Tăng huyết áp vì bị đòi gần 50 triệu đồng tiền nước
(Dân trí) - Nhận thông báo thanh toán tiền nước lên tới gần 50 triệu đồng, ông Nguyễn Đức Lục choáng váng, huyết áp tăng đột ngột. Đây là tiền nước tính từ năm 2015 tới nay mà người phụ trách đường ống nước… quên thu. Chuyện hi hữu xảy ra tại xã Diễn Ngọc, Diễn Châu, Nghệ An.
Tăng huyết áp vì… tiền nước
Đầu tháng 4/2018, 59 hộ dân thuộc xóm mới Hồng Yên (Diễn Ngọc, Diễn Châu) nhận được thông báo từ Công ty cổ phần cấp nước Diễn Châu về việc họ đã chậm thanh toán tiền nước 6 tháng qua. Nếu không kịp thời thanh toán số tiền nợ trên sẽ bị cắt nước.
Thông báo khiến 59 hộ dân bất ngờ bởi 6 năm nay họ không thấy ai đến thu tiền nước.
“Năm 2011, chúng tôi bắt đầu sử dụng dịch vụ cung cấp nước sạch. Từ đó đến năm 2012 chúng tôi đóng tiền nước đầy đủ. Từ năm 2012 tới nay không thấy ai tới thu tiền nước. Lúc đầu cũng thấy phân vân nhưng sau cứ nghĩ đang được dùng nước miễn phí từ một dự án nào đó nên… cứ dùng thôi”, anh Thái Bá Sơn (SN 1981) cho hay.
Đến ngày 14/4, nguồn nước bị cắt. Cuộc sống của 59 hộ dân với hàng trăm con người bỗng đảo lộn vì không có nước.
Khi mọi việc đang nháo nhào thì các hộ dân nhận được thông báo từ ông Trần Văn Hồng (SN 1970, người thầu nước từ công ty nước để cung cấp cho các hộ dân): Sẽ thu tiền nước từ năm 2015 tới thời điểm 14/4/2018. Số tiền cần phải thanh toán của các hộ dân lên tới cả chục triệu đồng, nhiều hộ ở mức 10-30 triệu đồng, đặc biệt có hộ lên tới gần 49 triệu đồng.
Theo ông Lục, người bán nước phải có trách nhiệm chốt sổ, thu tiền theo tháng. Do tự họ "quên thu" suốt 5-6 năm nay nên ông không trả số tiền gần 50 triệu đồng kia
Cũng bởi thông báo thanh toán gần 50 triệu tiền nước mà ông Nguyễn Đức Lục (SN 1962) bị choáng 2 lần do tăng huyết áp. “Họ đến đưa cho cái thông báo từ năm 2015 tới nay gia đình tôi sử dụng 4.885 m3 nước, tính ra tiền là gần 49 triệu đồng. Đáng lẽ bán nước thì phải chốt sản lượng, thu theo tháng chứ ai đời để 5-6 năm rồi đến truy thu cả năm chục triệu đồng, làm sao chúng tôi trả được”.
Ông Lục cũng cho biết hàng năm ông đều yêu cầu ông Hồng chốt sản lượng và thu tiền nước nhưng ông Hồng cứ “gạt đi”. Cứ nghĩ là nước miễn phí nên ông Lục… dùng thoải mái, thậm chí còn dùng tưới đường cho đỡ bụi, sử dụng để sản xuất than tổ ong.
Ông cho rằng việc ông Hồng không chốt đồng hồ, thu tiền nước theo tháng là lỗi của ông Hồng cho nên ông kiên quyết không nộp tiền. Do vậy, vừa qua gia đình ông Lục đã bị cắt nước sạch. “Tôi không nộp tiền! Ông Hồng mà kiện tôi ra tòa thì tôi theo kiện đến cùng”, ông chủ xưởng than tuyên bố.
Anh Thái Bá Sơn cũng không đồng ý thanh toán hơn 12 triệu đồng tiền nước của mình vì cho rằng không có sơ sở nào để tính ra số lượng nước gia đình anh đã sử dụng.
Tiền nước không nhiều như ông Lục nhưng anh Thái Bá Sơn cũng cho biết sẽ không thanh toán hơn 12 triệu đồng đã được thông báo. “Họ bảo đây là tiền nước của gia đình tôi từ năm 2015 tới nay. Tôi không biết họ dựa vào đâu để đưa ra con số này vì đồng hồ nước của tôi đang bị chôn sâu dưới đất, chưa đào lên được thì lấy đâu ra số liệu mà chốt?”.
Không phải quên mà… chưa thu!
Hệ thống đường ống dẫn nước cho khu dân cư này được ông Trần Văn Hồng tiếp quản từ một người khác vào năm 2010. Theo trình bày của người đàn ông này, do bận nhiều việc nên ông không có nhiều thời gian để đi thu tiền nước. Trước năm 2012 ông vẫn đi đọc số công tơ, chốt sổ. Đến năm 2015 ông chốt sổ thêm một lần nữa nhưng sau đó bị… mất sổ nên không nắm được số liệu cụ thể.
“Nói thật là thời điểm đó tôi làm ăn được nên hàng tháng cứ lấy tiền nhà lên đóng tiền cho công ty nước thôi. Mỗi tháng 12-14 triệu, tháng nào nhiều thì gần 20 triệu, số tiền này so với tiền tôi kiếm được thời điểm đó chả đáng là bao. Tôi chưa thu tiền nước của bà con chứ không phải là không thu”, ông Hồng lí giải.
Năm nay do làm ăn thua lỗ, ông Hồng không thanh toán được với với công ty nước nên bị cắt nước. Ông Hồng chia sẻ khó khăn với các hộ dân và được thông cảm.
Ông Nguyễn Cảnh Hưng (SN 1961) nói: “Chúng tôi dùng nước thì phải trả tiền, đó là điều đương nhiên. Trước nay ông Hồng không thu theo tháng, đó là thiếu sót của ông ấy nhưng mình không thể “quỵt” tiền của người ta được. Tất nhiên là chúng tôi cũng không thể đóng 1 lúc hàng chục triệu đồng được, anh Hồng cũng đồng ý thu làm nhiều đợt”.
Do bị cắt nước vì đang thiếu nợ 130 triệu đồng với công ty cấp nước nên các hộ dân đã thống nhất tạm đóng 1/3 số tiền nước từ năm 2015 tới nay (thời điểm gần nhất mà ông Hồng đã chốt được sản lượng). Do không tính toán được cụ thể lượng nước tiêu thụ hàng tháng để áp giá nước bậc thang nên các hộ dân thống nhất mức giá 10.000 đồng/m3.
“Lúc họp thì cả 59 hộ đều đồng ý. Nói là đóng 1/3 nhưng nhà nào khó khăn có thể đóng ít hơn, cái cốt yếu là có tiền thanh toán cho công ty cấp nước để họ xả nước cho dân dùng. Họp thì thống nhất như vậy nhưng đến khi đi thu tiền thì gia đình ông Lục không chịu nộp”, ông Đào Văn Quang – một hộ dân thuộc xóm mới Hồng Yên cho biết.
Ngày 17/4, sau khi thanh toán đủ số nợ cho Công ty cổ phần cấp nước Diễn Châu, các hộ dân này đã được cấp nước trở lại, trừ hộ gia đình ông Nguyễn Đức Lục.
“Việc không thu tiền nước theo tháng là thiếu sót của tôi. Từ tháng tới, với chỉ số đã chốt ngày 14/4, tôi sẽ thu theo tháng. Trước mắt tôi sẽ họp với các hộ dân để thống nhất việc thanh toán số nước từ năm 2015 tới nay, còn thời gian trước năm 2015 thì cũng… chưa biết tính thế nào”, ông Trần Văn Hồng nói.
Hoàng Lam