1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tắm ôm ra đảo

Mấy năm gần đây các lực lượng chống mại dâm “đánh” mạnh trên đất liền nên nhiều gái “bán hoa” đã vượt sóng ra những hòn đảo giữa biển Tây Nam thuộc tỉnh Kiên Giang để hành nghề.

Bơi, ngủ ôm ở Phú Quốc

 

Trong vai một khách du lịch, tôi lên đảo Phú Quốc. Vừa tới thị trấn Dương Đông, mấy tay xe ôm đã mời chào: “Ông anh đi suối Tranh tắm mát không? Đảm bảo kín đáo, ăn nhậu trên rừng, tắm ôm dưới suối. Từ A đến Z chỉ có 200 ngàn đồng gồm cả tiền xe ôm…”.

 

Gã xe ôm chở tôi đến một quán trọ, huýt sáo miệng liên tiếp 3 cái. Khoảng 5 phút sau, một cô gái chừng 20 tuổi bước ra, mùi nước hoa, son phấn thơm nồng. Cô chủ động ngồi giữa tôi và anh lái xe ôm, chiếc xe lao vút vào rừng. Đến gần thác nước, gã xe ôm nháy mắt nhìn đồng hồ ra hiệu khoảng hơn 1 giờ sau sẽ quay lại.

 

Th… (tên của cô gái) giới thiệu: “Em ở tận Cần Thơ, ra đảo được gần 2 năm nay do sự giới thiệu của mấy chị đi trước. Hồi đầu mới ra, khi việc mua bán đất đai trên đảo còn nhộn nhịp, có ngày em chạy 4–5 “sô”, khách toàn đại gia. Từ ngày một số cán bộ trên đảo bị bắt tụi em làm ăn kém đi, chỉ sống lay lắt qua ngày. Tuy nhiên bọn em vẫn bám trụ vì sắp tới nghe nói người ta đầu tư vào Phú Quốc lớn lắm. Hơn nữa làm ăn ở đảo vẫn “thoáng” hơn trong đất liền”.

 

Buổi chiều tôi lang thang trên bờ biển ngắm cảnh hoàng hôn. Đang đi bất chợt nghe tiếng gọi. Tôi quay lại. Một cô gái mặc bộ đồ ngủ mỏng tang đứng cạnh ngôi nhà lá lụp xụp ven biển, ngoắc tay lia lịa.

 

Cô mở chuyện bằng câu hỏi : “Anh đi du lịch hay đi công tác? Bây giờ tắm biển với em nghen?”. Tôi bảo: “Anh không biết bơi”. “Thì để em ôm, một tiếng đồng hồ có trăm ngàn bạc” - Cô nói.

 

Lân la trò chuyện tôi biết cô tên là H, quê tận Đà Nẵng vào đây với người quen rồi hành nghề “ôm” trên biển. Ngôi nhà lá cô thuê ở riêng một mình, mỗi tháng 300 ngàn đồng. Không chỉ “ôm” trên biển, H còn giới thiệu các “dịch vụ” ngủ trưa, ngủ qua đêm.

 

Khách của H là ngư phủ, họ  có thể gõ cửa bất cứ lúc nào. Một tiêu chuẩn để hành nghề “ôm” trên biển là phải... biết bơi, vì thế nhiều em cũng thuê nhà ven biển nhưng chỉ dám mời khách “bơi” trên cạn vì không thể xuống nước được.

 

Xâm nhập giới ngư phủ

 

Theo một báo cáo gần đây của cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang, tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS của ngư phủ so với mại dâm và ma túy tại tỉnh này tương đương nhau. Điều này giải thích vì sao một tổ chức quốc tế khi hỗ trợ phòng chống mại dâm tại Kiên Giang đã thực hiện đề tài “Ngư phủ và bạn tình của họ”.

 

Thực tế cho thấy đã có không ít gái mại dâm sau khi bị nhiễm HIV/AIDS đã tìm ra vùng hải đảo xa xôi cho đến khi qua đời tại đảo. Một số cư dân trên đảo cũng đã bắt đầu “lây” bệnh từ gái mại dâm.

Đảo Hòn Thơm nằm cách thị trấn An Thới (huyện đảo Phú Quốc) khoảng 3 hải lý, ngày xưa vắng hoe. Đây vốn là nơi tàu thuyền đánh cá neo đậu sau những ngày khơi xa hoặc tạt vào tránh giông bão.

 

Một số Tú bà nhận ra nhu cầu của ngư phủ không chỉ có rượu bia, ngủ qua đêm mà còn có “chuyện ấy” nữa. Thế là bia ôm, rượu ôm ùn ùn mọc lên. Ngay trong quán có những phòng nhỏ được che bằng những tấm ni-lông tạm bợ vừa đủ để chiếc giường. Không có điện thì sử dụng đèn dầu, nến.

 

Gái “bán hoa” dạt ra đảo phần lớn đã có tì vết trong đất liền, hoặc đã phai tàn. Một tay chơi trên đảo cho biết : “Khu vực này có rất nhiều đảo hoang, không có người sinh sống, khách chơi sau khi thỏa thuận có thể thuê một chiếc ghe tìm đến để làm “chúa đảo” bất kể ngày hay đêm”.

 

Ở đảo Thổ Chu (còn gọi là Thổ Châu), cách cảng biển TP Rạch Giá tới 200km, rất nhiều gái mại dâm đã ra dựng lều quán tạm bợ, sát mé biển với nhiều danh nghĩa khác nhau. Trong một quán nhà lá lụp xụp, chật chội có đủ các dịch vụ: Nhậu bình dân, karaoke, cạo gió, đấm bóp, giác hơi, massage mặt...  và cuối cùng là bán phấn buôn hương.

 

Trưởng CA xã đảo Thổ Chu-anh Lê Như Ý cho biết : Cả đảo hiện có 5.522 dân, trong đó gần 500 người di dân tự do. Đối tượng mại dâm hoạt động mạnh trong 30 quán sử dụng tiếp viên. Các lều quán này tạm bợ, hoạt động theo mùa gió. Mùa gió nam này do tàu thuyền lánh gió bão ở bãi Dông nên quán xá đổ xô về bãi Dông. Mùa gió bắc lại chạy về khu trung tâm xã.

 

Anh Ý bức xúc: “Việc truy quét chúng tôi vẫn làm thường xuyên nhưng mỗi lần kiểm tra là không dễ. Chẳng hạn như muốn qua bãi Dông thì phải đi ghe, chưa đi tới nơi đã có người báo rồi, rất khó bắt. Tuy nhiên, giỏi lắm chỉ giữ họ được 48 tiếng, còn nếu chuyển lên trên xử lí thì phải chờ tàu, mà tàu thì một tuần, có khi 2 tuần mới có một chuyến”.

 

Theo Hồng Lĩnh
Tiền Phong