N.T.H, cũng là người làm trong ngành y tế, sáng đó đưa con đi tiêm vắc xin viêm gan B2 và DPT1, đã bày tỏ: Một buổi tiêm tập trung đông như vậy, lại chỉ tiêm trong buổi sáng, người dân thì đến nhiều vào đầu giờ nên rất khó để nhân viên y tế có thể hỏi cặn kẽ từng bé.
Không đổ lỗi hết cho nhân viên y tế, những người dân này cũng tự nhận: Do bản thân quá bận, nhất là trong dịp mùa màng, chỉ vội vàng đưa con đi tiêm cho đúng lịch rồi về giao con cho ông bà, hoặc cho con lớn trông rồi lại vội đi làm đồng, chẳng có thời gian để ý tới trẻ.
Ngại hỏi vì sợ “trả thù”
Tại các điểm tiêm dịch vụ của thành phố Hà Nội, người dân phải bỏ một khoản tiền không nhỏ để tiêm phòng cho con nhưng việc thực hiện quy trình tiêm chủng an toàn của nhân viên y tế cũng rất sơ sài.
Như tại TT Kiểm dịch Y tế quốc tế Hà Nội, nhân viên y tế rất rõ ràng: gọi tên người được tiêm, chỉ rõ loại vắc xin tiêm ghi trong sổ rồi chỉ cho phụ huynh xem tên loại vắc xin ghi trên vỏ. Nếu cha mẹ không có thắc mắc gì thì tiêm cho trẻ. Sau đó là dặn dò về theo dõi trẻ sốt cao thì cho trẻ dùng hạ sốt.
Tuy nhiên, ngay từ khâu nộp sổ, nộp tiền, nhân viên y tế không hề hỏi về tình trạng sức khoẻ của bé, cũng như không thấy dặn dò sau tiêm phải ở lại 30 phút để theo dõi.
Còn người đưa con đi tiêm, vừa dứt mũi tiêm, trẻ khóc thét lên vì sợ hãi, nhiều bà mẹ liền bế thốc con đứng dậy, chạy nhanh ra cửa để dỗ rồi lên xe về thẳng.
Gặp chị H. đưa hai cháu song sinh B.Minh, B.Kiên 14 tháng đi tiêm mũi nhắc lại viêm não Nhật Bản B tại TT, vừa tiêm xong, thấy ba mẹ con đứng chờ, chúng tôi vui mừng bắt chuyện. Những tưởng chị cùng con ở lại theo dõi sau tiêm nhưng hoá ra, ba mẹ con nhà chị lại đang đợi… tắc xi.
Trong khi đó, người dân đưa con đi tiêm thì ngại hỏi vì tâm lý, hỏi nhiều, sợ bị ăn mắng. Quan trọng hơn, họ lo con bị tiêm đau vì y tá khó chịu với người mẹ lắm lời. Dù vậy, khi được hỏi, họ đều phàn nàn rằng chẳng khi nào nhân viên y tế hỏi bé có đang bệnh, đang uống thuốc gì không, tình trạng ăn uống như thế nào…
Về việc khám sức khoẻ trước tiêm chủng để đảm bảo an toàn tiêm chủng, nhiều chuyên gia đã khẳng định nhiều lần, đây là một quy định bắt buộc.
TS Đỗ Sĩ Hiển, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, đã nhiều lần nhấn mạnh: “Dù vắc xin có tốt đến mấy, thực hành tiêm chủng có tốt đến mấy, hàng chục triệu mũi tiêm như vậy và với những cơ địa khác nhau không thể bảo đảm 100% không có rủi ro. Vì thế, cán bộ tiêm chủng không được bỏ qua khâu khám phân loại vì nhờ đó sẽ giảm được nguy cơ tai biến”.
Tuy nhiên, cũng không vì thế mà người đi tiêm bỏ mặc con mình cho nhân viên y tế. Theo PGS.TS Phạm Ngọc Đính, Viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, sự hợp tác chủ động của đối tượng tiêm chủng -cha mẹ của trẻ - rất quan trọng. Trước khi tiêm, các bậc phụ nên chủ động khai báo đầy đủ các thông tin về sức khỏe của trẻ.
Nâng cao trách nhiệm của cả người tiêm, người được tiêm sẽ giảm được những nguy cơ tai biến. Đừng vì e sợ điều gì mà bỏ mặc sự an toàn của con mình. Người dân có quyền giám sát cán bộ y tế xem có làm đúng các quy trình hay không để quyết định tiêm hay từ chối tiêm cho con. Sự chủ động, kiên quyết của cha mẹ sẽ khiến nhân viên y tế có trách nhiệm hơn.
Hồng Hải