1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Tăng mức xử phạt có thể góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Luật sư Lê Hồng Hiển đánh giá, việc tăng mức xử phạt là một trong những giải pháp để góp phần hạn chế hành vi vi phạm giao thông, từ đó giảm thiểu các vụ tai nạn.

Xử phạt nghiêm đối với vi phạm trên đường cao tốc

Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an đang tham mưu xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.

Việc dự thảo Nghị định trên xuất phát từ thực tiễn đảm bảo TTATGT và quá trình phân tích nguyên nhân, điều kiện hình thành các vụ tai nạn giao thông (TNGT) trong thời gian qua.

Qua đó, Cục CSGT thấy nhiều hành vi, nhóm hành vi nguy hiểm nguy cơ cao gây ra các vụ TNGT hậu quả từ rất nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng mà cần thiết phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Luật sư Lê Hồng Hiển (Giám đốc hãng luật Lê Hồng Hiển và cộng sự), cho rằng, để giảm thiểu tai nạn giao thông chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ với rất nhiều giải pháp, trong đó có việc nâng cao cơ sở hạ tầng về giao thông, tích cực tuyên truyền nhận thức của người dân.

Tăng mức xử phạt có thể góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông - 1

Luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc hãng luật Lê Hồng Hiển và cộng sự (Ảnh: Hữu Nghị).

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải có những biện pháp khác như nâng cao, cải thiện chất lượng đào tạo trong việc cấp bằng lái xe; nâng cao kỹ năng lái xe cho tài xế, phát triển hệ thống giao thông công cộng.

Luật sư Hiển đánh giá, việc tăng mức xử phạt là một trong những giải pháp để góp phần hạn chế hành vi vi phạm giao thông, từ đó giảm thiểu các vụ tai nạn.

"Cục Cảnh sát giao thông dự thảo Nghị định tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông là giải pháp rất tốt và tôi đồng tình với quan điểm này", Luật sư Hiển nói.

Vị luật sư cũng đồng tình với việc xử phạt nghiêm, nặng đối với hành vi vi phạm giao thông trên đường cao tốc như đi ngược chiều, đi lùi, dừng đỗ không đúng nơi quy định.

Những hành vi này tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn giao thông rất cao và đặc biệt nguy hiểm.

Song luật sư Hiển đánh giá, việc hình sự hóa, xử lý hình sự những hành vi này cần phải căn cứ, phụ thuộc vào việc vi phạm có gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hay không?

Nếu trong trường hợp người điều khiển phương tiện gây tai nạn thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về sức khỏe từ 61% trở lên sẽ phạm vào tội Vi phạm quy định về giao thông đường bộ. 

Còn trong trường hợp người điều khiển phương tiện chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, theo quy định của pháp luật sẽ chưa đủ yếu tố để xử lý hình sự.

Thực hiện từng bước, kết hợp tuyên truyền 

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội rất hoan nghênh việc Cục CGST và các cơ quan Nhà nước luôn nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông cho phù hợp tình hình thực tế.

Ông Liên nhìn nhận, vấn đề an toàn giao thông của Việt Nam còn nhiều điểm phải sửa để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

Tăng mức xử phạt có thể góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông - 2

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội (Ảnh: Hữu Nghị).

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải thực hiện từng bước, kết hợp tuyên truyền giáo dục để nâng cao ý thức của người dân.

Giám đốc hãng luật Lê Hồng Hiển và cộng sự chia sẻ, trong gần 15 năm hành nghề, ông đã tham gia bào chữa nhiều vụ án liên quan đến tai nạn giao thông.

Có vụ án luật sư Hiển tham gia dưới góc độ bào chữa cho các bị can, bị cáo. Cũng có vụ án ông tham gia dưới góc độ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại.

Song có một điểm chung trong những vụ án mà vị luật sư này tham gia là người gây tai nạn giao thông có tuổi đời rất trẻ, thậm chí đang ngồi trên ghế nhà trường. 

Gần đây nhất, luật sư Hiển tham gia bào chữa một vụ án liên quan đến tai nạn giao thông xảy ra tại quận Đống Đa (Hà Nội). Công an quận Đống Đa đang điều tra vụ việc. Trong vụ tai nạn này, nạn nhân bị thương tật đến 99% sức khỏe (gần như bị liệt). 

Điều đáng nói, người gây tai nạn là hai học sinh lớp 10 và 11.

Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp vi phạm quy định về giao thông dẫn đến hậu quả chết người hoặc gây tổn hại về sức khỏe trên 61% sẽ bị khởi tố hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại điều 260 Bộ luật Hình sự (BLHS).

Trong vụ án này, học sinh điều khiển xe máy bị khởi tố theo Điều 260 BLHS còn học sinh ngồi sau (học cùng lớp) bị khởi tố về tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ quy định tại điều 264 BLHS. 

"Trong vụ án này, cả 2 bạn học sinh đều bị khởi tố và còn đang ngồi trên ghế nhà trường nên khi dính đến pháp luật, bị khởi tố rõ ràng tương lai phía trước sẽ rất khó khăn", luật sư Hiển bày tỏ.

Do bố mẹ của 2 học sinh trên để xe ở nhà và không hề biết con mình tự lấy xe để chở bạn đi học nên không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024 do báo Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện sẽ bước vào các vòng chung khảo, chung kết trong các tuần tới và dự kiến sẽ trao giải vào cuối tháng 11 này.

Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những sáng kiến, giải pháp, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn.

Đồng hành cùng Cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024 có đơn vị tài trợ là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cùng các đơn vị tư vấn chuyên môn đến từ nhiều trường đại học và các chuyên gia ngành giao thông.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm