Tăng mức xử phạt, gắn trách nhiệm người giao xe cho học sinh gây tai nạn
(Dân trí) - Lãnh đạo Cục CSGT cho biết, lực lượng CSGT sẽ xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm, kiến nghị xử lý hình sự hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện gây ra tai nạn giao thông.
Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an, cách đây khoảng 1 tháng, Cục này ban hành kế hoạch cao điểm thiết lập lại trật tự an toàn giao thông trong lứa tuổi học sinh. Đồng thời, Cục cũng chỉ đạo CSGT tăng cường xử lý các trường hợp sử dụng phương tiện vào các hoạt động tụ tập đua xe, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng.
Theo số liệu của Cục CSGT, từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/9, tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em ở lứa tuổi học sinh xảy ra 1.957 vụ, làm chết 783 người, bị thương 2.018 người. Điều này cho thấy tình trạng lứa tuổi học sinh vi phạm còn diễn biến phức tạp.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, từ đầu năm tới nay, lực lượng CSGT toàn quốc đã lập biên bản hơn 182.000 trường hợp học sinh, trẻ em vi phạm. Riêng trong tháng cao điểm xử lý học sinh vi phạm, CSGT đã lập biên bản hơn 48.000 trường hợp.
Tuy nhiên, theo Đại tá Huy, qua thời gian triển khai cao điểm, các tổ công tác tại địa phương nhận định nhiều thanh thiếu niên chưa thực sự quan tâm đến nhận thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn.
Ông Huy cho rằng, một bộ phận phụ huynh còn chưa chú ý đến quản lý giáo dục con em mình, vẫn giao xe cho con dù biết con chưa đủ điều kiện điều khiển xe có thể gây nguy hiểm cho chính các con, và những người tham gia giao thông khác.
Trong khi đó, theo ông các thông tin tiêu cực trên không gian mạng có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và ý thức của lứa tuổi này, gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp quản lý chặt chẽ không để các cháu đua đòi học theo thói xấu.
Theo Đại tá Huy, thời gian tới, CSGT vẫn sẽ tăng cường xử lý vi phạm của học sinh, phụ huynh. Các học sinh vi phạm sẽ có thông báo gửi đến nhà trường, từ đó có hình thức xử lý phù hợp.
Ông Huy cho biết, trong quá trình tham mưu, soạn thảo nghị định mới về xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Cục CSGT sẽ tham mưu theo hướng tăng chế tài xử lý đối với những hành vi cố tình vi phạm là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, giao xe cho người không đủ điều kiện…
Ngoài ra, theo ông Huy, lực lượng chức năng sẽ tịch thu xe nếu tái phạm hành vi lạng lách, đánh võng. Đặc biệt sẽ kiến nghị xử lý hình sự đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện, để xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả theo quy định của pháp luật.
7 giải pháp cấp bách giảm tai nạn, vi phạm giao thông lứa tuổi học sinh
Trước tình hình trên, Đại tá Phạm Quang Huy nêu ra một số giải pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông, vi phạm giao thông trong lứa tuổi học sinh.
Đại tá Huy cho rằng vấn đề quan trọng đầu tiên đó là cần rà soát khắc phục các điểm đấu nối trực tiếp các nút giao giữa cổng trường học với các tuyến đường có tốc độ phương tiện lưu thông cao, giải tỏa các khu vực hành lang bị lấn chiếm làm che khuất tầm nhìn khu vực ra vào trường học.
Theo Đại tá Huy, việc tiếp theo là cần đảm bảo chất lượng các phương tiện phục vụ cho việc lưu thông của các em lứa tuổi học sinh.
Thứ ba theo ông Huy là cần phải huy động các tổ chức đoàn thể, cấp ủy chính quyền địa phương, nhà trường, gia đình trong việc quản lý, tuyên truyền giáo dục nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành luật giao thông cho các em lứa tuổi học sinh.
Một vấn đề quan trọng nữa, theo ông là cần huy động nhân lực, vật lực để đào tạo, bồi dưỡng những tuyên truyền viên, báo cáo viên, giáo dục các phương pháp, kỹ năng lái xe cho học sinh, xác định khi ngồi lên phương tiện sẽ là nguồn nguy hiểm cao độ không chỉ là an toàn cho chính bản thân người điều khiển, mà còn gây ra nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác.
Việc lực lượng CSGT sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm để răn đe cũng là vấn đề quan trọng được ông Huy đề cập trong các giải pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông, vi phạm giao thông trong lứa tuổi học sinh.
Vấn đề tăng chế tài xử lý với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện. Xử lý hình sự hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện gây ra tai nạn giao thông gây hậu quả theo quy định là giải pháp được ông Huy khá lưu ý.
"Cuối cùng là cần đẩy mạnh quản lý nhà nước bằng công nghệ giám sát, xử phạt nguội, tăng tương tác giữa người dân và cơ quan quản lý nhà nước trong việc cung cấp thông tin vi phạm", ông Huy nhấn mạnh.
Mới đây, Cục CSGT (Bộ Công an) đã đề xuất tăng mức phạt với một số hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn, cố ý xâm phạm trật tự an toàn giao thông...
Đáng chú ý, hành vi giao xe (ô tô) cho người chưa đủ tuổi điều khiển được đề xuất tăng từ 4 đến 6 triệu đồng (đang áp dụng) lên 28 đến 30 triệu đồng. Đối với xe máy, mức phạt cũ 600.000 đến 800.000 đồng, dự kiến mức phạt mới từ 8 đến 10 triệu đồng.
Lý giải với mức đề xuất tăng này, Đại tá Phạm Quang Huy cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng đã xử lý hình sự một số trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện gây tai nạn giao thông.
Việc nâng chế tài xử phạt với hành vi cố ý để dẫn tới tai nạn giao thông là một hình thức răn đe, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông.