1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đắk Lắk:

Tàn sát voi rừng Tây Nguyên

(Dân trí) - Vụ 2 con voi rừng bất ngờ bị chết tại tiểu khu 257 - VQG Yok Đôn được người dân phát hiện hôm 25/8 khiến dư luận cả nước xôn xao và một lần nữa gióng lên hồi chuông về sự “tuyệt chủng” của đàn voi rừng Việt Nam.

Chuyến đi không trở về!

Nhận được thông tin 2 con voi rừng bất ngờ bị chết tại VQG Yok Đôn, sáng 26/8, phóng viên Dân trí đã tức tốc lên đường đến hiện trường. Vượt gần 100km đường bộ từ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, khoảng 11h trưa, chúng tôi chính thức đặt chân lên VQG Yok Đôn - một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, để đến được hiện trường 2 con voi chết, chúng tôi phải nhờ đến sự “hộ tống” của lực lượng kiểm lâm. Từ trục đường chính VQG Yok Đôn dẫn vào trạm kiểm lâm số 11, chúng tôi tiếp tục vượt hơn 5km đường rừng ngoằn nghoèo, gồ ghề và băng qua 2 con suối chảy xiết bằng xe máy “độ” của kiểm lâm trước khi đến hiện trường.

Phần vòi đứt ra khỏi thân, phần mặt voi bị lấy đi.
Phần vòi đứt ra khỏi thân, phần mặt voi bị lấy đi.

Khoảng 11h30, chúng tôi đặt chân lên địa phận tiểu khu 257 - VQG Yok Đôn - nơi 2 con voi rừng bị chết, tuy nhiên, do “đường rừng ngõ cụt” chúng tôi phải bỏ xe men theo lối mòn quanh co trong rừng chừng 15 phút mới đến nơi. Khu vực phát hiện voi chết, được xác định tọa độ 48P 0789.227; UTM 144.6270 - thuộc khoảnh 7 - tiểu khu 257 - phạm vi quản lý trạm kiểm lâm số 11 - VQG Yok Đôn (nằm trên địa phận hành chính xã Ea Bung, huyện Ea Súp, Đắk Lắk). Đây cũng là vùng lõi, thuộc về phía bắc VQG Yok Đôn.

Toàn cảnh hiện trường 2 con voi rừng bị chết tại tiểu khu 257 - VQG Yok Đôn.
Toàn cảnh hiện trường 2 con voi rừng bị chết tại tiểu khu 257 - VQG Yok Đôn.

Khi chúng tôi đến, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục khẩn trương khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi voi chết. Dù đứng khá xa cách vị trí thây voi nhưng do xác voi đang trong quá trình phân hủy, thối rữa cộng với nhiệt độ nắng trưa “dội xuống”, sau đó mưa rừng dầm dề, mùi hôi thối “xốc” lên nồng nặc. Người ta phỏng đoán từ quan sát hiện trường và sự thối rữa xác voi, thời điểm 2 con voi rừng bị chết khoảng một tuần trở lại. Chứng kiến cảnh 2 con voi rừng, một đực, một cái “to đùng” ước tính khối lượng lên đến hàng tấn, thân hình trương, nứt, trên mình xuất hiện nhiều vết mổ xẻ, một số bộ phận trên cơ thể voi mất đi, xác 2 con voi nằm ngổn ngang cách nhau khoảng 5m giữa rừng khiến nhiều người chứng kiến không khỏi xót xa.

Căn cứ dấu vết để lại trên thân hình, nhiều người phỏng đoán đây là vụ tàn sát voi rừng dã man đáng lên án. Bởi qua kiểm tra ban đầu của cơ quan chức năng, con voi đực bị đã bị xẻ lấy đi phần xương mặt, một đoạn vòi đã rơi ra khỏi phần xương mặt.

Vị trí 2 con voi rừng chết nhìn từ xa.
Vị trí 2 con voi rừng chết nhìn từ xa.

Ông Nguyễn Quốc Lập - Trạm trưởng trạm kiểm lâm số 11 - VQG Yok Đôn cho biết 2 con voi rừng bị chết được người dân đi cắt cỏ, hái thuốc trong rừng phát hiện trưa ngày 25/8 (khoảng 10h45), ngay sau đó họ thông báo cho lực lượng kiểm lâm của trạm. Cũng theo vị trạm trưởng trạm kiểm lâm số 11, thời điểm này Đắk Lắk đang mùa mưa nên 2 con voi này có thể nằm trong số đàn voi từ Campuchia di trú về Yok Đôn (gồm khu vực huyện Ea Súp, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) để kiếm ăn các loại hoa màu, ngô, khoai, sắn… ở các vùng rừng đệm. Nếu đúng như lời vị trạm trưởng trạm kiểm lâm số 11, thì chuyến đi của 2 con voi trên (nhiều khả năng là trong số đàn voi khoảng 30 con được lực lượng kiểm lâm VQG Yok Đôn vừa phát hiện trong tháng 8) là chuyến đi không trở về! Nhiều người ví von, đàn voi đó chắc “thất thanh”, một đi không trở lại…

“Voi chết có thể săn bắn để lấy ngà…”

Sau khi kết thúc sơ bộ khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi vào trưa qua (26/8), theo nhận định bước đầu của Thượng tá Trần Mạnh Hiếu - Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT công an huyện Ea Súp thì 2 con voi rừng bị chết tại tiểu khu 257 có dấu hiệu tác động từ ngoại lực, chứ không phải do bệnh mà chết. Ông nói: “Qua khám nghiệm hiện trường, chúng tôi thấy 2 con voi có vòi bị cắt rời ra có thể khẳng định rằng 2 con voi có dấu hiệu tác động từ ngoại lực nên chúng tôi sẽ tích cực điều tra làm rõ nguyên nhân voi chết…”.

Cũng theo Thượng tá Trần Mạnh Hiếu, sau khi nhận được thông tin có 2 con voi chết tại tiểu khu 257 - trạm kiểm lâm số 11 - VQG Yok Đôn, Cơ quan CSĐT huyện Ea Súp đã nhanh chóng trao đổi thông tin với Cơ quan CSĐT huyện Buôn Đôn, cùng với Công an tỉnh Đắk Lắk, VKS 2 huyện (Buôn Đôn và Ea Súp - PV), cùng VQG Yok Đôn thành lập lực lượng nhanh chóng điều tra, xác minh.

Vị trí 2 con voi rừng chết nhìn từ xa.
 Theo Thượng tá Trần Mạnh Hiếu - Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT công an huyện Ea Súp thì 2 con voi rừng bị chết tại tiểu khu 257 có dấu hiệu tác động từ ngoại lực, chứ không phải do bệnh mà chết.

Cùng ngày, ông Trần Văn Thành - quyền Giám đốc VQG Yok Đôn cũng cho biết về nguyên nhân voi chết phải chờ kết quả điều tra, phân tích, xét nghiệm của khoa học hình sự. Tuy nhiên, theo ông Thành, không loại trừ khả năng 2 coi voi rừng chết là do bị săn bắn để lấy ngà. Ông nói: “Những khu rừng này trong thời gian qua chúng tôi đã kiểm tra khá nghiêm ngặt, thường xuyên, tuy nhiên, khi lâm tặc đã cố tình đi săn bắn thì rất khó để ngăn chặn…”.

Vị quyền giám đốc VQG Yok Đôn cho biết thêm, hiện xác 2 con voi sẽ được lực lượng kiểm lâm của VQG Yok Đôn bảo vệ cho đến ngày bàn giao Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam. Đồng thời, vụ việc đã được báo cáo với cơ quan chủ quản là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để có sự chỉ đạo, hỗ trợ tiếp theo.

Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường.
Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường.

Được biết, Đắk Lắk là một trong những tỉnh có số lượng đàn voi lớn nhất cả nước, khoảng hơn 140 con voi nhà lẫn voi rừng; trong đó voi rừng ở tỉnh này tập trung vào 3 khu vực chủ yếu phía Bắc - Tây bắc Ea Súp; VQG Yok Đôn và Tây bắc Ea H’leo. Trước đó, trong vòng một tuần (26/3-31/3/2012), tại đại bàn huyện Ea Súp, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện 3 con voi bị chết. Trong đó, có một con voi đực nặng khoảng 1,5 - 2 tấn đang trong quá trình phân hủy được phát hiện tại tiểu khu 238, xã Ea Bung, huyện Ea Súp. Phần ngà, đuôi, vòi, khúc chân bên trái và nhiều phần thân thể bị lấy mất, trong khi phần đầu voi bị đục tung.

Viết Hảo