TAND Tối cao sẽ chỉ dựng 1 tượng vua Lý Thái Tông tại trụ sở mới

(Dân trí) - “TAND Tối cao chỉ có kế hoạch xây dựng 1 bức tượng đặt tại Quảng trường Công lý - Trụ sở mới của TAND Tối cao tại 43 Hai Bà Trưng, Hà Nội”.

Tại cuộc họp Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Tông và cố Chánh án TAND Tối cao các thời kỳ vào chiều 28/4, ông Ngô Tiến Hùng - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn TAND Tối cao khẳng định, việc lựa chọn nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam đã được triển khai thưc hiện trong suốt gần 2 năm qua.

TAND Tối cao sẽ chỉ dựng 1 tượng vua Lý Thái Tông tại trụ sở mới - 1

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình chủ trì cuộc họp.

TAND Tối cao đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Viện sử học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Viện Trần Nhân Tông - Đại học Quốc gia Hà Nội,…

Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực lịch sử, văn hóa như GS.TS khoa học Vũ Minh Giang, Nhà sử học Dương Trung Quốc, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, PGS.TS Vũ Văn Quân, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ,…

Tại hội thảo, TAND Tối cao đã tiến hành lấy ý kiến của các đại biểu tham dự đối với 15 nhân vật lịch sử tiêu biểu. Kết quả 75% các chuyên gia, nhà sử học, nhà khoa học lựa chọn vua Lý Thái Tông là nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, TAND Tối cao đã tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, công chức trong hệ thống toà án đối với các nhân vật lịch sử. Kết quả, 82% ý kiến đã lựa chọn vua Lý Thái Tông là nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam.

“Qua các cơ quan báo chí, TAND Tối cao đã nhận được nhiều ý kiến tham gia, góp ý, trong đó có nhiều ý kiến đồng tình và đánh giá cao hoạt động đầy ý nghĩa này. Bên cạnh đó cũng có những ý kiến không đồng thuận, phản đối việc dựng tượng này”- ông Hùng nói.

Tuy vậy, người phát ngôn TAND Tối cao khẳng định, việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông là hành động thiết thực, ý nghĩa để tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn cho đất nước, dân tộc của các bậc tiền nhân, đặc biệt, là những công trạng trong lĩnh vực xét xử và tư pháp.

Thông qua nhân vật tiêu biểu có thật trong lịch sử, đại diện cho hoạt động xét xử của Việt Nam sẽ khơi dậy niềm tự hào, giáo dục truyền thống cho các thế hệ về giá trị lịch sử và lịch sử vẻ vang của dân tộc. Tượng vua Lý Thái Tông còn góp phần giáo dục tinh thần thượng tôn pháp luật đã tồn tại từ lâu trong lịch sử dân tộc để nhân dân và đội ngũ những người tiến hành tố tụng kế thừa và phát huy.

“TAND Tối cao chỉ có kế hoạch xây dựng 1 bức tượng đặt tại Quảng trường Công lý - Trụ sở mới của TAND Tối cao tại 43 Hai Bà Trưng, Hà Nội. Thiết kế và kinh phí xây dựng tượng này nằm trong gói dự án xây dựng trụ sở TAND Tối cao đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay, TAND Tối cao không có chủ trương dựng và đặt tượng tại các tòa án khác”- ông Hùng nhấn mạnh tại cuộc họp.

Đại diện TAND Tối cao cho rằng, việc xây dựng tượng đang được TAND Tối cao và Hội đồng nghệ thuật triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Vì thế, cơ quan này đề nghị Hội đồng nghệ thuật thảo luận, cho ý kiến về các mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông (kiểu, loại tượng; chất liệu, kích thước tượng) và kết luận cho phép tiến hành xây dựng khi mẫu phác thảo đã đạt được yêu cầu về nội dung và chất lượng nghệ thuật.

TAND Tối cao sẽ chỉ dựng 1 tượng vua Lý Thái Tông tại trụ sở mới - 2

Mẫu phác thảo số 1 (trái) nhận được nhiều ý kiến đồng thuận.

Nghiêng về mẫu tượng số 1

Trong 3 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông, đa số các ý kiến của các nhà sử học, nhà điêu khắc và cơ quan quản lý có mặt đồng ý với mẫu số 1, nhưng đề nghị hoàn chỉnh các chi tiết, tạo hình cho phù hợp hơn nữa.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho rằng việc lựa chọn đã được tiến hành rất kỹ lưỡng.

“Thời kỳ đó hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp đều “quện” vào ông hoàng đế, chứ không rạch ròi. Có người nói đặt tượng vua Lý Thái Tông ở Quốc hội thì đúng hơn. Nhưng nghiên cứu thấy hoạt động xét xử của ông cũng rất nổi bật, nên chúng tôi thấy đặt ở TAND Tối cao là hoàn toàn chính xác”- ông Ngọc nói.

Trong khi đó, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá, việc sáng tạo hình tượng vua Lý Thái Tông rất khó khăn vì dữ liệu lịch sử, hiện vật rất ít nên rất cần nhận được sự chia sẻ.

Thế Kha