1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Phú Yên

Tận thu gỗ gãy đổ sau bão, chặt cả cây... không đổ

(Dân trí) - Lợi dụng chính sách cho phép tận thu gỗ rừng bị gãy đổ sau bão số 12 vừa qua, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Hòa (Phú Yên) đã đốn hạ cả những cây không hề bị gãy, đổ. Việc làm này được các ngành chức năng tỉnh Phú Yên bước đầu kiểm tra là sai quy định.

Có dấu hiệu trục lợi từ tận thu rừng trồng dầu rái, sao đen

Khu rừng trồng dầu rái, sao đen này thuộc tiểu khu V9.2 thuộc thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa với tổng diện tích 83,4 ha được trồng đã hơn 24 năm tuổi. Rừng được Ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Tây Hòa (Phú Yên) quản lý.

Cơn bão số 12 (tháng 11/22017) đổ bộ vào Phú Yên đã gây thiệt hại tại khu vực rừng này từ 5 - 10%. Trước việc rừng ngã đổ, căn cứ các quy định của Bộ NN&PTNT và hướng dẫn của Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, khu rừng này được cho phép tận thu những cây ngã đổ, phát dọn thực bì để phòng cháy chữa cháy.

Đoàn công tác của sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên đang kiểm tra thực tế tại hiện trường
Đoàn công tác của sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên đang kiểm tra thực tế tại hiện trường

Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên: “Những cây đổ, ngã được cho phép tỉa thưa nhưng phải đúng qui định. Tức là phải có hồ sơ, khi khai thác phải có báo cáo cho hạt kiểm lâm sở tại để phối hợp giám sát, thu gom bán đấu giá, bán theo qui định của nhà nước”.

Thế nhưng ghi nhận của PV báo Dân trí tại khu vực trên, nhiều cây dầu rái, sao đen đã được khai thác, trong đó có nhiều cây không đổ vẫn được đốn hạ.

Nhiều cây dầu rái, sao đen không ngã đổ nhưng vẫn bị đốn hạ
Nhiều cây dầu rái, sao đen không ngã đổ nhưng vẫn bị đốn hạ

Tổng số lượng cây mà Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Tây Hòa tận thu khoảng 300 cây với sản lượng gỗ, củi tận thu hơn 45 m3. Điều đáng nói ở đây là khi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên kiểm thực tế gỗ, củi đã khai thác tập kết tại bãi của đơn vị này thì chỉ còn lại vài khúc gỗ tròn, số lượng ít hơn rất nhiều so với số lượng thực tế khai thác.

Trả lời việc khai thác rừng trồng trên, ông Phan Phiến, Giám đốc Ban QLRPH Tây Hòa, cho biết: “Dọn dẹp để phòng cháy. Việc dọn dẹp này phải báo qua kiểm lâm. Nhưng Ban báo cáo muộn" (?). Về việc gỗ khai thác bị thất thoát, ông Phiến nói: “việc này phải chờ Hạt Kiểm lâm kiểm điểm mới xác định được…”.

Số lượng gỗ tập kết của Ban QLRPH Tây Hòa ít hơn so với số lượng khai thác thực tế
Số lượng gỗ tập kết của Ban QLRPH Tây Hòa ít hơn so với số lượng khai thác thực tế

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên cho tận thu nhưng Ban QLRPH Tây Hòa phải làm đúng qui định, phải có hồ sơ khai thác, khi khai thác phải báo cáo cho Hạt Kiểm lâm huyện Tây Hòa để phối hợp giám sát, thu gom gỗ tận thu, tổ chức bán theo qui định của nhà nước.

Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên: “Hiện nay sở đang chỉ đạo cho Hạt Kiểm lâm kiểm tra lại. Ban quản lý có báo cáo giải trình. Trên cơ sở báo cáo đó, Sở sẽ tổ chức kiểm tra nếu thấy nghiêm trọng thì tùy theo mức xử lý”.

Trung Thi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm