"Tâm lý cán bộ ngại tiếp xúc với báo chí khá phổ biến!"

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, không phải sự cố "khủng hoảng truyền thông" nào cũng có nguyên nhân từ báo chí. Đặc biệt, tâm lý cán bộ ngại tiếp xúc với báo chí khá phổ biến.

Không phải sự cố "khủng hoảng truyền thông" nào cũng là từ báo chí

Báo cáo đề dẫn tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách diễn ra chiều 24/11, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết ở nước ta, công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng.

Tâm lý cán bộ ngại tiếp xúc với báo chí khá phổ biến! - 1

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm báo cáo tại hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Công tác này hoạt động theo phương châm truyền thông phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, hệ thống báo chí, truyền thông (bao gồm Cổng Thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, các báo, đài, các trang thông tin điện tử tổng hợp...) cũng góp phần hết sức to lớn vào việc truyền đi kịp thời những thông điệp quan trọng trong chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Tất cả để nhằm mục tiêu "Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm".

Tuy nhiên, các kết quả bước đầu của việc đổi mới công tác truyền thông chính sách chủ yếu vẫn tập trung ở các cơ quan đầu não ở trung ương với nguồn lực ít nhiều cũng được trang bị, đầu tư cơ bản. Ở nhiều địa phương và cá biệt ở một số bộ ngành hiện nay, công tác truyền thông không được quan tâm do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan.

Thứ trưởng Bộ TT-TT cho biết thêm, gần đây có nhiều vụ việc nổi cộm trên không gian báo chí, truyền thông (trong đó có vụ việc trở thành "sự cố truyền thông", ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội, sản xuất kinh doanh, thậm chí trật tự an ninh...). Để xảy ra điều này có nguyên nhân xuất phát một phần từ sự thiếu kinh nghiệm xử lý truyền thông hiệu quả từ phía các cơ quan hành chính nhà nước.

Trong khi đó, báo chí chính thống vẫn là kênh chủ lực trong việc hỗ trợ tuyên truyền chủ trương chính sách, nhưng đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn.

Phân tích về nguyên nhân của những hạn chế, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, một phần do chưa có sự thống nhất trong tư duy tiếp cận về truyền thông chính sách. Vẫn còn có nhận thức chưa đúng rằng "truyền thông chính sách là việc của báo chí"…

Việc báo chí thực hiện chức năng phản biện chính sách cũng rất quan trọng, vì nó góp phần hoàn thiện chính sách. Ông Lâm khẳng định, không phải sự cố "khủng hoảng truyền thông" nào cũng có nguyên nhân từ báo chí.

Đặc biệt, theo ông Lâm, việc chủ động tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí vẫn được coi là việc "khó", tâm lý cán bộ ngại tiếp xúc với báo chí khá phổ biến ở nhiều bộ ngành, địa phương, dẫn đến việc báo chí gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn thông tin chính thống để giải thích chính sách…

Từ thực trạng và bài học kinh nghiệm thực tiễn, Bộ TT-TT đã đề xuất một số giải pháp, trong đó kiến nghị phải có công cụ đo lường, đánh giá được hiệu quả truyền thông chính sách qua các phương thức khác nhau (báo chí, thông tin cơ sở, truyền thông xã hội, cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước....).

Tâm lý cán bộ ngại tiếp xúc với báo chí khá phổ biến! - 2

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Nhiều cơ quan báo chí khi truyền thông chính sách phải đi "xin"

Theo Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh, trong truyền thông chính sách, quan trọng nhất là sự chủ động của các cơ quan chức năng cũng như các cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, ông Minh cho thẳng thắn cho biết, bên cạnh một số cơ quan, địa phương rất chủ động như: Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Hà Nội, TPHCM… thì vẫn còn rất nhiều các bộ ngành, địa phương chưa có sự chủ động.

Xét về sự chủ động của các cơ quan báo chí, ông Minh khẳng định là các cơ quan báo chí truyền thống có sự chủ động rất tốt. Tuy nhiên, vẫn có tỉ lệ khá lớn các báo, tạp chí khác chưa chủ động trong truyền thông chính sách; thậm chí có những cách hiểu chưa đúng về tuyên truyền chính sách hay truyền thông chính sách nên việc truyền thông chưa được hiệu quả, nhiều khi mang tính một chiều.

Đáng chú ý, theo Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí khi truyền thông chính sách nhưng phải "xin" thông tin ở cơ quan chức năng. Một số bộ ngành không có một kênh thông tin để thường xuyên cung cấp, thậm chí phải có sự trao đổi, thảo luận trong bối cảnh thông tin hiện nay rất nhiễu loạn. Nhiều bộ ngành chưa có chiến lược truyền thông mang tính dài hạn, thường nặng về sự vụ, nếu xảy ra việc gì thì gặp gỡ báo chí để giải quyết tức thời.

Ông Lê Quốc Minh đánh giá, ở góc độ Chính phủ, Quốc hội, cách thức làm truyền thông đã rất đổi mới và đạt hiệu quả cao. Nhưng ở góc độ từng bộ ngành, địa phương còn rất nhiều điều phải nói đến. Sự chủ động của một số cơ quan báo chí, các cơ quan khác cũng chưa đạt được.

"Công tác truyền thông chính sách là phải đạt hiệu quả, phải đo đếm được. Điều này chúng ta hoàn toàn có thể làm được" - ông Lê Quốc Minh nói.

Tâm lý cán bộ ngại tiếp xúc với báo chí khá phổ biến! - 3

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Xuất hiện ngày càng nhiều tin giả, tin xấu độc, làm lũng đoạn

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho rằng, truyền thông chính sách, pháp luật không những nhằm bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của người dân trong tham gia xây dựng pháp luật theo nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Điều này còn có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm củng cố, xây dựng niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước về mỗi một chủ trương, chính sách mới được ban hành.

Những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương làm tốt công tác truyền thông, công tác tuyên truyền từ trước, trong và sau khi ban hành chính sách, pháp luật về an ninh trật tự. Điều này góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và đối ngoại của đất nước.

Trong đó, Bộ chú trọng khảo sát, đánh giá cơ sở khoa học và thực tiễn, xác định mục tiêu, nguồn lực, tác động, lợi ích xã hội đối với chủ trương chính sách mới. Các chính sách về an ninh trật tự có tác động lớn tới xã hội đều được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, tạo được sự đồng tình ủng…

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ, trong thời gian tới, công tác bảo đảm an ninh trật tự và truyền thông chính sách về an ninh trật tự có nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức mới.

Cụ thể, nguy cơ sử dụng về công nghệ thông tin để "xâm lấn", "can thiệp", "lấn át" thông tin chính thống; xuất hiện ngày càng nhiều tin giả, tin xấu độc, làm lũng đoạn thông tin, gây tâm lý hoang mang trong xã hội, gây khó khăn cho công tác định hướng dư luận, hạn chế khả năng gạn lọc thông tin chính thống trong truyền thông chính sách...