1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tăng lương: Cần 10, chỉ được... 7!

(Dân trí) - “Lương tăng đều 20 năm qua nhưng là “chạy” theo tăng giá, chất lượng đời sống không tăng. Tăng lương chưa đủ độ để trở thành đòn bẩy kinh tế, giống như người bệnh cần uống 10 thang thuốc nhưng chỉ đủ tiền bốc 7 thang, không vực dậy được”…

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi, phát biểu trong buổi tọa đàm về các vấn đề tài chính ngân sách những tháng đầu năm và định hướng giai đoạn tới do UB Tài chính - ngân sách tổ chức.

Một nội dung được nhiều đại biểu mổ xẻ trong buổi tọa đàm là chính sách tiền lương hiện nay. Về tiền lương công vụ, tỷ lệ ngân sách nhà nước dành chi lương. Theo thống kê, tỷ lệ chi cho lương chiếm 6% trong tổng dự toán chi ngân sách nhà nước. Chi cải cách tiền lương riêng trong năm 2012 cũng lên tới 59.300 tỷ đồng.

Đại biểu băn khoăn: Chi lương như vậy liệu có tạo thêm gánh nặng cho ngân sách hay do Việt Nam chưa có bộ khung ngân sách hợp lý dành cho việc phân bổ tiền lương?

Một câu hỏi khác, những đối tượng nào hưởng lương từ ngân sách nhà nước, chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong tổng số lao động? Nếu đưa thêm nhóm viên chức (bao gồm cả bác sĩ, nhân viên y tế, thầy cô giáo, nhân viên giáo dục) với tổng số khoảng 5 triệu người vào diện hưởng lương từ ngân sách (thậm chí nếu tính cả người nghỉ hưu thuộc diện này, đối tượng chính sách - con số lên tới 9 triệu người), mức chịu đựng của ngân sách sẽ thế nào?
 
Lương vẫn đều đặn tăng suốt 20 năm qua nhưng đời sống không cải thiện tương xứng.
Lương vẫn đều đặn tăng suốt 20 năm qua nhưng đời sống không cải thiện tương xứng.

Cố vấn chính sách về cải cách hành chính của Liên hợp quốc tại Việt Nam, ông Jairo Acuna Alfaro, bày tỏ băn khoăn về nghịch lý, mức lương tối thiểu ở Việt Nam hiện quá thấp nhưng ai cũng muốn mất tiền để “chạy” được vào nhà nước. Ông Jairo cho rằng, như vậy phải làm rõ thu nhập ngoài lương là gì? Có phải là nguồn phi pháp?

Ngoài ra, vấn đề hiệu suất hoạt động và chi tiêu của ngân sách nhà nước có thể đã tạo ra sân chơi không công bằng trong thu hút nhân lực, giữ chân công chức.

“Trong điều kiện lương quá thấp như hiện nay nhưng chi mức tối thiểu đã chiếm tới 6-7% tổng chi ngân sách mà tổng thu nhập của cá nhân lại cao hơn tiền chính thức, chứng tỏ hiệu suất lao động rất thấp, phân tán” - ông Jairo Acuna phán đoán.

Cũng có thể nói, việc này là nghịch lý khi cán bộ công chức luôn phải tìm kiếm nguồn thu nhập bổ sung, mà thu nhập bổ sung cũng lại từ ngân sách mà ra. Như vậy vừa phải chi phí lớn để thu hút về nhiều người yếu kém.

Cố vấn chính sách về cải cách hành chính của Liên hợp quốc khuyến cáo, Chính phủ không thể không quan tâm đến sự phân bổ nguồn lực một cách phân tán như vậy. Phải quan tâm giám sát thật chặt chẽ nguồn thu nhập ngoài lương cũng như thẩm định việc công bố công khai tài sản.

Ông Bùi Sĩ Lợi cho rằng, bản chất chuyện tiền lương ở Việt Nam không chỉ như thế. Ông Lợi phân tích, tổng số người đang hưởng lương hiện nay là 8 triệu người (trừ lực lượng quân đội), trong đó chỉ hơn 300.000 người là cán bộ công chức đúng nghĩa.

Nguồn chi để cải cách tiền lương hàng năm chia cho 4 khu vực. Nhóm người có công nhận ưu đãi đặc biệt. Nhóm người hưởng trợ cấp xã hội cũng được ưu tiên đảm bảo.

Gánh nặng lớn nhất nằm ở nhóm thứ 3 – nhóm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập. Số này có hơn 1,7 triệu người, chiếm 25,9% đối tượng hưởng lương từ ngân sách và ngốn 30% ngân sách cho lương.

Trong khi đó, tiền lương tối thiểu đều đặn tăng suốt 20 năm qua (từ năm 1993 đến nay). “Hễ chỉ số giá tiêu dùng tăng lên là lương cũng được điều chỉnh nhưng chất lượng đời sống thực lại không hề tăng. Do đó, tiền lương chưa thể đóng vai trò đòn bẩy kinh tế, giống như một người bệnh cần uống 10 thang thuốc mới khỏi bệnh, nhưng chỉ đủ tiền bốc 7 thang, không thể vực dậy được” - ông Lợi lập luận.

Theo đó, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cho rằng, không thể cải cách tiền lương một cách hiệu quả với một gánh quá nặng, quá nhiều đối tượng như vậy. Muốn cải cách, 4 khu vực lương (người có công, đối tượng chính sách, viên chức và công chức) phải độc lập, nằm trong tổng thể chính sách xã hội.

TS. Dương Đình Giáo (Viện nghiên cứu chính sách công nghiệp của Bộ Công thương) nhìn nhận, khó khăn trong cải cách tiền lương ở Việt Nam là về đối tượng hưởng và mức lương trung bình. Ông Giáo cho rằng, sự thật, ai cũng hiểu chỉ cần giảm đi 30% số người hưởng lương mà không làm việc, sáng cắp ô đi tối cắp ô về, thì tiền sẽ có thể tăng lên 50% ngay.

Thêm một tồn tại thực tế, cùng là nhà nước nhưng lương các khu vực lại rất khác nhau, chưa tính đến khu vực doanh nghiệp nhà nước, lương cao hơn rất nhiều.

Phó Chủ nhiệm Bùi Sĩ Lợi cũng nêu lo ngại với biểu hiện, tiền lương tăng nhưng năng suất lao động giảm vì việc… cào bằng. Ông Lợi đề nghị tính toán lại cơ chế, không nên hỗ trợ đối với khu vực sự nghiệp công lập (chiếm tỷ trọng 25%) mà phải áp dụng phương thức tính đúng tính đủ.

Khu vực hành chính sự nghiệp với khoảng hơn 300 ngàn công chức thì cần trả lương theo tiêu chuẩn chức danh gắn với vị trí việc làm để khắc phục tình trạng bất hợp lý lâu nay. Ông Lợi dẫn chứng những bất cập ngay trong đội ngũ thường trực của các ủy ban Quốc hội. Có những đại biểu Quốc hội đảm đương công việc phó chủ nhiệm các ủy ban nhiều năm nhưng tiền lương lại thua nhiều ủy viên thường trực mới trúng cử. Đơn giản bởi khi trúng cử Quốc hội, các vị này vốn đang nắm giữ trọng trách cao ở địa phương nên khi về Quốc hội, mọi chế độ lương bổng vẫn giữ nguyên như cũ.

Tán thành quan điểm trả lương đúng đối tượng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải lấy ví dụ, theo quy định trước đây, giáo viên tiểu học chỉ cần trình độ trung cấp (10+), dạy cấp 2 phải có bằng cao đẳng, dạy cấp 3 phải tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, hiện nay, không ít trường tiểu học mà 100% giáo viên đều trình độ đại học. Ngay khi đi làm phải trả lương ở mức độ bằng cấp này nhưng chất lượng đào tạo vẫn không cao.

Các đơn vị cũng lý giải do cùng tốt nghiệp đại học ra đi làm, dạy cấp 1 hay cấp 3 thì lương khởi điểm phải như nhau. Đại biểu đặt dấu hỏi băn khoăn về điểm này, đề nghị phải trả lương theo vị trí công tác chứ không phải theo bằng cấp, trình độ.

Cố vấn chính sách về cải cách hành chính  Jairo Acuna gợi ý trả lương trên cả 2 tiêu chí, vị trí và bằng cấp, tức nếu muốn có một vị trí công việc nhất định thì phải có đủ tiêu chuẩn để đạt vị trí đó, sau đó trả lương theo vị trí công việc đó.

P.Thảo