Tăng học phí, tăng nguy cơ bỏ học?
Khi những thông tin nóng về dự án điều chỉnh học phí của Bộ Giáo dục - Đào tạo được đưa ra, nhiều phụ huynh học sinh, sinh viên nghèo… đã không giấu nổi sự lo lắng. Theo ý kiến của nhiều người, khung học phí dự kiến có thể là một cú sốc cho những học sinh nghèo.
Dưới đây là một số ý kiến của các độc giả:
Bạn Long Phạm: “Nông dân nghèo làm sao kham nổi?”
Một cuộc thăm dò tại Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) cho thấy cứ 100 sinh viên (SV) thì có tới 40 người có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, mỗi tháng chỉ chu cấp được 300.000-400.000đ. Thế nhưng nhiều lúc gia đình không thể gửi kịp, họ đành phải sống nhờ vào sự bao bọc của bạn bè.
Có tới hơn 60% SV hằng ngày phải làm việc bán thời gian để có thêm tiền học tập và phụ giúp gia đình. Khi chúng tôi hỏi 100 SV trên về vấn đề tăng học phí thì bạn nào cũng thốt lên là không hợp lý.
Nông dân Việt Nam thu nhập chủ yếu từ cây lúa, củ khoai, gốc sắn, một năm may ra dư được 1-2 triệu đồng là giỏi lắm rồi, đó là chưa nói tới những vùng quê đất cằn sỏi đá, thiên tai mất mùa sản phẩm làm ra không đủ cung cấp nhu cầu hằng ngày.
Bây giờ nếu tăng học phí tới hơn 37%, đối với những gia đình có 2-3 con học ĐH thì thử hỏi cha mẹ chúng tôi, những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, lấy đâu ra số tiền lớn cho con đóng học phí? Tôi có một bạn thân đang là SV năm thứ 3, gia đình có ba người theo học ĐH, khi nghe tin tăng học phí bạn đã nghẹn ngào kêu lên trong nước mắt: “Trời ơi! Mình phải nghỉ học giữa chừng mất thôi!”.
Bạn Mạnh Khôi: “Sẽ là một cú sốc lớn”
Thực tế với mức thu học phí hiện hành đã là gánh nặng cho không ít SV, có nhiều bạn cũng vì không đủ tiền đóng học phí mà phải bỏ học giữa chừng hoặc bị trễ thi... Trong khi đó ngân sách cho SV vay liên tục bị “nghẽn” nên SV càng khó khăn hơn và không biết dựa vào nguồn nào.
Tôi tin với khung học phí mà bộ dự kiến tiến hành từ học kỳ 2 năm học 2005-2006 sẽ là một cú sốc lớn cho đông đảo người học (khoảng 5-6 triệu người gồm cả học sinh THPT và HSSV các trường ĐH, cao đẳng...).
Tăng như thế nào để người học còn có thể xoay xở, có thể học tiếp chứ tăng theo cách mà bộ đang làm thì chắc người học... “rụng” hết (theo cách nói của SV). Tôi nghĩ khung học phí mà bộ định áp dụng cần phải được xem xét lại, phải có cách nào đó để SV nghèo có thể đi học được, có thể kham nổi học phí mới là giải pháp khoa học hiện nay.
Bạn Quang Kiệt: “Cần thực hiện theo lộ trình”
Với mức học phí mới thì e là học bổng có tăng lên đến 600.000 đồng/tháng như dự thảo thì cũng không làm người ta cảm thấy yên tâm. Và nếu như việc tăng học phí là điều không thể tránh khỏi thì cũng nên thực hiện nó theo một lộ trình nhất định, nghĩa là mỗi học kỳ tăng lên một ít.
Ví dụ: học kỳ 2 này sẽ tăng thành 250.000đ/tháng, rồi sau đó là 350.000đ/tháng chẳng hạn. Cũng là tăng học phí nhưng tăng chậm và từ từ sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn là đột ngột tăng lên quá cao như phương án đã đưa ra.
Nếu không cân nhắc kỹ càng mà vội vàng đưa ra quyết định, vội vàng áp dụng sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến đời sống, tâm lý HSSV và gia đình - là những người trực tiếp chịu tác động của đề án này.
Bạn Trần Hoàng Nhiên (Cà Mau): Làm sao thoát nghèo như cha mẹ nó?
Chúng tôi là CBCNV, cũng như người dân lao động bình thường, đồng lương của hai người cùng làm việc, theo lương mới hiện hành thì trên dưới 2,2 triệu đồng/tháng. Chi cho hai con đi học, một học ĐH được tạm tính như: tiền nhà trọ, điện, nước 200.000đ/tháng, tiền ăn 300.000đ/tháng, tài liệu học 100.000đ/tháng, học phí 900.000đ/tháng.
Nghĩa là phải chi 1,5 triệu đồng/tháng cho một đứa con học ĐH. Một đứa học phổ thông: 45.000đ/tháng, tập vở, ăn sáng 200.000đ/tháng. Tạm tính giá bình dân thôi, phải chi cho hai đứa học là 1,745 triệu đồng/tháng.
Như vậy: 2,2 triệu đồng - 1,745 triệu đồng = 455.000đ/tháng, chưa có tiền chi phí cần thiết trong nhà, vì con chúng tôi đa số học ĐH dân lập thì tiền còn phải cao hơn.
Đối với dân lao động như chạy xe ôm, bơm xe, sửa xe đạp thu nhập cũng gần như chúng tôi thì làm thế nào cho con theo học. Đời chúng tôi nghèo, nay cố gồng gánh cho con ăn học để thoát cảnh nghèo như cha mẹ nó, nhưng thất vọng rồi!... Bởi giá cả này chỉ có con nhà khá giả mới học nổi, còn người nghèo như chúng tôi phải đành cho con thất học nữa thôi.
Bạn Trần Đình: Tôi sẽ phải bỏ học!
Từ quê lên thành phố trọ học, mỗi năm tôi được ba mẹ chu cấp 6 triệu đồng bao gồm học phí và chi tiêu. Thêm một khoản tiền làm thêm nho nhỏ, tôi đã có thể yên tâm học hành mà không phải bận tâm lắm đến chuyện tiền nong. Nhưng một khi đề án “điều chỉnh” học phí được thực hiện, lo đủ tiền đóng học phí đã là một vấn đề không hề đơn giản. Ấy là gia đình tôi thuộc hàng khá giả ở làng.
Nhiều gia đình khác bao năm qua đã vô cùng lao đao, chạy vạy khắp nơi mới lo được tiền ăn học cho con. Nay với mức học phí mới, tôi không biết họ sẽ xoay xở bằng cách nào, nhất là khi giá cả mọi thứ đều tăng nhưng “lương” nông dân thì hầu như vẫn giậm chân tại chỗ.
Tăng học phí kiểu này e rằng tôi không bỏ học thì cũng phải làm “chuyên gia cúp tiết” để cày lưng làm thêm; ba mẹ tôi nếu không thường xuyên bán lúa non cũng sẽ phải nợ ngập đầu! Xin Bộ GD-ĐT chỉ giùm tôi làm thế nào để trụ lại giảng đường khi ba mẹ tôi khó lòng cho tôi hơn 6 triệu đồng/năm?
Theo Tuổi trẻ