Kon Tum:
Tan hoang nơi dòng sông chảy ngược
(Dân trí) - “Chạy lũ gấp, không mang kịp tài sản gì, có trăm triệu tiền đền bù dự án đường Hồ Chí Minh, vợ tôi xách giỏ theo. Khi tìm được thi thể vợ, chiếc giỏ vẫn cầm chắc trên tay còn tiền thì trôi theo dòng nước”, anh Tĩnh nói, mắt nhìn xa ra dòng sông.
Phía Nam cầu ĐăkBlă, dọc theo đoạn đường Phạm Văn Đồng (phường Lê Lợi), sau lũ hàng trăm ngôi nhà đổ nát, tốc mái, xiêu vẹo. Đứng trên cầu nhìn xuống, dòng sông cuồn cuộn chảy xiết một màu đỏ ngầu. Gần đó cánh đồng mía, sắn ven sông ngã rạp, ngâm trong bùn.
Chưa hết bàng hoàng về cơn lũ lịch sử vừa xảy ra, bà con nhân dân phường Lê Lợi tạm gác việc dọn dẹp nhà để đến tiễn đưa 2 mẹ con chị Võ Thị Bích Huệ và con gái Phan Thị Bích Phượng về với đất.
Anh Phan Văn Tĩnh - chồng chị Huệ kể lại: rạng sáng 29/9, khi nước dâng cao, cả nhà hốt hoảng. Do nhà đang xây dựng, mọi thứ ngổn ngang. Anh Tĩnh cõng đứa con trai nhỏ đi trước, chị Huệ và cháu Phượng nắm tay theo sau.
Thế nhưng, khi đặt chân ra đến mặt đường, quay đầu nhìn lại anh bàng hoàng khi không thấy vợ và con gái đâu, ngôi nhà đang xây dang dở cũng bị nước lũ đánh vỡ toang. Anh khản cổ gào khóc gọi vợ con.
“Chạy lũ gấp, không mang kịp tài sản gì. Có trăm triệu tiền giải tỏa đền bù trong dự án đường Hồ Chí Minh, vợ tôi kịp mang xách giỏ theo. Khi tìm được thi thể vợ, chiếc xách giỏ vẫn được vợ cầm chắc trên tay còn tiền thì trôi theo dòng nước” - anh Tĩnh nói, mắt nhìn xa xa ra dòng sông.
Đứng trên cầu ĐăkBlă, cầm ống điếu rít từng hồi, ông Phan Trọng Thanh (56 tuổi) vẫn đăm chiêu nhìn xuống dòng sông. “Bao nhiêu tài sản đi hết rồi chú. Thân già này chỉ còn một bộ đồ trên người ướt hết” - ông Thanh chua chát.
Ông kể, cách đây vài tháng, khi công trình bờ kè phía Nam dòng sông ĐăkBlă khởi công, ông cùng người cháu Hồ Văn Thái hùn vốn để đấu thầu xây dựng bờ kè. Bao nhiêu tiền của ông tích góp cả tỷ bạc vào để mua máy trộn bê tông, làm lán trại, thuê nhân công…
Đêm 29/9, khi nước càng lúc càng dâng cao, tiếc của, ông Thanh bảo công nhân di dời sang bờ Bắc tránh lũ, còn ông ở lại trông coi công trình. Vậy mà, nước lũ đã đánh trôi toàn bộ lán trại, máy móc, tiền của của ông cùng với bờ kè mới xây được khoảng 200m.
“Tháng trước cũng có lũ nhưng đâu có kinh khủng thế này. Lúc đi đánh giặc tôi đánh được nhưng với lũ lần này thì bó tay” - ông Thanh lắc đầu trong sự bất lực.
Ngồi bên lề đường nhìn vào một bãi đất trống, người đàn ông già nua khó có ai ngờ vừa bước qua tuổi 55 - Nguyễn Xuân Hương chỉ cho tôi biết: “Nhà của chú đó con”. Một khoảnh đất trống chỉ còn đọng lại toàn là bùn, nước và hàng cây dừa ngã rạp phía sau. 2 ngày trước, căn nhà cấp 4 này còn là mái ấm cho 5 người trú ngụ.
Chú Hương kể, có 2 đứa con đi học đại học ở xa, nhà chỉ còn 2 vợ chồng và ông cụ già 95 tuổi. Rạng sáng ngày 29/9, khi nước dâng cao, 2 vợ chồng chú lo đưa cha đi tránh lũ trước. Khi quay về nhà thì không biết đâu là nhà mình nữa.
Đến khi nước rút, căn nhà chỉ còn lại là bãi đất trống. “Đến cái chén cũng không còn để ăn mì tôm cứu trợ chứ nói gì đến quần áo, tài sản và tiền bạc hả cháu?!” - dòng lệ ngân ngấn nơi khóe mắt của người đàn ông già hơn tuổi.
Tan hoang nơi bờ Bắc
Dọc bờ kè phía bờ Bắc cầu ĐăkBlă (phường Quyết Thắng) hàng chục căn nhà tan hoang sau lũ, 41 căn nhà đã không còn dấu vết. Hàng trăm người dân đang sống trong cảnh chiếu đất màn trời.
Con đường Trương Quang Trọng chạy dọc bờ kè sông ĐăkBlă mới ngày nào còn thanh bình thơ mộng. Những quán xá đông đúc, thoáng mát vậy mà giờ chỉ còn là khung cảnh xơ xát. Dọc 2 bên đường, chỉ còn lại vài căn nhà nhưng nhà nào cũng trống bởi bao nhiêu bàn ghế, giường, đồ đạc trong nhà đều bị nước cuốn trôi.
Vườn cây cảnh rộng 1.000 m của bà Bùi Thị Thanh Nga (59 tuổi) mới ngày nào còn xanh tươi là thế mà nay chỉ còn lại vài ba cái chậu cũng bị vỡ toang. Căn nhà trong khu vườn của bà chỉ còn lại một mặt nền trơ trọi giữa vườn cảnh.
Đã 12 năm qua, bà chăm bón cho vườn kiểng của mình để kinh doanh. “Mỗi năm thu nhập cũng được 100 triệu. Vậy mà…” - Ngồi trong căn lều dựng tạm, bà Nga lắc đầu khi nhìn ra khu vườn.
Thiệt hại nặng nhất là vợ chồng anh Nguyễn Văn Dũng - chủ quán ăn uống Vườn Cau (56 Trương Quang Trọng). Khi trời đã tối om, vợ chồng anh vẫn lui cui dọn dẹp lại đống đổ nát. Vợ anh quét vội nền nhà còn trơ lại để căn tấm bạc làm lều tạm để cho 2 vợ chồng và 2 con nhỏ ngủ qua đêm.
“23 giờ đêm, lũ đã bắt đầu mạnh. Lo cho 2 con nhỏ đi trú ẩn trước, đồ đạc không chuyển kịp nên đã bị trôi toàn bộ. Chưa bao giờ lũ lớn như thế…” - anh Dũng tâm sự.
Anh tỏ vẻ vô cùng tiếc nuối với hệ thống quán ăn của mình. Một vườn cau tươi xanh, vốn là niềm tự hào của quán, khi mà anh cất công về tận huyện Đại Lộc, Quảng Nam quê nhà mang vào trồng.
1.500m đất vườn, cùng hệ thống nhà hàng, vật dụng, tài sản của 2 vợ chồng anh gầy dựng mấy năm qua tan tành trong phút chốc. Thiệt hại cũng gần 600 triệu đồng.
“Không thể khôi phục lại vườn cau được rồi. Giờ gom được gì thì gom. Nhưng mà còn gì đâu để gom….?” - anh Dũng than thở.
Đêm ở thành phố cồng chiêng tưởng chừng bình yên, nhưng có một dòng sông chảy ngược vẫn lặng thầm chảy vào trong hàng trăm cong người đang trong cảnh màn trời chiếu đất!
Công Quang