Tăng cường hợp tác Việt Nam – Trung Quốc trong vùng Vịnh Bắc Bộ
(Dân trí) - Ngày 11/5, tại TP Hạ Long, (Quảng Ninh), Học viện Ngoại giao và Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Tăng cường hợp tác Việt Nam-Trung Quốc trong vùng Vịnh Bắc Bộ.”
Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc đã có những thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Tham dự Hội thảo có trên 70 đại biểu, trong đó có 18 chuyên gia, học giả Trung Quốc từ các cơ quan khác nhau từ Bắc Kinh, Quảng Châu, Quảng Tây, Vân Nam, Hải Nam, cùng đại biểu nhiều sở, ban, ngành, địa phương và cơ quan nghiên cứu Việt Nam. Hội thảo cũng có mặt của học giả Thụy Điển và đại diện Sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.
Phát biểu về mục đích tổ chức Hội thảo, Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao nhận định: “Từ khi các Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định về Hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc có hiệu lực, hợp tác giữa hai bên trên Vịnh Bắc Bộ đã có những thay đổi về chất theo hướng tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, thách thức mà hai nước, lãnh đạo và nhân dân các địa phương xung quanh vịnh Bắc Bộ cần phải nỗ lực giải quyết để thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai bên.”
Do đó, Đại sứ cho biết mục đích của Hội thảo là ôn lại và áp dụng các bài học của quá trình phân định Vịnh Bắc Bộ, quá trình đàm phán Hiệp định nghề cá vào thực tiễn thúc đẩy hợp tác giữa nước, giữa các địa phương xung quanh vịnh; đánh giá quá trình hợp tác trên Vịnh Bắc Bộ trong 15 năm qua, rút ra những kinh nghiệm thành công, chưa thành công; và kiến nghị các biện pháp để nâng cao hiệu quả hợp tác trên Vịnh Bắc Bộ “để Vịnh Bắc Bộ mãi mãi là nguồn sống bền vững cho nhân dân xung quanh vịnh, để hợp tác Việt-Trung trên Vịnh Bắc Bộ tiếp tục là hình mẫu điển hình của quan hệ giữa hai nước.”
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết: “Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định về hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ là cơ sở giúp cho tỉnh Quảng Ninh cũng như các tỉnh có chung Vịnh Bắc Bộ tiếp thu các phương thức quản lý vận hành thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế biển, duy trì môi trường đầu tư, kinh tế, thương mại, du lịch, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hợp tác về khoa học công nghệ, hợp tác trong bảo vệ môi trường giữa tỉnh Quảng Ninh với các tỉnh, thành phố của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; phối hợp tuần tra chung đảm bảo an toàn cho ngư dân, tàu thuyền đi biển, duy trì hòa bình và thúc đẩy hợp tác trên biển nói chung và Vịnh Bắc Bộ nói riêng.”
Nhìn lại kinh nghiệm đàm phán về phân định và hợp tác trên biển, các đại biểu cho rằng, các yếu tố quan trọng giúp hai nước đạt được thành công trong hợp tác về phân định biển tại Vịnh Bắc Bộ là quyết tâm chính trị để giải quyết vấn đề; sự thấu hiểu lẫn nhau về các lợi ích của mỗi bên và đồng thuận về cách thức giải quyết tranh chấp dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế; và tinh thần nhân nhượng lẫn nhau trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc để tìm ra giải pháp thiết thực cho các vấn đề tranh chấp phức tạp. Chính thành công trong việc phân định biển theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Luật biển 1982, tính đến lợi ích trực tiếp của nhân dân hai nước đã giúp tạo tiền đề thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nghề cá cũng như các lĩnh vực thiết yếu đối với an ninh, xã hội, phát triển kinh tế biển… của hai quốc gia ở khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Đánh giá về thực trạng triển khai hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam trong vùng Vịnh Bắc Bộ, các đại biểu cho rằng Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định về hợp tác nghề cá trong vùng Vịnh Bắc Bộ mà hai nước ký kết năm 2000 đã xác định rõ phạm vi và tạo ra được một khuôn khổ pháp lý quốc tế rõ ràng, thuận lợi, tạo điều kiện cho mỗi nước bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế các vùng biển và thềm lục địa của mình trong vùng Vịnh Bắc Bộ, đồng thời cũng tạo điều kiện cho hai bên có cơ sở thúc đẩy hợp ác nhằm phát triển bền vững nguồn lợi hải sản Vịnh Bắc Bộ, duy trì sự ổn định trong Vịnh, tăng cường sự tin cậy và phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị, góp phần tăng cường hoà bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý rằng, tình trạng các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong Vịnh Bắc Bộ đang ngày càng xuống cấp, đặc biệt là chất lượng các loài cá có giá trị kinh tế cao đang ngày càng suy giảm, nhiều loài có nguy cơ kiệt quệ do khai thác quá mức; môi trường biển bị đe dọa ngày càng nghiêm trọng bởi ô nhiễm từ ven bờ và trên vùng nước của vịnh, sự gia tăng các mối đe doạ về cướp biển, buôn lậu, tội phạm xuyên biên giới… trong khu vực vùng Vịnh Bắc Bộ đang đặt ra yêu cầu hai bên phải tăng cường nỗ lực hợp tác để giải quyết các thách thức chung, đảm bảo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững của hai nước.
Qua phân tích, thảo luận thực trạng môi trường sinh thái, an ninh, kinh tế Vịnh Bắc Bộ, các đại biểu đã đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách để tăng cường hợp tác hiệu quả giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc nói chung và giữa các địa phương quanh vùng Vịnh Bắc Bộ nói riêng.
Theo đó, hai bên cần tăng cường các cơ chế tham vấn phối hợp xử lý các vấn đề về nghề cá, duy trì an ninh, bảo vệ môi trường biển ở vùng Vịnh. Hai bên cũng cần xem xét tăng cường tần suất trao đổi, thông tin liên lạc, chia sẻ cơ sở dữ liệu, tăng cường tuần tra chung; xem xét lập quỹ hỗ trợ triển khai các dự án hợp tác biển; thành lập các cơ quan đầu mối để tăng cường tham vấn phối hợp trong từng lĩnh vực giữa hai nước, cũng như giữa trung ương và địa phương mỗi quốc gia. Đặc biệt, các địa phương quanh vùng Vịnh Bắc Bộ cần hợp tác tốt hơn trong thực hiện các quy định quốc tế về môi trường, hợp tác trong kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, tăng cường chia sẻ thông tin, đầu tư, thương mại và du lịch, giao thông hàng hải, tìm kiếm cứu nạn…
Kết thúc Hội thảo, các đại biểu đều thống nhất cho rằng chính thành công trong phân định biển theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, tính đến lợi ích trực tiếp của nhân dân hai nước đã giúp tạo tiền đề thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nghề cá cũng như các lĩnh vực thiết yếu đối với an ninh, xã hội, phát triển kinh tế biển… của hai quốc gia.
Trong thời gian tới, hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa các địa phương ven vùng Vịnh Bắc Bộ sẽ càng tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu lực, hiệp quả trong việc tổ chức thực hiện thành công các hiệp định mà hai nước đã ký kết trong vùng Vịnh Bắc Bộ, tăng cường lòng tin, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác lâu dài giữa hai nước.
Tuấn Hợp