1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tân Bộ trưởng Tư pháp: “Không có trách nhiệm người đứng đầu thì rất gay!”

(Dân trí) - “Chấp hành viên là chức danh nghề và chịu trách nhiệm về hành vi, công tác chuyên môn của mình, nhưng chúng ta không được thoái thác hết cho chấp hành viên. Phải có trách nhiệm của người đứng đầu với vi phạm của chấp hành viên. Trách nhiệm của người đứng đầu nếu không có rất gay!”- tân Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nói.

Tân Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thẳng thắn vạch ra những yếu kém, khuyết điểm của ngành thi hành án (Ảnh: T.K)
Tân Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thẳng thắn vạch ra những yếu kém, khuyết điểm của ngành thi hành án (Ảnh: T.K)

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2016 được tổ chức vào sáng 15/4, tân Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long sau khi nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng và những ưu điểm ngành đã làm được trong thời gian qua, đã khẳng định ngành thi hành án vẫn còn nhiều yếu kém, hạn chế, bất cập.

“Việc thi hành án đạt tỷ lệ quá thấp, về tiền mới đạt khoảng 10%, thậm chí nhiều địa phương mới chỉ đạt 5% như Hải Dương, Kon Tum, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Hải Phòng, Bắc Ninh và Hà Tĩnh. Như vậy là chưa có sự đột phá, mới chỉ bình bình như vậy. Số lượng án thi hành phải chuyển kỳ sau còn nhiều và tăng so với cùng kỳ, con số thống kê là 226.000 việc tương đương 83.000 tỷ. Con số quá lớn”- ông Long dẫn chứng.

Trong khi đó, các vi phạm ở mức độ khác nhau và khiếu nại tố cáo thi hành án còn khá nhiều. “Xử lý kỷ luật tăng 13 việc, xử lý hình sự tăng 4 so với cùng kỳ và có khá nhiều trường hợp vi phạm trình tự, thủ tục thi hành án; khiếu nại kéo dài, có sự việc hàng chục năm vẫn còn. Các vụ việc thi hành án chiếm 100% các vụ việc mà lãnh đạo Bộ Tư pháp phải tiếp công dân hàng tháng. Liệt kê điểm báo của Văn phòng Bộ phần lớn sự việc liên quan đến Bộ, đến ngành cũng là thi hành án. Điều đó cho thấy công việc của hệ thống thi hành án được xã hội, người dân quan tâm đến nhường nào”- tân Bộ trưởng Tư pháp chỉ rõ.

Công tác hướng dẫn thực hiện một số nghiệp vụ chuyên môn còn hạn chế, chưa được chú trọng. Nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo kéo dài, đến khi Bộ Tư pháp lập đoàn thanh tra mới phát hiện vi phạm thủ tục, yếu kém về mặt nghiệp vụ.

“Ở đây tôi loại trừ những yếu tố khác nhưng có trường hợp chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên, cứ để đấy, nhũng nhiễu”- ông Long nói.

Chia sẻ những khó khăn với cán bộ cấp dưới khi đây là ngành dọc, phạm vi khá rộng và phải quan hệ, phối hợp với nhiều ngành, chính quyền địa phương, người đứng đầu Bộ trưởng Tư pháp cảnh báo: “Báo chí càng ngày càng quan tâm. Cái này rất rõ, là đồng tiền, bát gạo, cái nhà, có thể cân đo đong đếm được, nhìn thấy ngay”. Ông đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự có hướng dẫn tới các Cục và Chi cục Thi hành án địa phương cần nghiên cứu tổ chức họp báo định kỳ và thông tin tới báo chí những vụ việc đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Về kỷ cương, kỷ luật hành chính, tân Bộ trưởng Tư pháp chỉ đạo cương quyết xử lý đối với cán bộ thi hành án có vi phạm, tùy theo mức độ có thể xử lý hành chính, thậm chí hình sự và gắn chặt với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

“Chấp hành viên là chức danh nghề và chịu trách nhiệm về hành vi, công tác chuyên môn của mình, nhưng chúng ta không được thoái thác hết cho chấp hành viên. Phải có trách nhiệm của người đứng đầu với vi phạm của chấp hành viên. Trách nhiệm của người đứng đầu nếu không có rất gay. Sắp tới sẽ trình Luật Bồi thường nhà nước, tăng mức bồi thường lên nữa mà cứ thế này thì gay. Cứ rút tiền của nhà nước lúc này vài tỷ, lúc kia vài tỷ thì gay”- ông Long chốt lại.

Theo báo cáo công tác 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thi hành án dân sự, có tổng số gần 541.600 việc vào thi hành án, đến nay số đã thi hành xong là gần 212.600 việc, tăng trên 10.600 việc so với cùng kỳ. Tổng số tiền phải thi hành trên 111.900 tỷ đồng và đến nay đã thi hành xong trên 9.300 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trên 10% (còn thiếu 19,9% so với chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao là 30%).

Ngoài ra, Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết có 124 vụ việc phải thi hành án để thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng, tương đương số tiền trên 2.445 tỷ đồng. Đến nay số việc đã thi hành xong là 10 việc, tương ứng số tiền trên 91 tỷ đồng; số việc còn phải thi hành là 114 việc, tương ứng gần 2.354 tỷ đồng...

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm