1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Tăng giờ làm thêm lên 300 giờ: Chỉ “áp” với trường hợp đặc biệt

(Dân trí) - Dù UB Các vấn đề xã hội một lần nữa “bác” đề xuất tăng thời gian làm thêm từ mức 200 lên 360 giờ/năm, UB Thường vụ QH vẫn “nhượng bộ” chấp nhận quan điểm tăng giờ làm thêm với những lĩnh vực, trường hợp đặc biệt khi bàn sửa luật Lao động sáng nay.

Tăng giờ làm thêm lên 300 giờ: Chỉ “áp” với trường hợp đặc biệt - 1
Làm tăng giờ là đi ngược xu hướng tiến bộ. 

Nêu quan điểm về vấn đề này, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) Trương Thị Mai phân tích, giữ nguyên quy định về việc làm thêm giờ như hiện hành (làm thêm không quá 4 giờ 1 ngày, 200 giờ một năm) phù hợp với điều kiện và thể chất của người lao động Việt Nam hiện nay, đồng thời tạo cơ hội việc làm cho nhiều người lao động.

Còn việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ. Khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động được nâng lên thì giá trị sản phẩm tăng lên. Thời giờ làm việc giảm xuống sẽ bảo đảm sức khỏe và đời sống của người lao động.

Bà Mai cũng lo việc doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm để điều chỉnh giảm bớt tiền lương trong thực tế, giảm bớt chi phí đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, tạo cơ hội cho người sử dụng lao động khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động. Kinh nghiệm thực tiễn của một số nước cũng cho thấy, năng suất lao động của thời gian làm thêm giờ thường giảm sút và dễ gây ra tai nạn lao động.
Chốt lại nội dung này, UB Thường vụ Quốc hội thống nhất cơ bản giữ nguyên quy định về thời giờ làm thêm như luật hiện hành. Việc tăng giờ làm thêm lên mức 300 giờ chỉ áp dụng với một số trường hợp đặc biệt, trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù. Phương án cụ thể được giao Chính phủ quy định.

Về ý kiến đề nghị tăng mức lương làm thêm giờ ban đêm lên gấp đôi so với mức lương làm việc bình thường, các ý kiến trong UB Thường vụ khá thống nhất. Hiện nay, mức lương làm thêm đêm được quy định ít nhất là 180% lương giờ làm việc bình thường. Làm thêm ban đêm vào ngày nghỉ hàng tuần 230% làm thêm giờ ban đêm vào ngày nghỉ lễ tết là 330%. Trong điều kiện phát triển của nền kinh tế, Việt Nam đã bước vào nhóm nước thu nhập trung bình, quy định mức lương làm thêm giờ vào ban đêm tăng thêm khoảng 20% như đề xuất của cơ quan soạn thảo được đánh giá là phù hợp. Như cậy, các mức lương làm thêm giờ vào ban đêm sẽ tương ứng là 200%, 250% và 350%.

Trong các nội dung thảo luận khác, UB Thường vụ cũng thống nhất quy định tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng đối với lao động nữ nhưng cho phép người lao động có quyền đi làm sau khi nghỉ đủ 4 tháng trên cơ sở thỏa thuận với chủ sử dụng. Việc quy định mức sàn tối thiểu là 4 tháng và cho phép thời gian nghỉ thai sản tối đa 6 tháng là để phù hợp với điều kiện thực tế và các nhóm công việc khác nhau. Trên cơ sở đó tùy theo điều kiện mà lao động nữ có quyền lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ trong khoảng thời gian 4 tháng đến 6 tháng và vẫn được hưởng đủ 6 tháng trợ cấp thai sản.


P.Thảo