1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

Tan nát thượng nguồn sông vì “chảy máu” vàng

Ngoài 2 dòng sông chính là Thu Bồn và Vu Gia, Quảng Nam còn có hàng trăm khe suối và sông nhỏ tạo nên hệ thống sông hết sức phong phú. Tuy nhiên hệ thống sông, suối ở đây hầu hết đổi màu vì nạn khai thác vàng quá sức.

Tan nát thượng nguồn sông vì “chảy máu” vàng - 1
Thượng nguồn sông Thu Bồn đang bị băm nát để làm vàng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện Quảng Nam có khoảng 14 đơn vị khai thác vàng có phép. Bên cạnh đó còn có hàng trăm điểm khai thác vàng tự phát của dân tứ xứ.

Là “rốn vàng” của đất nước nhưng chính quyền các huyện Phước Sơn, Hiệp Đức, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang… đều không biết được lượng vàng khai thác là bao nhiêu.

Bó tay với lượng vàng khai thác

Ông Nguyễn Tâm Miễn (72 tuổi), nguyên giám đốc mỏ vàng Bồng Miêu, cho biết, ông đã lặn lội khắp các vùng núi của Việt Nam để khoan cọc thử quặng cho hàng loạt đơn vị khai thác vàng có nhu cầu, trong đó có việc khoan cọc cho các chuyên gia của các nhà đầu tư lớn nước ngoài.

Nhưng phải gọi tên cho đúng thì Quảng Nam chính là “rốn vàng” của cả nước, trong đó nổi bật là vùng núi của huyện Phước Sơn. Nếu như tại mỏ vàng Bồng Miêu có hàm lượng từ 3 - 5g vàng/1 tấn quặng, thì tại Phước Sơn là 13g vàng/1 tấn quặng. Điều này minh chứng vì sao người ta đổ xô về đây đào vàng, có phép lẫn không phép.

Năm 1993 đoàn địa chất của liên đoàn địa chất Trung Trung bộ đánh giá, tại mỏ vàng Phước Thành (huyện Phước Sơn) có trữ lượng rất cao. Cấp dự báo đánh giá thăm dò là trên 14 tấn vàng, mỏ vàng Kim Phước trên 7 tấn, Phước Hiệp trên 9 tấn…

Ngoài ra, có đến 13 vị trí khác có vàng được phân bố rải rác trên toàn bộ 10.000km2 của tỉnh Quảng Nam. Các mạch vàng này hầu hết đều có giá trị khai thác và được cục Địa chất quản lý.

Tuy nhiên, trước câu hỏi lượng vàng người ta khai thác được là bao nhiêu thì lãnh đạo nhiều huyện trả lời: “bó tay”.

Ông Bling Mia, Phó Chủ tịch huyện Tây Giang thiệt lòng: “Chúng tôi không hề biết được lượng vàng các công ty khai thác thực tế được là bao nhiêu. Họ không báo cáo phòng Tài nguyên và môi trường và chính quyền cũng không giám sát việc khai thác của họ, chỉ nghe ai cũng nói toàn là lỗ”.

Ông Đỗ Tài, Phó Chủ tịch huyện Đông Giang cũng nằm trong cảnh mù mờ tương tự: “Họ báo cáo bao nhiêu biết bấy nhiêu. Ngay cả tỉnh và sở Tài nguyên và môi trường cũng không bao giờ biết được vàng họ đào được bao nhiêu. Doanh nghiệp chỉ nộp thuế theo khảo sát đánh giá của họ… Tài nguyên thất thoát là cái chắc”.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Chánh văn phòng UBND huyện Hiệp Đức cho hay: “Thuế tài nguyên Nhà nước thu thì rẻ mạt. Chủ yếu là các khoản thu ngoài mà những doanh nghiệp này tự đóng cho chính quyền, đầu tư cơ sở hạ tầng lại cho người dân mà thôi…”

Không còn dòng sông xanh

Đầu tháng 6/2009, chúng tôi đã có cuộc khảo sát gần năm huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Đến đó mới chứng kiến được cảnh những dòng sông đang bị “bức tử” vì vàng.

Từ hạ lưu sông Vu Gia chúng tôi ngược dòng về thượng nguồn, men theo một nhánh của dãy Trường Sơn Đông nằm sát bên đường Hồ Chí Minh.

Dòng sông trở nên nham nhở lạ thường, những mép nước sụt sâu xuống giữa dòng và khoảng cách giữa bãi bờ và dòng nước ngày càng cách biệt khá xa. Những hố đá ngầm nằm chỏng chơ trên mặt sông bởi cát quanh nó đã được đào xới đãi vàng sa khoáng.

Cũng nằm trên nhánh sông này, đoạn qua xã Cà Dy, thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang), nước sông đỏ ối một màu. Ngay ven sông gần năm chiếc tàu khai thác đang ầm ào chạy hết công suất.

Phó chủ tịch HĐND xã Cà Dy, ông Bling Đắc, than thở: “Ngày xưa, sông xanh cá nhiều lắm. Chừ nước đỏ quanh năm, nhiều năm rồi người đồng bào chúng tôi chưa thấy con cá dưới suối ra sao…”.

Ông Bling Đắc cho biết thêm, nước đãi vàng gốc (vàng xay lấy từ đá, đánh hầm) từ huyện Phước Sơn đổ về làm các con sông qua Nam Giang đỏ đục quanh năm.

Từ Nam Giang theo đường Hồ Chí Minh qua Đông Giang và ngược về huyện Tây Giang xa xôi của Quảng Nam, đâu đâu cũng thấy các con sông đang bị xới tung bởi các phương tiện cơ giới. Nhiều con tàu cuốc và các thiết bị lắp ráp nó nằm tập kết sẵn sàng trên đường Hồ Chí Minh chờ đưa vào vận hành khai thác.

Huyện Tây Giang có hai đơn vị khai thác vàng là công ty TNHH TM DV Hữu Sơn và công ty TNHH TMDV Tân Nghĩa Sơn, đang khai thác ở thượng nguồn dòng A Vương.

Hơn 5km của con sông này đoạn qua Tây Giang bị xới tung và nhiều đống đất đá như bãi chiến trường cao chất ngất vẫn nằm bên dòng sông đục. Tương tự như dòng A Vương, con sông Vàng đoạn qua xã Ba của huyện Đông Giang cũng lâm vào cảnh tương tự.

Đại công trường khai thác vàng sa khoáng có quy mô lớn nhất tại Quảng Nam là tại xã Hiệp Hoà, huyện Hiệp Đức, nằm thượng nguồn con sông lớn nhất Quảng Nam, sông Thu Bồn. Con sông xanh và đẹp nhất Quảng Nam này bỗng chốc trở thành dòng sông đục ngầu và ô nhiễm.

Tháng 4/2009, chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Nam đã lấy ba mẫu nước con sông này đem xét nghiệm và kết quả cho thấy nước sông đã bị ô nhiễm. Các chất thải hoà trong nước sông Thu Bồn đều vượt ngưỡng cho phép từ 1,5 - 4 lần. Trong đó, đặc biệt là dầu mỡ, chất rắn lơ lửng và oxy sinh học.

Theo Tấn Phong
Báo SGGT