1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

Tâm sự của cô bé nghèo sau cuộc gặp với nhà báo Đức

(Dân trí) - Nhận là người bảo trợ từ 4 năm trước nhưng ông Lothar A. Baltrusch chỉ liên lạc với Huyền qua những lá thư. Huyền không dám tin ông Lothar A. Baltrusch đã vượt 15.000 km bằng xe máy, tới mảnh đất Quảng Trị thăm em...

Cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra trong 3 ngày ngắn ngủi nhưng chừng đó thôi cũng đã mang nhiều ý nghĩa lớn lao đối với một cô bé vùng nông thôn nghèo ở Quảng Trị.
 
Cuộc gặp gỡ giữa nhà báo Đức và em bé nghèo Việt Nam- Phạm Thị Thảo Huyền ngày 9/7/2013.
Cuộc hành trình kéo dài 55 ngày đêm bằng xe máy được nhà báo Đức đặt tên là "Way to Huyen" (Đường đến với Huyền) 

Tình cảm nối dài qua hàng trăm lá thư

Sau chuyến hành trình vượt 15.000 km của nhà báo Lothar A. Baltrusch đến với cô bé nghèo Phạm Thị Thảo Huyền, học sinh lớp 8 ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Huyền và được nghe em chia sẻ về những cảm xúc khó tả trong cuộc gặp gỡ với người bảo trợ của mình. Trong suy nghĩ của Huyền, chuyến hành trình đó là một món quà hết sức ý nghĩa, giúp em có nhiều động lực để vươn lên trong cuộc sống.
 
Huyền kể lại, cách đây 4 năm, thông qua chương trình “Tầm nhìn Thế giới” (World Vision), chú Lothar đã nhận làm người bảo trợ cho em. Kể từ đó, hai chú cháu đã trò chuyện với nhau rất nhiều bằng những lá thư tay. Chú Lothar A. Baltrusch còn gửi cho em rất nhiều món quà ngộ nghĩnh, thú vị. Trong nhiều lá thư, chú Lothar đều mong muốn được qua Việt Nam để thăm em và nhiều bạn trẻ thiệt thòi ở Quảng Trị. Và rồi trong một lá thư gần đây nhất, chú Lothar nói đã lên kế hoạch vượt 15.000 km từ nước Đức xa xôi để đến với đất nước Việt Nam với nhiều hứa hẹn. 

Nước mắt cảm động của Huyền khi xem lại những bức thư mà chú Lothar đã gửi cho em

Nước mắt cảm động của Huyền khi xem lại những bức thư mà chú Lothar đã gửi cho em

Dù chưa một lần gặp nhau nhưng những lá thư tay mà ông Lothar A. Baltrusch gửi cho Huyền đều chứa đựng một tình cảm đặc biệt. Sự quan tâm của người bảo trợ từ nước Đức xa xôi đã khiến Huyền nhiều lần rơi nước mắt hạnh phúc. Trong một lá thư, ông Lothar A. Baltrusch từng viết: “… chú gửi cho cháu một thứ rất đặc biệt, đó là cái kẹp tóc. Chú gửi cho cháu kẹp tóc là bởi nhìn qua ảnh, chú thấy tóc cháu rất dài và đen…”.

Một trong nhiều bức thư mà ông Lothar A. Baltrusch đã gửi cho Huyền
Một trong nhiều bức thư mà ông Lothar A. Baltrusch đã gửi cho Huyền

“Ngày chú Lothar A. Baltrusch cùng những người bạn có mặt ở Quảng Trị, dù đã được thông báo từ trước nhưng em vẫn rất bất ngờ và xúc động trước những tình cảm mà chú dành cho em cũng như bao trẻ em nghèo của huyện Triệu Phong. Để thực hiện chuyến hành trình đó, chú Lothar đã trải qua nhiều vất vả, khó nhọc thậm chí là nguy hiểm nữa. Những ngày ở đây, em cùng chú Lothar đã đến thăm những bạn khuyết tật... Cuộc gặp gỡ đã để lại cho em và các bạn nhiều cảm xúc tốt đẹp, khó phai. Em luôn mong một ngày được sang Đức để thăm gia đình chú Lothar”.
 

Huyền cho biết, cứ đều đặn hàng tháng em lại nhận được tin từ người đại diện của chương trình “Tầm nhìn Thế giới” thông báo có thư của chú Lothar gửi về. Sau khi nhận được thư, biên dịch viên của tổ chức này đã dịch sang tiếng việt nội dung thư cho Huyền. Và sau đó, em cũng trả lời thư bằng nội dung tiếng Anh cho chú Lothar.

 

“Trước đây, thư của chú Lothar gửi về em đều nhờ biên dịch viên của chương trình “Tầm nhìn Thế Giới” phiên dịch nhưng thời gian gần đây, quá trình học tiếng Anh trên lớp cũng như tự mày mò nghiên cứu học ở nhà nên về cơ bản bây giờ em có thể giao tiếp và viết thư bằng tiếng Anh với chú Lothar”, Huyền khoe.

 

Bà Hoàng Thị Sen (mẹ Huyền) góp chuyện: “Những năm qua, nhờ có sự quan tâm đặc biệt của gia đình chú Lothar nên gia đình tôi cũng đỡ đi phần nào về công việc học hành của các con. Tôi luôn động viên con gái là phải cố gắng học thật giỏi để không phụ tấm lòng của gia đình chú Lothar cũng như mọi người”.

 
Ước mơ du học
 
Nói về cảm xúc trong cuộc gặp gỡ, Huyền cho biết cảm thấy rất tự hào và may mắn vì đã nhận được một sự quan tâm đặc biệt từ một nhà báo người Đức. “Chú Lothar rất tốt, trong buổi nói chuyện chú đã kể cho em nghe rất nhiều về công việc, gia đình, quê hương chú đang sinh sống. Em cũng chia sẻ với chú về việc học hành của mình và cả những ước mơ sau này của em. Khi nghe em nói về ước mơ muốn trở thành bác sĩ, chú ấy đã động viên em và hứa sẽ giúp đỡ em trong việc học tập để đạt được ước mơ của mình. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để đáp lại những tình cảm đặc biệt mà chú đã dành cho em”.
 

Những ngày ngắn ngủi ở Quảng Trị, ông Lothar A. Baltrusch cùng đoàn đã được Huyền cũng như người đại diện của Chương trình “Tầm nhìn Thế Giới” đưa đi thăm nhiều địa danh cách mạng ở Quảng Trị như Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang đường 9, Khu địa đạo Vĩnh Mốc,… Ngoài ra, ông Lothar A. Baltrusch còn nhờ đoàn dẫn đến các làng trẻ mồ côi, trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh,… để động viên về tinh thần cũng chia sẻ những khó khăn trước mắt cho những trẻ em nghèo, thiếu may mắn trong cuộc sống.

 

Khoảng thời gian ngắn ngủi được ở, được chứng kiến hành động cao cả của ông Lothar A. Baltrusch, Huyền nhận ra một điều rằng: “Cuộc sống là sự cho đi chứ đừng nghĩ đến ngày nhận lại”. Huyền rất cảm phục trước tấm lòng cao cả của ông Lothar. “Trên đường đi thăm các địa danh cách mạng ở Quảng Trị, hễ bắt gặp một đứa trẻ đáng thương lang thang trên đường là chú Lothar dừng xe ngay và nhờ biên dịch viên hỏi han và chú ấy con tặng quà nữa. Ở Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, tàn tật Triệu Thạch, hành động quan tâm ân cần tới những bạn trẻ kém may mắn nơi đây đã khiến em cảm động, rơi nước mắt”.
 
Sự quan tâm rất đặc biệt 

Sự quan tâm rất đặc biệt của ông Lothar đến các trẻ em kém may mắn.

Huyền sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Triệu Phong. Gia đình Huyền có 5 anh em, Huyền là con út. Cuộc sống gia đình chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng khô cằn. Nhà nghèo nên Huyền không có nổi một chiếc bàn đàng hoàng để học. Lần này về thăm Huyền và các em nhỏ ở miền quê nghèo Triệu Phong, ông Lothar đã mang theo một món quà đặc biệt. Đó là số tiền 16.000 euro mà trước chuyến đi ông đã vận động được để giúp Huyền và nhiều trẻ em nghèo Quảng Trị. Trong số đó, Lothar đã trích một phần để xây một phòng học mới và mua sắm dụng cụ học tập cho Huyền có nơi học tập tốt hơn.

Trong căn phòng học và nhiều đồ dùng học tập mới mà chú Lothar dành tặng

Trong căn phòng học và nhiều đồ dùng học tập mới mà chú Lothar dành tặng

Dù sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng từ nhỏ Huyền đã luôn biết vươn lên trong cuộc sống cũng như chăm chỉ trong học tập. Và cũng chính nhờ sự vươn lên vượt khó ấy mà trong suốt 8 năm qua, Huyền luôn là học sinh giỏi của lớp, của trường. Năm học vừa qua, Huyền đã xuất sắc đạt giải nhất huyện môn Sinh học. Khi được hỏi về ước mơ, cô bé nghèo học giỏi thỏ thẻ: “Ước mơ sau này của em là được trở thành bác sĩ. Em sẽ cố gắng chăm chỉ học tập, học thật giỏi để không phụ lòng ba mẹ vất vả nuôi nấng ăn học và sự quan tâm gia đình chú Lothar. Em rất muốn sau này được đi du học ở Đức để trở thành một bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho những bệnh nhân nghèo không có điều kiện đi viện chữa trị”. 

Chia sẻ về cuộc sống, Huyền lấy tấm gương của nhà báo Đức giàu lòng nhân ái, để tâm niệm một điều rằng: “Hãy luôn quan tâm đến mọi người xung quanh mình”.

Đặng Lê - Đăng Đức